85 tuổi còng lưng nuôi con gái điên, cháu sứt môi

Google News

Cái nghèo, cái khó, cái khổ cứ mãi lưu cữu trên tấm thân già...

(Kienthuc.net.vn) - “Hắn (con gái-PV) trở nên điên loạn, ngay cả đứa con trai hắn cũng không nhìn nhận là con mình” - cụ Nguyễn Thị Thoại (85 tuổi), tổ 15, thôn Quý Xuân 1, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, Quảng Nam ngậm ngùi.

Củ khoai khúc sắn sống qua ngày

Chúng tôi đến nhà cụ Thoại vào buổi xế chiều. Lưng còng, đầu tóc bù xù,… cụ Thoại lụi khụi với nồi khoai lang dưới nhà bếp.

Chị Nguyễn Thị Hà, trưởng hội từ thiện xã Bình Quý, người dẫn chúng tôi đến cho biết, nồi khoai lang ấy mọi khi là bữa ăn đạm bạc cho cả nhà.

Khoai được cụ đi mót về, nấu để sẵn đó cho thằng cháu ngoại Trần Công Cường (15 tuổi) có cái bỏ vào bụng. Cơm thì ăn bữa được, bữa mất. Thức ăn chủ yếu là đĩa rau luộc, chén mắm.

Cụ Thoại hí húi  với nồi khoai lang.

 Trước khi vào, chị Hà cứ mãi đắn đo và luôn miệng nói dằm chừng: “Cũng ngại thiệt… Ngay cả chỗ ngồi được cũng không có”.

Thấy có người vào, cụ Thoại còng lưng đi lên nhà đón khách với vẻ ngại ngùng, lúng túng.

Chỉ vào cái giường cũ giữa đống bề bộn, cụ Thoại đưa tay vén vội rồi ấp úng nói: “Mấy chú, mấy cô thông cảm ngồi đỡ đây! Thiệt tình, nhà cũng không có cái ghế nên “hồn” (đều cũ nát và bụi bẩn-PV) nên không dám mời để ngồi vì sợ lỡ…”.

Chị Võ Thị Lý suốt ngày cứ dở dở ương ương...

Nói về gia đình, cụ Thoại vừa kể vừa lấy tay quệt vội dòng nước mắt: “Trước đây, hắn đâu có bị điên nặng như bây chừ. Hắn cũng lấy chồng và sinh con. Chồng hắn cũng chậm chạp, đần như hắn. Nhưng không hiểu sao sau khi sinh con thấy thằng Cường bị sứt môi, ngớ ngẩn, chồng hắn bỏ đi.

... đến con trai cũng không nhận

Từ đó, hắn phát điên loạn, phá phách, không làm chủ được mình. Đứa con hắn cũng không nhìn nhận. Thương cháu tàn tật, ngớ ngẩn, già này mới đi vay đi mượn đầu trên xóm dưới về để đưa đi chữa trị nên sức khỏe mới ổn và đi học lấy cái chữ” - cụ Thoại ngậm ngùi xót xa.

Cụ kể: “Tắm hắn khổ lắm mấy chú ơi! May là mấy năm gần đây có thằng Cường phụ già. Tay phải ghì con vào người, tay trái kì cọ, lau chùi cho hắn. Miệng dỗ dành như đứa con nít lên 3… Trong khi đó, thằng Cường thì phụ già xách nước dội. Nhiều bữa, không giữ hắn được nên phải nhờ đến bà con hàng xóm. Nhưng họ cũng bận, đâu có nhờ được nhiều. Thành ra, tắm hắn là già này và thằng Cường có một bữa “vật vã” ngon lành”.

Cụ Thoại chỉ tay vào đứa con gái của mình đang đi về mà xót xa: “Đấy! Hắn đấy! Hắn mà xuống là lảm nhảm miết, không chịu nghỉ, nhất là có người lạ vào. Ngay cả đứa con trai hắn cũng không nhận là con… ”

Ba cháu là ai hả bà?

Cụ Thoại kể về đứa cháu ngoại đáng thương của mình: “Nhiều buổi tối ngủ với già, nó (cháu ngoại-PV) thủ thỉ: “Bà ơi! Ba cháu đi đâu mà không thấy hả bà? Đám bạn bảo con là con hoang. Bà có biết ba cháu là ai không?” Nghe cháu nói mà già ứa cả nước mắt, lòng đau như cắt từng khúc ruột, trằn trọc cả mấy đêm liền”.

“Nó đi học thiếu thốn đủ thứ nhưng chưa than vãn với già. Sáng dậy thiệt sớm phụ già quét dọn nhà cửa, rồi nhịn đói đi bộ hàng mấy cây số đến trường. Chiều lại theo già lên rừng hái rau, mót củi, khoai sắn.”

Đang nói, cụ Thoại bật khóc.

“Bữa ăn hàng ngày bây giờ già cũng không thể lo nổi cho cả nhà huống chi là việc học hành của cháu Cường. Tiền trường, tiền lớp già này không thể lo được. Chắc không có xe, có tiền, nó sẽ nghỉ hẳn ở nhà cùng già lên rẫy hái rau, mót khoai, sắn hay kiếm củi” - cụ Thoại xịu khuôn mặt khắc khổ.

 Chị Lý phát điên loạn, ăn, mặc, tắm đều phải nhờ tay mẹ già...

Chị Nguyễn Thị Hà cho biết thêm: “Cường không chỉ bị sứt môi mà còn nhiễm cái khờ khạo của mẹ nó. Chỉ tội nhà cụ Thoại nghèo, chưa có tiền đi phẫu thuật, rồi chữa hết căn bệnh khờ cho nó. Lo cho mẹ nó đã kiệt rồi còn sức đâu mà lo cho nó nữa.

Cụ Thoại còng lưng nhưng chiều chiều vẫn đều đặn lên rừng hái rau, mót khoai, sắn để sáng sớm đem ra chợ đổi gạo về nấu cháo, nấu cơm ăn thủng thẳng qua ngày.

Cái ăn, cái mặc, cái ngủ, cái tắm, cái giặt,… của đứa con gái và cháu ngoại đều do đôi bàn tay cần mẫn của cụ. Cái nghèo cái khó cái khổ cứ mãi lưu cữu trên tấm thân già. Mỗi tháng chỉ nhận được vài đồng tiền trợ cấp quả là không thể sống được. Biết làm gì hơn khi nơi đây còn nghèo, còn nhiều mảnh đời bất hạnh quá!”.

Mọi sự hỗ trợ xin gửi về địa chỉ:

1. Bà Nguyễn Thị Thoại, tổ 15, thôn Quý Xuân 1, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, Quảng Nam.

Số điện thoại: 098.303.5515 (gặp chị Nguyễn Thị Hà)

2. Hoặc Tòa soạn Báo điện tử Kiến Thức

Địa chỉ: tầng 5, Tòa nhà Láng Trung, số 60/850, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.

Số điện thoại: (04) 62.765.887; (04) 62.765.886. Hotline: 098.884. 4039.

Số tài khoản ngân hàng: 126.10.000.119.106 tại ngân hàng BIDV chi nhánh Ba Đình (Hà Nội). Chủ tài khoản: Báo điện tử Kiến Thức

Xin vui lòng ghi cụ thể tên người được hỗ trợ hoặc tên bài báo có nhân vật được hỗ trợ. Kienthuc.net.vn cam kết chuyển tận tay.

Trân trọng!

[links()]

Lưu Minh

Bình luận(0)