Ông Hà Duy Thành: Không hư hỏng mới lạ!

Google News

(Kiến Thức) - Theo ông Hà Duy Thành, hiện nay khâu tuyển chọn cán bộ của chúng ta đang rơi vào tình trạng "đem con bỏ chợ", thiếu sự kiểm tra, giám sát. 

Theo ông Hà Duy Thành, hiện nay khâu tuyển chọn cán bộ của chúng ta đang rơi vào tình trạng "đem con bỏ chợ", đề bạt xong rồi thì thiếu sự kiểm tra, giám sát. Đó là cơ hội cho sự thoái hóa biến chất, lòng tham phát triển. Vậy nên, chuyện ông cán bộ "cố thủ" trong nhà công vụ, rồi nguyên tổng thanh tra chính phủ có nhiều nhà đất... cũng là điều dễ hiểu.
Quyền trong tay, tội gì không xin!
Ông thấy thế nào khi biết được chuyện ông cựu quan chức nào đó mãi vẫn chưa chịu trả nhà công vụ, rồi ông nguyên tổng thanh tra chính phủ có nhiều nhà đất, biệt thự?
Nói chung, tôi tin không phải chỉ có vài ông như thế đâu. Biết những chuyện đó thì tất nhiên có sự bất bình chứ, vì người ta không chỉ vi phạm điều lệ Đảng mà còn có biểu hiện của sự thoái hóa biến chất về lý tưởng, tư cách, lối sống. Không thể chấp nhận được điều đó, bởi trong số họ có những người từng nắm giữ những cương vị rất cao.
Ông và rất có thể nhiều người không thể chấp nhận điều đó, nhưng thực sự thì nó vẫn cứ diễn ra?
Thực ra, ít nhiều đó cũng là hệ quả  của nhiều nguyên nhân chứ không phải chỉ ở bản thân những ông ấy đâu.
Đó là những nguyên nhân gì vậy?
Bên cạnh việc họ đã thoái hóa biến chất như tôi vừa nói thì còn có nguyên nhân nữa là công tác đề bạt cán bộ, quản lý cán bộ còn buông lỏng, ta cứ đề bạt xong là coi như xong thiếu sự kiểm tra, giám sát, kiểu "đem con bỏ chợ". Họ không hư hỏng mới lạ!
Thêm vào đó, trách nhiệm của chi bộ, đảng bộ, thủ trưởng cơ quan cũng chưa được thực hiện đầy đủ. Dù nói rằng phải thực hiện "phê và tự phê", phải có sự đấu tranh chống lại những biểu hiện tiêu cực trong Đảng, vậy nhưng như tôi biết thì rất ít có chi bộ, đảng bộ phát hiện ra được sai phạm của đảng viên mà chủ yếu là do báo chí phanh phui, người dân tố cáo. Cũng có thể trong chi bộ, đảng bộ đó có những ông có quyền có chức nên người ta ngại không dám đấu tranh vì sợ bị trù dập. Vì vậy, với nhiều người có quyền, tiền trong tay, tội gì người ta không xin đất, xin nhà!
Nói như ông thì có vẻ một bộ phận coi thường pháp luật, điều lệ đảng viên?
Đúng đấy. Vì cứ nhìn mà xem, hình thức xử phạt khi phát hiện ra sai phạm ở ta chưa đủ nghiêm minh. Vậy nên, ông bí thư tỉnh ủy xây biệt thự nhiều tỷ đồng thì sau đó đến lượt ông giám đốc sở xây còn to hơn, là vì người ta nhìn trước nhìn sau, thấy ông này, ông kia làm mà có bị sao đâu. 
Ông Hà Duy Thành, nguyên phụ trách Văn phòng Đảng ủy Khối 1 các cơ quan Trung ương. 
Những kẻ cơ hội ranh ma lắm!
"Thời tôi còn công tác, khi đề bạt một ai đó, chúng tôi vẫn phải tiếp tục kiểm tra, giám sát, theo dõi họ để kịp thời răn đe, uốn nắn. Phải làm như thế thì mới mong có đội ngũ cán bộ tốt được, chứ kiểu bổ nhiệm xong rồi "đem con bỏ chợ" thì chuyện cán bộ thoái hóa cũng là lẽ đương nhiên".

 

Có một thực tế, trong khi những người dân (trong đó có cả những đảng viên, cựu chiến binh) tham gia hiến đất làm đường, làm công trình phúc lợi xã hội thì nhiều cán bộ tha hóa, biến chất lại chỉ chăm chăm lo vun vén cho mình và gia đình. Điều gì làm nên sự khác biệt ấy, thưa ông?
Điểm khác biệt lớn nhất là những người dân ấy biết vì Tổ quốc, vì nhân dân, trong đó có quyền lợi của chính mình. Còn những ông cán bộ không phải họ không nhận thức được điều ấy đâu, nhưng vì họ thoái hóa biến chất về lý tưởng, đạo đức, tư cách; thêm vào đó họ sẵn có lòng tham nên khi có điều kiện để tham thì khó cưỡng lại lắm. 
Nghĩa là một bộ phận cán bộ là những kẻ cơ hội?
Đúng vậy. 
Làm gì để phân biệt được họ, thưa ông?
Thực ra, những kẻ cơ hội thì ranh ma lắm, họ che giấu rất giỏi nhưng cũng chẳng khó để nhận ra, chỉ cần thông qua tiếp xúc hằng ngày là thấy ngay thôi. 
Thế mà sao công tác cán bộ vẫn để lọt những người như thế?
Là bởi người làm công tác tuyển chọn thiếu công tâm, thiếu khách quan, có khi còn bị đồng tiền chi phối. Cũng có thể năng lực, trình độ của họ có hạn thật nên họ không nhận ra. Ngoài ra, còn có lý do nữa là tuyển chọn xong thì chưa có chế tài để quản lý, kiểm tra, theo dõi, giám sát nữa nên mới thế.

Thử thách cán bộ ở nơi nghèo khổ
Có vẻ như bây giờ, làm quan khó thanh liêm chính trực?
(Cười) Đúng đấy, vì có quá nhiều cám dỗ đến với họ. Có những người trước khi được thăng chức thì họ cũng tốt lắm, nhưng rồi vì nhiều thứ, có cả yếu tố tác động từ gia đình, vợ con mà họ không còn giữ được cái tâm của mình.
Theo ông, với một người cán bộ thì điều gì là quan trọng nhất để họ dù có lên chức vụ cao sẽ hạn chế thoái hóa biến chất? 
Khó đấy. Nhưng tôi cho rằng, điều đầu tiên người ta phải có là năng lực, trình độ, từ đó họ sẽ biết phải làm gì, trách nhiệm của mình đến đâu. Song song với đó là phải có bản lĩnh vững vàng thì mới hy vọng bước qua cám dỗ được.
Nhưng không phải ai cũng có bản lĩnh vững vàng?
Đúng.
Chẳng lẽ ta cứ chấp nhận cảnh trong bộ máy luôn có những cán bộ thoái hóa, lợi dụng chức vụ quyền hạn mà tư lợi ư, vì họ thiếu bản lĩnh?
Đó là thực tế mà chúng ta đang buộc phải trải qua. Nhưng không phải cứ mãi sống chung trong cảnh đó được, phải giáo dục, rèn luyện để người ta hiểu rằng anh ở vị trí đó là để làm lợi cho dân, cho nước chứ không phải để có cơ hội kiếm được nhiều nhà, nhiều tiền, tức là luôn phải giáo dục lý tưởng, tư cách cho họ.
Có vẻ như ông đang hô khẩu hiệu, kiểu "này anh cán bộ, anh hãy bớt tham lam đi, hãy biết vì dân vì nước đi!"?
Đúng là nghe rất giống khẩu hiệu nhưng rõ ràng, việc giáo dục là rất cần thiết. Đồng thời, phải theo dõi, giám sát cán bộ, phải làm thực chất vì chúng ta đã có quy định rồi nhưng vẫn chưa thực hiện tốt. Bên cạnh đó, phải có chế tài để nếu anh làm sai thì phải bị xử nghiêm. Cần phải phát động trong xã hội phong trào lên án, tẩy chay cái xấu, đừng để cái bất thường trở thành bình thường được nữa. Thực tế cho thấy, những cán bộ mà đi lên từ nghèo khó, tiếp xúc với người dân trong sự vất vả thì người ta thường biết trân trọng, biết sống đúng với trách nhiệm, lương tâm của mình.
Nghĩa là bây giờ, muốn đề bạt ai lên chức vụ cao hơn thì phải để họ sống, công tác ở những nơi nghèo khổ, khó khăn?
Chính xác. Không còn cách nào khác. Lâu nay chúng ta thực hiện luân chuyển cán bộ nhưng khi luân chuyển, nhiều người được giữ những vị trí cao, đi đâu cũng có xe đưa xe đón, ăn uống ở nhà hàng, khách sạn thì làm sao có sự đồng cảm với dân chúng. Do vậy, cứ phải để họ có trải nghiệm thực tế ở nơi khó khăn thì mới mong họ trưởng thành.
Trân trọng cảm ơn ông!
"Tôi tin bây giờ, nhiều cán bộ có nhà to, biệt thự đẹp, nhiều trang trại, chỉ có điều họ chưa bị lộ mà thôi. Do vậy, cần có cuộc kiểm tra, rà soát lại tổng thể tài sản của cán bộ đảng viên, công khai cho dân chúng biết. Nếu phát hiện việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi thì phải xử lý nghiêm minh để lấy lại lòng tin trong nhân dân. Làm được như thế thì chẳng lo công tác phòng chống tham nhũng nói hoài, nói mãi vẫn chưa hiệu quả".
Vũ Thủy (Thực hiện)

Bình luận(0)