Ông Đỗ Văn Ân: Xử khi đương chức, đừng đợi về hưu

Google News

(Kiến Thức) - "Không thể đợi người ta hạ cánh mới xử cho dễ mà cần phải làm ngay từ khi người ta đương chức...", ông Đỗ Văn Ân nêu quan điểm. 

"Quan niệm về hưu là hạ cánh an toàn đã đẻ ra sai phạm ở nhiều người. Việc xử lý một cá nhân về hưu sẽ đánh động, làm thức tỉnh những người khác. Tuy nhiên, không thể đợi người ta "hạ cánh" mới xử cho dễ mà cần phải làm ngay từ khâu người ta còn đương chức, vì đương chức thì mới tham nhũng được", ông Đỗ Văn Ân nêu quan điểm. 
Về hưu như một sự trừng phạt
- Lúc mới về hưu, ông thấy thế nào?
- (Cười) Ồ, tôi tăng cân đấy, vì chẳng phải lo nghĩ chuyện công việc nữa. Nhẹ đầu lắm!
- Tôi nghĩ nhiều người cũng sẽ đồng cảm với ông. Nhưng chuyện "nhẹ đầu" hẳn cũng có nhiều sắc thái khác nhau?
- Đúng thế. Phải chăng ý cô đang nhắc đến chuyện hạ cánh an toàn?
- Ông thấy đúng chứ?
- Với cá nhân tôi thì dù có bay trên bầu trời cũng vẫn an toàn rồi (cười). Song với nhiều người thì đúng là về hưu chẳng khác nào sự hạ cánh an toàn, vì trong lúc còn đương chức, người ta làm nhiều điều khuất tất, mắc nhiều khuyết điểm không thể chấp nhận được nên khi về nghỉ thì thấy thoát. 
- Theo ông thì vì sao có quan niệm, tâm lý ấy?
Chính vì cơ chế quản lý không đúng, ta coi chuyện về hưu là xong, sai phạm trước đó coi như xí xóa, được tha bổng. Thực tế, với nhiều người thì việc về hưu là mất đi bổng lộc, như một sự trừng phạt. Do vậy, họ lấy chuyện về hưu như là một sự đền bù cho những sai phạm của mình. 
- Thời của ông đã có tâm lý này chưa?
- Tâm lý này từ thời của tôi đã bắt đầu có rồi, từ đầu những năm 2000. Nhưng thời ấy nhìn chung sai phạm không nhiều, cũng không lớn như bây giờ.
- Theo ông thì vì sao thời đó sai phạm có nhưng ít hơn?
- Tôi cho rằng nguyên nhân chính là việc ta chuyển mạnh sang cơ chế thị trường, cách quản lý của Nhà nước có nhiều sơ hở. Những sơ hở ấy vẫn chưa được khắc phục triệt để nên người ta dần nắm vững sơ hở ấy mà ra sức lợi dụng, tranh thủ làm giàu nhanh cho mình nên sai phạm dần nhiều hơn theo thời gian.
Xu khi duong chuc dung doi ha canh an toan hinh anh
Ông Đỗ Văn Ân, nguyên Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ. 
Cơ chế tạo điều kiện cho... ăn cắp
- Ông đổ cho cơ chế, nhưng thực ra chúng ta động đến cái gì cũng có luật, ngay cả đảng viên cũng có Điều lệ Đảng và 19 điều đảng viên không được làm rồi đấy thôi, chứng tỏ cơ chế rất chặt chẽ đấy chứ?
- Chúng ta hầu như có tất cả các quy định, điều lệ. Vậy nhưng người ta vẫn sai phạm, thậm chí chuyện sai phạm không cá biệt ở một cơ quan nào, một địa phương nào thì phải xem lại chính cơ chế đó chứ. Người ta ban hành nhưng có làm được đến nơi đến chốn đâu. Ngay như chuyện kê khai tài sản nói nhiều, nói mãi rồi mà nó cũng chỉ mang tính hình thức, có kiểm soát được tài sản của cán bộ công chức được đâu! Cứ bảo cơ chế chặt chẽ, vậy nhưng thực tế người ta vẫn dễ dàng ăn cắp đấy.
- Ý ông là cơ chế tạo điều kiện cho ăn cắp?
- Đúng thế. Tôi đơn cử có trường hợp làm lãnh đạo ở địa phương thì được cấp nhà công vụ ngay mặt đường, đến khi được đề bạt lên chức cao hơn ở cấp Trung ương thì lại tiếp tục được cấp nhà. Đáng ra anh chỉ được cấp một lần thôi chứ nhưng cơ chế nó thế. Hay việc sử dụng xe công, sao không khoán ra tiền mặt để người ta muốn đi đâu thì đi trong khoản tiền ấy, nếu tiêu hết thì tự bỏ tiền túi ra. Đằng này người ta vẫn sử dụng xe công vào mục đích cá nhân cũng có xử lý được hết đâu... Rõ ràng, với cơ chế như thế thì khó mà bảo người ta không tham lam được. Vậy nên, chuyện người ta tham lam, vơ vét rồi nghĩ rằng về hưu là an toàn cũng chẳng có gì khó hiểu.
Người ta sẽ giấu mình tốt hơn, nếu...
- Dường như, tâm lý về hưu là "hạ cánh an toàn" đang dần thay đổi, sau vụ việc ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ bị xử lý và đề nghị kỷ luật ở mức cảnh cáo, thưa ông?
- Tôi nghĩ đó cũng là bước tiến đấy, và chắc chắn nó sẽ làm cho người ta dần thay đổi quan niệm.
- Liệu nó có khiến ai đó phải giật mình thức tỉnh?
- Tôi tin là có. Một số hiện tượng chiếm nhà công vụ đang rục rịch trả nhà đã cho thấy điều đó.
- Ông có tin chúng ta sẽ xóa bỏ được quan niệm về hưu là "hạ cánh an toàn" sau những động thái trên?
- Tôi cho rằng đó chỉ là bước đệm để chúng ta dần có niềm tin vào việc dần thay đổi quan niệm đó, chứ xóa bỏ e là còn phải tốn thời gian. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, nó sẽ là bài học kinh nghiệm cho những kẻ ăn ắp để họ giấu mình tốt hơn. Thay vì mua nhà, xây biệt thự, sắm ô tô sang, người ta có thể mua vàng hoặc chia nhỏ tài sản do nhiều người làm chủ sở hữu. Khi đó, công cuộc phòng chống tham nhũng sẽ lại tiếp tục khó khăn.
Dễ như... xử người về hưu
- Có người bảo, xử lý người về hưu thì dễ vì người ta đâu còn quyền lực trong tay?
- Đúng vậy. Người đương chức sai phạm, họ sẵn sàng dùng bộ máy của mình để chống lại. Còn người về hưu thì có quyền lực nào nữa đâu, thế nên xử họ mới dễ. Cần nhớ rằng, quan niệm về hưu là "hạ cánh an toàn" đã đẻ ra sai phạm ở nhiều người. Việc xử lý một cá nhân về hưu sẽ đánh động, làm thức tỉnh những người khác. Tuy nhiên, không thể đợi người ta "hạ cánh" mới xử cho dễ mà cần phải làm ngay từ khâu người ta còn đương chức, vì đương chức thì mới tham nhũng được.
- Vậy làm sao để xử lý được cả những người đương chức, thưa ông?
- Muốn thế, cần phải thay đổi cơ chế, chế tài để xử lý ngay khi họ còn đương nhiệm. Tức là phải làm tốt công tác quản lý, trong đó có cả việc kê khai tài sản. Nhưng nói thế thôi chứ cơ chế bất cập, người ta nhận ra cả đấy song có thể người ta chẳng đề xuất thay đổi làm gì, vì biết đâu khi làm chặt chẽ hơn thì họ chẳng lợi dụng được gì nữa.
- Nhưng ta cũng cần phải có sự đột phá nào đó chứ?
- Đúng. Nếu cơ quan tham mưu đề xuất giải pháp tỉ mỉ, khoa học thì chắc chắn chúng ta sẽ làm được, chỉ có điều có muốn làm hay không. Tôi tin sau sự việc của ông Trần Văn Truyền, Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương sẽ rút ra được bài học kinh nghiệm, có được những cách làm bài bản để đối với người về hưu thì thế này còn người đương chức thì phải làm thế kia. Làm được như thế chắc chắn chúng ta sẽ thành công.
- Xin cảm ơn ông và kính chúc ông sức khoẻ!
- "Tôi về quê, người ta bảo tôi rằng ông giám đốc cơ khí huyện giàu lắm bác ạ, bác là Ủy viên Trung ương ba khóa thì chắc giàu lắm. Đấy, người dân luôn mặc nhiên cách nghĩ rằng chức càng cao thì lợi lộc càng lớn. Điều đó đánh đồng người thiếu trung thực với người trung thực, trắng đen lẫn lộn. Mình cũng tự ái chứ, nhưng cũng khó trách người ta có suy nghĩ ấy, vì thực tế nó diễn ra như thế mà".
- "Thực ra, lâu nay ta vẫn xử lý cả những người đương chức khi sai phạm. Vậy nhưng, trong nhiều trường hợp, cách xử lý chưa thực sự khiến dư luận yên tâm, tin tưởng vì nó chưa thể hiện sự quyết liệt. Ngay cả việc xử lý ông Trần Văn Truyền ở mức kỷ luật cảnh cáo cũng là nhẹ. Phải làm kiên quyết mới hy vọng những kẻ tham lam biết rút kinh nghiệm, không dám vơ vét nữa”.
Vũ Thủy (Thực hiện)

Bình luận(0)