Hạn chế phương tiện cá nhân là tất yếu

Google News

(Kiến Thức) - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM vừa có đề xuất một loạt các giải pháp hạn chế sở hữu và sử dụng xe cá nhân... trên địa bàn thành phố.

 Ảnh minh họa.
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM vừa có đề xuất một loạt các giải pháp hạn chế sở hữu và sử dụng xe cá nhân nhằm phát triển hợp lý các phương thức vận tải trên địa bàn thành phố. Các kiến nghị như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại phương tiện cá nhân (PTCN); tăng phí trước bạ, phí đăng ký phương tiện cá nhân đăng ký mới; thu phí môi trường. Đề nghị cấp quotar, cấp đăng ký phương tiện ở mức giới hạn trong năm. 
Ngoài việc mua, chủ sở hữu còn phải đóng tiền bảo hiểm, các loại thuế, phí... đặc biệt phải đấu giá và nộp một khoản tiền để được quyền lưu hành xe. Riêng tại khu vực nội đô các thành phố lớn, điều kiện để sở hữu ôtô là phải chứng minh được có chỗ đỗ xe. Bên cạnh đó, đơn vị này còn đề nghị quy định niên hạn sử dụng đối với xe máy ở các thành phố lớn nhằm hạn chế số lượng phương tiện tham gia giao thông, giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường... 
KTS Trần Huy Ánh, Công ty Dữ liệu Hà Nội cho rằng, những giải pháp nhằm hạn chế xe cá nhân, nhất là ô tô của Sở GTVT TPHCM đưa ra hoàn toàn hợp lý với chiến lược giảm PTCN, tăng cường tham gia giao thông bằng phương tiện công cộng (PTCC). Người phản đối chủ yếu do thấy các trở ngại cá nhân nhưng chưa nhận thức được lợi ích xã hội của vấn đề, sự công bằng xã hội. 
Về sâu xa, hạn chế PTCN là tất yếu, chiến lược toàn cầu. Các nước phát triển do phổ cập xe nên đã phải trả giá rất nhiều về kinh tế, môi trường, xã hội... Trong khi nước ta có may mắn là đi sau nên chưa mắc phải sai lầm và có thể rút kinh nghiệm từ các nước khác. Điều này giúp giảm lãng phí về tiền bạc và đi thẳng vào nền giao thông văn minh là tối ưu hóa PTCC. 
"Nhiều người mua xe chủ yếu vì thương mại cá nhân chứ chưa đóng góp được gì cho xã hội. Trong khi mức độ sử dụng không cao, chỉ khoảng 1/12 tiếng/ngày. Còn các PTCC tần suất sử dụng là 12/12 nên hiệu quả cao hơn. Trong khi diện tích chiếm mặt đường tương đương 25m2/xe ô tô. Các nước như Nhật Bản đưa ra quy định dạng này cách đây vài chục năm nên các nước nghèo như Việt Nam càng cần triển khai sớm. Tất cả những người tham gia giao thông (có hay không có ô tô) đều cần cân nhắc tối ưu hóa khi đầu tư hay lựa chọn phương tiện giao thông",  KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh. 
Thu Hiền

Bình luận(0)