Đừng để “nước đến chân mới nhảy“!

Google News

(Kiến Thức) - Theo GS.TSKH Lê Huy Bá, khi xây đập thì dòng chảy sông Mê Kông bị chặn lại, kéo theo các tác hại khôn lường... 

 Ảnh minh họa.
"15 công trình thủy điện thuộc địa phận Trung Quốc và 11 đập thủy điện trên địa phận Lào, Thái Lan, Campuchia (với tổng dung tích điều tiết của toàn hệ thống bậc thang, ước tính hơn 30 tỷ m3 nước) nếu xây dựng ở phía thượng lưu sông Mê Kông thì nguy cơ mất vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long là điều chắc chắn xảy ra", GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Tài Nguyên & Môi trường, trường Đại học Công nghiệp TPHCM nhận định. 
Theo GS.TSKH Lê Huy Bá, khi xây đập thì dòng chảy sông Mê Kông bị chặn lại, kéo theo các tác hại khôn lường như phù sa giảm, nguồn thủy sản giảm sút do nhiều loài cá sẽ bị hủy diệt, ảnh hưởng nghiêm trọng sinh thái. Không thể kiểm soát được những "biến chứng" của dòng chảy khi bị thay đổi sẽ kéo theo tình trạng khô cạn vào mùa khô, gây sạt lở vào mùa mưa. Nước mặn, phèn bị đẩy lên. Nước mặn có thể lên tới Mộc Hóa, gần biên giới Campuchia. Không còn dòng Cửu Long hiền hòa, với nguy cơ đổi dòng sẽ làm biến tính dòng chảy là nguy hiểm nhất. 
Trong luật lưu vực, sông chảy qua nhiều nước có nghị định chung, quy định của quốc tế, phải tuân thủ. Nhưng trước diễn biến hiện nay, Chính phủ và các nhà khoa học cần vào cuộc tìm giải pháp, phương án ứng phó cụ thể. Phương án giả định là nếu tổng số đập trên hoàn thành, hoặc 1/2 số đập hoàn thành thì thế nào? Trong điều kiện mùa khô, mùa mưa tình hình dòng chảy ra sao? 
Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng do Bộ Tài nguyên & Môi trường công bố, nếu nước biển dâng cao thêm 1m thì diện tích ngập ở Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng chiếm khoảng 39% và nhiễm mặn khoảng 70%. Mặt khác, nếu dòng chảy chính bị ngăn bởi hàng chục đập thủy điện thì không thể còn Đồng bằng sông Cửu Long mà thay vào đó là tình trạng khô, mặn, phèn sẽ thống trị. 
"Cần đưa ra các phương hướng về kỹ thuật công trình hoặc phi công trình thích ứng, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải phù hợp với tình hình khi các đập hoàn thành. Vận tải đường thủy phải có phương án khác khi dòng chảy bị chặn. Nước biển dâng ngập còn khoảng bao nhiêu để xây cầu có độ cao thích ứng. Mùa khô dòng chảy sẽ kiệt thì giao thông đường thủy chỉ đi đến đâu là được? 
Hoặc khi dòng chảy thay đổi thì lực nước thay đổi, phải có cảnh báo hoa tiêu để tàu thuyền lưu thông tránh nguy hiểm. Với nông nghiệp phải nghiên cứu các loại giống cây trồng, thời điểm canh tác cho phù hợp. Cần có phương án ngay, đừng để "nước đến chân mới nhảy"!", GS.TSKH Lê Huy Bá nhấn mạnh.
Quỳnh Hương

Bình luận(0)