Đừng cấm sự tử tế!

Google News

(Kiến Thức) - Theo TS Khuất Thu Hồng, khi sự tử tế trong xã hội đã ngày càng hiếm thì không nên kêu gọi người dân không cho tiền người ăn xin

Theo TS Khuất Thu Hồng, giải pháp tối ưu phải là tạo ra cuộc sống ổn định, bền vững cho người nghèo để họ không cần phải ăn xin mà vẫn sống được.
Không ai muốn đi ăn xin
- Kể từ ngày 28/12/2104, TPHCM sẽ bắt đầu đưa những người ăn xin, người sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định vào các cơ sở xã hội. Khi phát hiện người ăn xin, người dân có thể thông báo cho các cơ quan chức năng, sẽ có chế độ hỗ trợ cho người báo tin, bà đánh giá thế nào về giải pháp này?
- Chắc chắn là không ai muốn đi ăn xin cả, tôi tin thế. Tuy nhiên, người ăn xin bây giờ cũng có nhiều kiểu. Có người đi ăn xin vì nghèo khổ thực sự, vì mong muốn nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng, nhưng cũng có những người ăn xin về làm giàu, có những băng đảng hành nghề ăn xin và có chia chác lợi nhuận rõ ràng. Hai đối tượng này là hai câu chuyện khác nhau về ăn xin. Trong quyết định này của TPHCM, xét về mặt lý thuyết thì nếu người ăn xin có nơi trú ẩn, có cơm ăn áo mặc thì chắc là không ai đi ăn xin đâu. Có những nơi bảo trợ xã hội đủ tốt để người ăn xin gắn bó thì tốt quá. Nhưng tôi nghĩ là cũng còn nhiều cái khó lắm.
- Cụ thể là gì thưa bà?
- Những người ăn xin thuộc các đường dây, băng đảng, ăn xin theo kiểu như ăn cướp, đeo bám chèo kéo khách để cho đủ chỉ tiêu trong ngày thì chắc hẳn họ không muốn vào những nơi bảo trợ xã hội, dù nơi đó có tốt như thế nào. Thành phố có hiểu rằng người ăn xin cũng đa dạng nhiều thể loại như thế hay không, hay ăn xin chỉ đơn giản là người nghèo. Rồi những người nghèo ở các tỉnh lân cận lên thành phố ăn xin thì chưa hẳn họ đã thích phải sống trong một khu như là "trại tập trung" như thế. Thế nên tôi mới nói nó đặt ra nhiều thách thức khác nhau.
- Ý bà là chính sách tốt, nhưng còn nhiều khó khăn khi thực hiện?
- Đúng thế, ý tưởng rất tốt nhưng thực hiện không dễ chút nào. Có thể đằng sau câu chuyện thu gom người ăn xin vào một nơi là câu chuyện an ninh trật tự, bộ mặt của thành phố... Nhưng động cơ nào quan trọng hơn, giúp người ăn xin có một nơi để ổn định hay đơn giản chỉ để làm đẹp cho thành phố? Động cơ nào thì quyết định hoạt động của trung tâm theo kiểu đó.
- Và nếu người ăn xin đã coi đó là một nghề kiếm tiền, thì việc vận động họ vào một trung tâm bảo trợ là rất khó?
- Đúng thế, người ăn xin đa dạng, liệu thu gom họ vào một nơi có giải quyết được vấn đề hay không. Cho người ăn xin mái nhà chỉ là một hoạt động can thiệp, cần đến nhiều giải pháp căn cơ là chính sách xã hội, phúc lợi xã hội, xóa đói giảm nghèo, công ăn việc làm, thay đổi tập tục... là những vấn đề rộng lớn hơn nhiều.
TP HCM keu goi khong cho tien nguoi an xin dung cam su tu te hinh anh
TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Xã hội. 
Hãy nhân lên sự tử tế
- Cùng với giải pháp đó, TPHCM cũng kêu gọi người dân không cho tiền người ăn xin. Tôi thì thấy hơi băn khoăn với giải pháp này, còn bà?
- Tôi sợ là rất khó, nó hơi áp đặt. Làm sao người dân có thể phân biệt người nào là ăn xin thật sự cần sự giúp đỡ, người nào không. Đã đi ăn xin thì ai chẳng nghèo khổ. Khi người ta xúc động, cảm thấy phải giúp đỡ người khổ hơn mình, lòng nhân ái, trắc ẩn, tinh thần tương trợ giúp đỡ trong họ bị đánh thức bởi một phận đời thì họ hoàn toàn có quyền giúp đỡ. Ai lại đi vận động họ đừng tốt như thế, đừng tử tế đến thế bao giờ. Có kêu gọi như vậy thì tôi nghĩ cũng không ai làm theo được, dù thực tình trong câu chuyện này thì người ăn xin không muốn ăn xin, người cho cũng không thích thú gì việc cho cả.
- Trong khi dường như chúng ta đang rất thiếu sự trắc ẩn, lòng nhân ái, sự giúp đỡ của cá nhân đối với cá nhân trong cộng đồng. Căn bệnh dửng dưng vô cảm vẫn hiện hữu, nhiều nhà văn hóa, xã hội học đã gióng lên nhiều hồi chuông báo động?
- Đúng thế. Kêu gọi như vậy là mâu thuẫn với vấn đề chúng ta vẫn nói bấy lâu nay là sự vô cảm, sự thờ ơ của người dân trước khó khăn của người khác. Tôi sợ là giải pháp đó sẽ gây tác dụng ngược nếu nó không đi kèm với các giải pháp vĩ mô và vi mô khác. Và trong bối cảnh hiện nay thì cái phải nhân lên là sự tử tế, dù biểu hiện dưới hình thức nào.
- Bà vừa nói đến "bệnh" vô cảm, vì sao căn bệnh ấy đến nay vẫn chưa có thuốc trị thưa bà?
- Người ta có xu hướng tìm đến sự an toàn của bản thân mình đầu tiên trước khi làm những việc khác. Nhiều người từ đi giúp đỡ trở thành nạn nhân nên họ cảm thấy sợ. Rồi thì nghi ngờ, không biết người ta có khó khăn thật không, có cần sự giúp đỡ của mình không. Rồi có những người ích kỷ, không muốn mất thời gian, không muốn quan tâm đến người khác vì bản thân người ta cũng đang vất vả đây... Xã hội nào cũng có những người như vậy. Quan trọng là sự ghi nhận, khuyến khích của xã hội đối với những hành động đẹp. Chúng ta đang làm cái này khá chung chung.
Đừng dồn một chỗ cho "khuất mắt"
- Chắc hẳn là không ai quay lưng trước một số phận thực sự đau khổ, cho dù người đó giả vờ hoặc là đau khổ thực sự?
- Đúng vậy, thế nên đừng có kêu gọi người ta đừng cho tiền người ăn xin, kêu gọi người ta đừng động lòng trắc ẩn. Kêu gọi thế thì hơi phản cảm.
- Đến một thành phố không có bóng dáng ăn xin, hẳn là người ta sẽ có cảm giác thành phố đó văn minh, người dân giàu mạnh?
- Thực tế thành phố có giàu đến thế nào thì cũng có người ăn xin, vấn đề là chúng ta thừa nhận hay chúng ta gom lại để che đậy thì lại là câu chuyện khác. Đưa người ăn xin vào trung tâm, nhưng có bền vững hay không, thực sự giúp đỡ họ hay chỉ để thành phố văn minh, sạch đẹp trong một khoảng thời gian nào đó. Có che đậy tốt thì cũng đâu có nghĩa là không có người nghèo phải đi ăn xin. Không nên có tư tưởng dồn vào một chỗ cho "khuất mắt" mà cần có các giải pháp phát triển bền vững.
- Có ý kiến cho rằng, nên chăng coi ăn xin là một nghề, luật hóa nó?
- Không có quốc gia nào công nhận nghề ăn xin cả. Việc đi ăn xin là không thể khuyến khích về cả mặt đạo đức và luật pháp. Chỉ khi nào thiếu thốn quá mới phải đi xin, còn về cơ bản con người phải lao động để nuôi sống bản thân mình, có trách nhiệm với bản thân mình. Chỉ những tình huống bất khả kháng như bão lụt thiên tai, hỏa hoạn, cơ nhỡ không may mới phải đi ăn xin. Luật hóa nghề ăn xin là không thể chấp nhận được.
- Có những người ăn xin bằng cách biểu diễn một thứ tài lẻ nào đó, trông rất văn minh. Nhưng ở ta, hiện tượng người ăn xin đeo bám khách rất phổ biến. Rõ ràng đó là hai kiểu ăn xin khác nhau?
- Đúng thế, có những người cũng chỉ chìa cái mũ ra xin tiền vì không may lang thang cơ nhỡ. Hành động chạy lẵng nhẵng theo du khách thì có thể bị xử lý với tội danh làm phiền người khác. Hoặc người ăn xin cũng bị phạt như người ăn cắp nếu vi phạm các quy định thì mới mong xiết lại tình trạng đó. Còn hiện nay, luật không cấm ăn xin nên người ta vẫn cứ ăn xin thôi. Còn bảo luật hóa nghề ăn xin là không được, vì không thiếu thốn mà vẫn đi ăn xin là bóc lột người khác, lợi dụng lòng thương của người khác.
- Xin cảm ơn bà!
Theo quyết định của UBND TPHCM, nếu là người khuyết tật về thần kinh, tâm thần hoặc có dấu hiệu mắc các bệnh về thần kinh, tâm thần được đưa về trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần. Tại Trung tâm hỗ trợ xã hội, các đối tượng được học văn hóa, học nghề và giới thiệu việc làm. Người dân nhìn thấy người hành nghề ăn xin có thể báo tin về đường dây nóng Sở LĐ-TB&XH TPHCM theo số điện thoại: (08) 3.8292491 hoặc 0903959929.
Tô Hội (Thực hiện)

Bình luận(0)