Chồng chéo chức năng, khó chống rượu giả

Google News

(Kiến Thức) - Nạn sản xuất, buôn bán rượu giả, rượu nhập lậu rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng, nhất là vào thời điểm Tết Nguyên đán cận kề. 

Chong cheo chuc nang, kho chong ruou gia
 Ảnh minh họa.
Nạn sản xuất, buôn bán rượu giả, rượu nhập lậu rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng, nhất là vào thời điểm Tết Nguyên đán cận kề. Việc sản xuất rượu giả đa dạng về chủng loại, tinh xảo hơn về kỹ thuật là vấn đề đáng lo ngại. 
Vừa qua, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, phát hiện 2 vụ sản xuất và trữ 8.988 chai rượu Bông lúa vàng, nếp Hà Nội - Hava không dán tem rượu sản xuất trong nước, 80 chai Men Vodka có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu... Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ tiêu dùng Việt Nam cho biết, mặt hàng rượu ngoại, hàng giả, hàng nhái chiếm khoảng 10 - 15%, nếu tính cả hàng xách tay (hàng gian lận thuế), hàng miễn thuế thì tỷ lệ lên đến 40 - 50%. 
Tại sao vấn nạn này ngày càng tăng? Một số hãng rượu, bia nổi tiếng đều có cơ sở  đóng chai trong nước và kiểm soát chất lượng nhưng vẫn có hàng nhập lậu? Bàn về vấn đề này, luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, do cơ chế thực thi còn chồng chéo. "Thử đem 10 chai rượu qua biên giới sẽ lập tức có lực lượng kiểm tra, rà soát, lập biên bản... Nhưng cả container với hàng nghìn chai rượu giả, lậu vẫn lọt vào thị trường nội địa, hoặc sản xuất ngay tại địa phương. 
Có đối tượng sản xuất rượu giả, nguyên liệu đưa vào, thành phẩm chở ra nằm ngay trong địa bàn mà công an khu phố, chính quyền địa phương không phát hiện ra. Vậy trách nhiệm quản lý của công an địa phương, quản lý thị trường ở đâu? Trong nhiều hội thảo chống hàng giả, hàng nhái, chính các chuyên gia trong ngành công nhận rằng, công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu không ngoại trừ nguyên nhân do người có thẩm quyền "bảo kê". Đó là bởi sự chồng chéo chức năng". 
Luật sư Bùi Quang Nghiêm cho hay, luật có Thông tư liên tịch số 36/2012, hướng dẫn xử lý vi phạm về kinh doanh rượu nhập lậu, sản phẩm thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá nhập lậu, quy định đối với các hành vi vi phạm quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Rượu, bia, nước giải khát thuộc hàng thực phẩm, mức hình phạt cao nhất với tội sản xuất, buôn bán hàng giả mặt hàng này bị phạt tù từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Tuy nhiên, quy định xử phạt hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu còn chung chung, chưa có chế tài xử lý các đơn vị có hành vi bao che, dung túng. Tác hại đa chiều của rượu giả đã quá rõ, vì vậy cần phải có một chế tài xử lý đủ mạnh với đối tượng có hành vi vi phạm và cả cơ quan chức năng chưa làm tròn trách nhiệm mới mong không "đến hẹn lại lên". 
Hương Nguyên

Bình luận(0)