Nga quyết giữ “miếng bánh” vũ khí ở ĐNA

Google News

(Kiến Thức) - Theo tờ TsRus, bất chấp sự cạnh tranh từ Mỹ ngày càng tăng, Nga vẫn sẽ cố gắng duy trì thị phần tại thị trường vũ khí Đông Nam Á.

Viện tư vấn An ninh và Quốc phòng IHS Jane's dự báo, tuy vẫn chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng trong vòng 8 năm nữa các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ tăng 35% chi tiêu quốc gia, dùng khoảng 501 tỷ USD để mua vũ khí trang bị.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương là thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, các doanh nghiệp cung ứng vũ khí đến từ châu Âu, Mỹ và Nga đều hy vọng chiếm được thị phần tại thị trường quan trọng này.

Theo nhận định từ chuyên gia của IHS Jane’s, tình hình chính trị khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục khủng hoảng và có thể xảy ra xung đột vũ trang. Ví dụ như tình hình căng thẳng Triều Tiên và Hàn Quốc, Trung Quốc với Nhật Bản và Đài Loan, cũng như Ấn Độ với Pakistan là nguyên nhân chủ yếu làm cho nhu cầu vũ khí tại khu vực này không ngừng tăng cao. Những năm gần đây, các nước này không chỉ tăng chi phí quốc phòng mà còn cam kết thúc đẩy kế hoạch cải tiến vũ khí.
Căng thẳng giữa các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương là nguyên nhân chính làm nhu cầu mua vũ khí ở khu vực tăng cao.

Đầu tư của Trung Quốc và Ấn Độ trong lĩnh vực vũ khí trang bị càng tăng cao so với các nước châu Á – Thái Bình Dương khác. Căn cứ vào dự báo của IHS Jane's, đến năm 2021, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ đạt 207 tỷ USD (tăng 64%), còn ngân sách quốc phòng của Ấn Độ cũng sẽ đạt 200 tỷ USD (tăng 54%). Hai nước Trung Quốc và Ấn Độ đều hy vọng ngành công nghiệp quốc phòng trong nước có thể sản xuất ra các loại vũ khí trang bị công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu của lực lượng vũ trang của trong nước.

Việc Trung Quốc và Ấn Độ đang muốn xem mình như thủ lĩnh của toàn cầu, không chỉ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, sớm không còn là bí mật nữa. Vì vậy so với các nước láng giềng châu Á – Thái Bình Dương, họ càng hy vọng vào cuộc cạnh tranh thực lực quốc phòng với Mỹ. Điều này thể hiện rõ ở việc Trung Quốc và Ấn Độ đều tích cực phát triển tàu sân bay và vũ khí hạt nhân chiến lược và bắt đầu thực hiện các kế hoạch quân sự đầy tham vọng trong không gian.

Theo các chuyên gia quốc tế, bên cạnh việc gia tăng ngân sách quốc phòng của các nước châu Á – Thái Bình Dương, thì chi phí quốc phòng của Mỹ và các nước châu Âu vẫn không thay đổi thậm chí bị cắt giảm.

Chỉ riêng năm 2013, Washington có kế hoạch cắt giảm 28% (tức là gần 472 tỷ USD) chi phí cho vũ khí. Các nước châu Âu cũng đối mặt với tình hình như vậy. Vì vậy, Đông Nam Á đã trở thành thị trường quan trọng có ý nghĩa chiến lược của ngành công nghiệp quốc phòng thế giới, với sự cạnh tranh rất khốc liệt.

Trong khi Mỹ hạn chế mở rộng xuất khẩu vũ khí thì các nước châu Ấu lại rất bận rộn với những hợp đồng vũ khí. Hãng Dassault Aviation của Pháp đã giành được hợp đồng 126 máy bay chiến đấu trị giá khoảng 12 tỷ USD với Ấn Độ và đồng ý chuyển giao công nghệ sản xuất cho Ấn Độ. Các công ty châu Âu khác cũng đấu thầu hợp đồng với Không quân Hàn Quốc cung cấp linh kiện.
Su-30 là một trong những vũ khí của Nga bán chạy nhất ở thị trường châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng.

“CAST vốn cho rằng Ấn Độ sẽ mua lượng lớn vũ khí của Nga. Tuy nhiên trong những năm gần đây, GDP của Ấn Độ tiếp tục tăng, Ấn Độ có tiền và hy vọng mua được vũ khí trang bị tiên tiến. Trong khi Nga vẫn giữ một khoảng cách nhất định với các nước khác trong lĩnh vực vũ khí trang bị công nghệ cao, vì vậy Ấn Độ đang chuyển hướng sang các doanh nghiệp cung ứng vũ khí của châu Âu và Mỹ”, đại diện Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ (CAST) Ruslan Pukhov nói.

Nga đã bỏ lỡ gói thầu máy bay vận tải hạng nặng của Ấn Độ. Vì Nga cung cấp máy bay vận tải IL-76, trong khi Ấn Độ lại lựa chọn máy bay vận tải C-130J-30 Super Hercules. Ấn Độ chi gần 1 tỷ USD để mua 6 máy bay vận tải C-130, mà nếu mua máy bay vận tải IL-76 sẽ tiết kiệm khoản tiền lớn cho Ấn Độ.

Nhưng có vẻ như giá cả không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến sự lựa chọn của Ấn Độ, nước này khẳng định là xem xét đến việc ký hợp đồng mua 40 máy bay vận tải IL-76 giữa Nga và Trung Quốc mới là yếu tố dẫn đến việc nước này lựa chọn máy bay vận tải C-130J-30 Super Hercules.

Nhưng đại diện Tập đoàn xuất khẩu vũ khí quốc doanh Rosoboronexport của Nga, ông Anatoliy Isaykin tin rằng “tình hình không quá bi quan”.

Ông cho biết, lượng giao dịch của khu vực châu Á – Thái Bình Dương chiếm hơn một nửa tổng đơn hàng của Tập đoàn Rosoboronexport. Trong những năm gần đây, Nga đã phê chuẩn các khoản vay hợp đồng xuất khẩu vũ khí trị giá 7 tỷ USD.

Với cách làm này đã giúp Rosoboronexport ký được hợp đồng mới với Myanmar, Malaysia, Indonesia, Sri Lanka và Việt Nam. Nga quyết tâm bảo vệ thị phần của mình tại thị trường quốc phòng Đông Nam Á và duy trì vị trí nước xuất khẩu quốc phòng lớn thứ 2 thế giới. Năm ngoái, Rosoboronexport đã ký hợp đồng mới trị giá 17,6 tỷ USD, tăng 150% so với năm 2011. Giá trị hợp đồng của công ty này đã đạt 37,3 tỷ USD.



Bằng Hữu

Bình luận(0)