Quảng Nam lập kho thóc đối phó mưa bão

Google News

(Kiến Thức) - Rút kinh nghiệm từ các mùa mưa bão đây, công tác dự trữ lương thực mùa lũ ở Quảng Nam đã phân công các đơn vị thi công sẵn sàng.


3 tấn gạo cuối cùng được vận chuyển đến trung tâm xã A Xan - trong tổng số 30 tấn gạo mà huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam dự trữ trong mùa mưa bão năm nay tại 10 xã. Số gạo này được xã A Xan dự trữ để có thể cứu đói kịp thời cho người dân khi xảy ra mưa lũ kéo dài. Không chỉ dự trữ gạo tại trung tâm, sau mỗi mùa thu hoạch lúa, ở 60 thôn trong toàn huyện Tây Giang, bà con Cơtu còn tự nguyện đóng góp lương thực vào 60 kho thóc tình thương để dự trữ. Và qua nhiều năm thực hiện, các kho thóc tình thương này đã phát huy hiệu quả khi sạt lở, chia cắt đường xảy ra dài ngày, gạo của tỉnh, của huyện chưa về được với đồng bào.
Theo ông Hồ Đắc Vinh, Phó phòng NN&PTNT huyện Tây Giang, Quảng Nam: Tại các thôn cũng tuyên truyền vận động nhân dân tổ chức các kho thóc tình thương, với mục đích giúp đỡ cho các hộ nghèo, gặp khó khăn, cũng kết hợp với việc phục vụ cho công tác phòng chống lụt bão khi mà có mưa lớn, tắc đường xảy ra cũng hỗ trợ kịp thời cho bà con.
Kinh nghiệm làm kho thóc tình thương và dự trữ gạo tại các xã, các thôn ở Tây Giang cũng được nhân rộng ra ở 9 huyện miền núi Quảng Nam. Và hiện tại, theo UBND tỉnh Quảng Nam, toàn tỉnh đã có hơn 500 tấn gạo được vận chuyển về 100% số xã miền núi và có hơn 400 kho thóc tình thương cũng đã hình thành tại các điểm thôn.
Ông Tạ Viết Thượng – Phó chủ tịch HĐND xã Phước Lộc, Phước Sơn, Quảng Nam cho biết: Về lương thực dự trữ cho mùa mưa, thì hiện tại xã đã dự trữ 10 tấn gạo để cấp cho nhân dân khi xe hàng của huyện không lên kịp.
Song song với việc tổ chức dự trữ lương thực, thực phẩm, Sở giao thông vận tải Quảng Nam và các huyện miền núi đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị đang thi công tu sửa, hoàn tất các công trình, chuẩn bị phương tiện, vật tư, máy móc, túc trực 24/24 tại các tuyến đường thường xảy ra sạt lỡ.
Đối với những công trình đang thi công về nền, đường thì chúng tôi đưa ra biện pháp làm thế nào để thoát nước cho được, không để nền đường bị sình lún và đảm bảo các tuyến đi lên miền núi cao đảm bảo đi được khi có mưa lũ xảy ra.- Ông Nguyễn Văn Nhân - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Nam cho hay.
Không chỉ chú trọng dự trữ lương thực, đảm bảo giao thông đi lại, UBND 9 huyện miền núi cũng đã chỉ đạo các hộ kinh doanh thực hiện nghiêm công tác bình ổn giá, không tăng giá theo thời tiết. Đồng thời, phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”, chủ động “phòng – tránh”, nhằm hạn chế tổn thất, thiệt hại về người, tài sản của nhà nước, nhân dân, trong mùa mưa bão cũng được chính quyền các huyện miền núi Quảng Nam chú trọng.
Vương Long/ANTV

Bình luận(0)