Anh thấy con dùng những từ rất giang hồ, nào là xưng chém giết thể hiện tính ngông cuồng đại ca lẫn ngôn từ rất thô tục...
- Hầu hết các trang web đều có bình luận (comment). Đây là cách thu thập ý tưởng hay nhưng cũng là diễn đàn cho nhiều bạn trẻ vào để tung huê mình hoặc không tiếc lời mắng nhiếc lăng mạ người khác nếu không đồng ý về chuyện gì.
Loạn ngôn, không kiểm soát
Không thể phủ nhận vai trò nhanh nhạy của internet nhưng sử dụng thế nào cho hiệu quả nó phụ thuộc vào tư duy của mỗi người. Một số người sử dụng cho việc tra cứu thông tin phục vụ cho công việc. Giới trẻ sử dụng chủ yếu cho mục đích giải trí, chuyện phiếm để thỏa mãn cái tôi cá nhân hơn là học hỏi cho bản thân nên sẵn sàng phản ứng khi không vừa ý với ai về việc gì hoặc có thể lên mạng thêm bớt kể tội người khác.
Anh Nguyễn Ngọc Khanh, nhà tại đường Trần Hưng Đạo, quận Tân Phú, TPHCM kể lại rằng, anh có hai con và gia đình hòa thuận hạnh phúc, các con cũng ngoan nhưng hôm nọ tình cờ anh đọc được những dòng than vãn trên mạng của con với bạn bè.
Thằng bé than từ khi sinh ra đời và có trí khôn đến nay chưa một ngày nào thấy hạnh phúc, không tìm thấy sự an ủi tin tưởng nơi gia đình. Nhiều lúc muốn giã từ cuộc đời để không phải nhìn thấy, nghe thấy nhưng khổ rằng mình là con một nên chưa thể dứt ngay với gia đình.
Giở sang một trang khác anh thấy con dùng những từ rất giang hồ, nào là xưng chém giết thể hiện tính ngông cuồng đại ca lẫn ngôn từ rất thô tục với bạn bè cùng trang lứa. Những từ mà anh chưa bao giờ nghe con nói.
Bề ngoài nó rất hiền nhưng không hiểu sao nó thể hiện sự liều lĩnh bất chấp trên mạng. anh lo rằng nếu không phát hiện kịp thời có ngày con hành xử không khác gì giang hồ, không chỉ con anh mà danh sách những người nó kết bạn trên mạng cũng như vậy.
|
Cần giáo dục các em cư xử sao cho lịch sự dù chỉ là thế giới ảo. |
Che đậy bản thân
Trên mạng không chỉ con trẻ mà nhiều người lớn cũng nói năng thoải mái, đề cập đến những chuyện bí mật mà bình thường không bao giờ dám nhắc đến. Đơn giản vì trên mạng họ không bị chi phối bởi môi trường xung quanh, chỉ có một mình với máy tính hoặc có đối phương nhưng cũng không trực diện nên tâm lý ngại ngùng được trút bỏ.
Đã bước vào thế giới ảo nó sẽ làm cho con người ta say mê hơn những gì ở thực tại. Nếu ngôn từ sử dụng quá hầm hố để đánh lừa đối phương thì thật ra người này trong tâm hồn rất yếu ớt nên thường dùng môi trường và cách thể hiện để che đậy và tự vệ. Đây cũng là một phần của cách chọn và kết bạn lệch lạc dẫn theo cách cư xử thô tục.
Với các phụ huynh khi biết được con nói những điều không thật về cuộc sống như sự bi quan, cảm thấy lúc nào cũng buồn trong lòng và tìm cách giấu cảm xúc thì hãy giúp con điều trị bằng những liệu pháp tâm lý, tập thể dục để tăng cường vận động bản thân. Khi có sức khoẻ tốt thì sẽ có tinh thần sáng suốt và cũng hạn chế kết giao với những đối tượng lêu lổng trên mạng.
Dù chỉ là thế giới ảo nhưng cũng cần cư xử sao cho lịch sự, nếu một người cứ luôn chửi bới trên mạng khi bước ra thực tế cũng không nhã nhặn, và như thế sẽ thành thói quen. Trong một xã hội mà con người không biết dùng lời lẽ trao đổi lịch sự văn hóa thì dù xã hội có phát triển bao nhiêu con người cũng biến tướng theo sự côn đồ. Sự nhã nhặn này nó phải được trau dồi trong tâm hồn từ ghế nhà trường đến gia đình và trong đó một phần có sự kiểm soát chưa chặt chẽ của các trang mạng.
Dạy cho lớp trẻ biết nhận thức sự phản kháng khi nào là tốt để không bị lệ thuộc vào những lời phê bình từ mạng là sự cần thiết để vượt qua bực tức phản kháng. Đây là nỗi lo của những nhà làm công tác tư vấn tâm lý và công tác giáo dục mà hiện nay chương trình chưa được triển khai rộng rãi. |
Chuyên viên tư vấn Võ Thị Minh Huệ