Trước khi mất, mắt ông rưng rưng và nói rằng: Ông hối hận vì không toan tính trước để bảo vệ đứa con cuối đời của mình...
- Trong bài "Con ngăn cha tái hôn", sự phản đối này xuất phát từ con cái nhìn vào góc độ tuổi tác, một phần sợ sự tranh chấp vật chất trong gia đình khi có người xuất hiện cũng như là sĩ diện xã hội khi láng giềng gièm pha. Đó là chia sẻ của chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ, Công ty Tư vấn Tâm lý trẻ TPHCM.
[links()]
Con thuê người theo dõi cha
Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ cho biết: "Có nhiều người con đến trung tâm tư vấn hỏi ý kiến chuyên gia rằng, làm thế nào để ngăn chặn bố mẹ tái hôn mà không làm bố mẹ giận dỗi. Tôi thẳng thắn trả lời: Chính hành động và suy nghĩ nó đã mâu thuẫn nhau. Làm gì có chuyện ngăn cản người lớn mà họ không buồn, nhất là những người con mình rứt ruột sinh ra nuôi cho khôn lớn, khi thành đạt thì chống lại bố mẹ. Nhưng dòng đời luôn có quy luật là nước mắt chảy xuôi nên nhiều ông bố bà mẹ cũng chấp nhận hy sinh cho con cái".
Một vị khách hàng đến với trung tâm nơi chị Huệ làm việc và kể rằng: Mẹ anh mất lúc ba anh đang ở tuổi 70. Sau khi mãn tang vợ, ông muốn cưới một chị khoảng gần 40 tuổi. Biết chuyện, các con phản đối nên ông đã để cho người phụ nữ ấy mang thai, nhưng lúc sinh ra cũng là lúc đứa bé mất đi. Rồi ông bị các con cấm đi lại, quan hệ với mọi người xung quanh, đi đâu cũng bị con cháu thuê người theo dõi. Cuộc sống như vậy kéo dài hai năm sau thì ông mất. Trước khi mất, mắt ông rưng rưng và nói rằng: Ông hối hận vì không toan tính trước để bảo vệ đứa con cuối đời của mình. Bây giờ mỗi khi nhớ lại hình ảnh và câu nói của người cha trước khi ra đi anh ta rất hối hận, anh nói, nếu như có cơ hội thì anh sẽ tôn trọng sự lựa chọn của cha mình.
Tái hôn ở người già, dưới góc nhìn của nhà tâm lý, nó là cần thiết và chính đáng. Nó không phải sự thay thế hoặc xóa bỏ hình ảnh người đã khuất. Con cái nếu làm được gì để bố mẹ vui, an hưởng tuổi già thì hãy làm để khi đấng sinh thành mất đi thì mình cũng không phải hối hận.
|
Ảnh minh họa. |
Nghịch lý
Một điều nghịch lý đang tồn tại trong nhiều gia đình hiện nay, lúc con còn nhỏ cha mẹ tìm mọi cách cấm đoán con, khi cha mẹ về già thì con lại cấm đoán. Do đó, sự trao đổi giữa cha mẹ và con cái mang tính hình thức nhiều hơn là xuất phát từ tấm lòng yêu thương và sự chia sẻ.
Tuổi trẻ khi yêu ai đó thì tìm mọi cách để làm người ấy hài lòng, vui vẻ. Nhưng người trẻ khi yêu thương bố mẹ lại cứ muốn giữ riêng cho mình. Sự ngăn cản này xét cho cùng nó cũng xuất phát từ sự ích kỷ, sợ người khác san sẻ tình thương mà vốn lâu nay dành cho mình hoặc sẽ mất đi một phần vật chất trong gia đình.
Nếu xét về khía cạnh pháp lý, chỉ cần chứng minh tài sản trước khi tái hôn thì sẽ không xảy ra tranh chấp xảy gì sau tái hôn. Nhiều ông bố sẽ chủ động phân chia tài sản cho các con, bố cũng có phần như các con. Đây là sự sòng phẳng rõ ràng trong gia đình để không ai nghi kỵ lẫn nhau và các con phải tôn trọng sự lựa chọn cũng như quyết định của bố hoặc mẹ.
Khi người già muốn tái hôn là đã suy nghĩ rất nhiều về mọi mặt, thậm chí trong lòng đã có sự đấu tranh tinh thần để đưa ra quyết định nên rất buồn nếu như bị ngăn cản. Con cái có thể cho bố mẹ sự sung túc về mặt vật chất nhưng không thể bù đắp được sự thiếu hụt, cô đơn trong lòng mà người già không thể thổ lộ. Con cái hãy tâm lý với bố mẹ, đừng vì bản thân mà ngăn cản cha mẹ không thanh thản sống những ngày cuối đời.
Quỳnh Anh