Những ngày gần đây, khi đang vào mùa thu hoạch giá dưa hấu tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định…lại rớt giá thê thảm xuống 1000 đồng -2000 đồng/kg. Dưa hấu chín đầy đồng nhưng những người nông dân không muốn thu hoạch bởi càng thu hoạch họ càng lỗ khi thương lái không đến hỏi mua. Và như một điệp khúc từ năm này qua năm khác, các tỉnh đồng loạt kêu gọi giải cứu dưa hấu. Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đã có "tâm thư" kêu gọi các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh chung tay hỗ trợ nông dân tiêu thụ dưa hấu, giúp bà con vượt qua khó khăn.
Đây không phải là năm đầu tiên xảy ra chuyện dưa hấu được mùa rớt giá khiến người nông dân lao đao mà hầu như năm nào cũng vậy, cứ đến mùa dưa, tình trạng dưa hấu miền Trung ùn ùn đổ lên biên giới Lạng Sơn, gây ùn tắc nghiêm trọng đã liên tiếp xảy ra.
|
"Giải cứu dưa hấu" chỉ là giải pháp trước mắt, giải pháp lâu dài chính là chiến lược từ các cơ quan quản lý. Ảnh: Vietnamnet. |
Nguyên nhân chính là dưa hấu Việt Nam quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, thời điểm thu hoạch dưa hấu ở Việt Nam cũng trùng với thời điểm thu hoạch dưa hấu ở Trung Quốc. Hơn nữa, do việc tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được thị hiếu của thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, khâu bảo quản, sơ chế, đóng gói của các cơ sở thu mua, xuất khẩu dưa hấu của Việt Nam hết sức sơ sài nên không hấp dẫn được thị trường.
Không chỉ giải cứu dưa hấu, dường như năm nào người dân cả nước cũng phải chung tay giải cứu vài loại nông sản như củ cải, hành, su hào, khoai tây, mía… đến giải cứu những sản phẩm chăn nuôi như thịt lợn…Cứ đến mùa thu hoạch, nước mắt người nông dân lại rơi khi họ phải nhổ bỏ củ cải, su hào, thậm chí đốt bỏ cây mía, thả lợn vì giá quá rẻ mạt. Nhiều sản phẩm nông sản bị tồn đọng do giá rẻ không tìm kiếm được thị trường tiêu thụ, người dân cả nước lại nghĩa hiệp “giải cứu” nhưng lòng tốt ấy không thể duy trì mãi mãi nếu không có một thị trường đảm bảo đầu ra cho nông sản.
Nỗi lo lắng của người nông dân cho sản phẩm nông sản luôn là thị trường tiêu thụ, đầu ra cho sản phẩm và thực tế, họ đã nhiều lần cảm thấy bế tắc, cuộc sống khó khăn khi liên tục rơi vào cảnh trồng ra rồi lại không tiêu thụ được, tìm kiếm thông tin thị trường tiêu thụ rất khó khăn.
Tuy nhiên, một thực tế diễn ra là tâm lý chủ quan người nông dân khi gieo trồng sản phẩm nông sản nên họ thấy lợi một vụ là trồng ồ ạt, sản xuất tự do, bộc phát, thiếu tính quy hoạch sản xuất dẫn đến tình trạng “được mùa rớt giá” và “điệp khúc giải cứu” lại tái diễn trên cả nước.
Trong khi đó, những cơ quan quản lý chưa tìm ra thị trường đảm bảo cho vấn đề tiêu thụ nông sản, thiếu định hướng và thiếu thông tin thị trường.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, việc một số sản phẩm của chúng ta bị ùn ứ là do chủ yếu tiêu thụ qua kên không chính thống, đặc biệt là đường tiểu ngạch, đây là kênh mà cả ta và nước bạn đều không kiểm soát được chất lượng sản phẩm, không ký kết hợp tác giao thương nên khi nước bạn xiết chặt chúng ta lập tức gặp khó khăn.
Để không bị lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, cách duy nhất là chúng ta phải tích cực tìm kiếm, khai thác nhiều thị trường mới. Bên cạnh đó, người nông dân cần chủ động nâng cao nhận thức, nắm bắt thông tin, thay đổi phương thức sản xuất để gắn với thị trường, liên kết với doanh nghiệp, sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn, quy định của thị trường nhập khẩu, đảm bảo uy tín chất lượng và sự bền vững cho hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam.
Trong cuộc đối thoại với nông dân diễn ra vừa qua, vấn đề nông sản “được mùa rớt giá”, “giải cứu nông sản” lại được đặt ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Việc tìm thị trường là vai trò và trách nhiệm của Nhà nước, nhưng doanh nghiệp và người nông dân cũng phải tích cực chủ động. Trước khi gieo hạt cần biết thị trường tiêu thụ ở đâu".
Để phát triển hơn nữa, đưa nông sản Việt đi xa hơn nữa cần phải liên kết chặt chẽ với nhau, các chủ thể phải liên kết thành chuỗi. Đồng thời, liên kết chặt chẽ với người nông dân, đặt hàng cho nông dân với sản phẩm giống đầu vào hữu cơ, chế biến đi xuất khẩu, có giải pháp giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tối đa tình trạng bị động, dư thừa sản phẩm, phải giải cứu như thời gian qua.