CEO Asanzo Phạm Văn Tam liệu có giống Khaisilk Hoàng Khải: Kinh doanh là phải gian dối?

Google News

(Kiến Thức) - Gian dối trong kinh doanh khiến doanh nghiệp tự đào mồ chôn mình khi bị phanh phui sai phạm. Khaisilk là một bài học điển hình.

Suốt thời gian dài, Asanzo luôn tự nhận là hàng Việt Nam với đỉnh cao công nghệ Nhật Bản, thậm chí Asanzo còn được Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã cấp chứng nhận "Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn" ngành điện tử gia dụng cho Công ty CP điện tử Asanzo Việt Nam. Điều này khiến nhiều người tiêu dùng Việt Nam tin Asanzo là hàng Việt Nam thật và đã tin dùng trong suốt thời gian qua.
Tuy nhiên, mới đây, hàng loạt cơ quan báo chí phanh phui nghi vấn công ty này nhập hàng Trung Quốc về lắp ráp rồi ghi xuất xứ Việt Nam khiến nhiều người tiêu dùng giật mình, liệu mình có bị lừa trong suốt thời gian qua.
Người tiêu dùng không thể không bất ngờ khi đằng sau sự đình đám của thương hiệu Việt luôn gắn slogan “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” khiến họ tin dùng, Asanzo đang bị nghi ngờ là dùng hàng Trung Quốc "đội lốt" xuất xứ Việt Nam!
CEO Asanzo Pham Van Tam lieu co giong Khaisilk Hoang Khai: Kinh doanh la phai gian doi?
 Ông Phạm Văn Tam - CEO Asanzo cho biết công ty đã ngừng sản xuất các mặt hàng điện gia dụng và chỉ còn lắp ráp các sản phẩm TV và điều hòa mang nhãn hiệu Asanzo. Ảnh: Đời sống Pháp lý.
Theo thông tin từ quá trình điều tra và đăng tải của một số cơ quan báo chí, nhà máy Asanzo chỉ lắp ráp tivi từ linh kiện nhập từ Trung Quốc. Còn đồ điện gia dụng thì nhập "nguyên con" từ Trung Quốc, chứ họ không sản xuất một mẩu linh kiện điện tử nào.
Theo tờ Tuổi trẻ, có đến 19 công ty nhập khẩu sản phẩm điện gia dụng hiệu Asanzo từ Trung Quốc. Ngoài ra, còn một số công ty chuyên nhập linh kiện nhãn hiệu Asanzo để lắp ráp tivi, máy lạnh, điện thoại... Thậm chí trong số đó, không ít “công ty “ma”. Đáng chú ý, có ba công ty thuộc Tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam cũng trực tiếp nhập hàng in sẵn nhãn hiệu này từ Trung Quốc.
Đặc biệt, báo chí cũng phanh phui việc Asanzo còn gỡ tem "made in China" rồi dán đè tem "xuất xứ Việt Nam" lên sản phẩm bán ra thị trường.
Cụ thể, với tivi - chủ lực của Tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam, linh kiện cũng được nhập từ Trung Quốc đưa về nhà máy Asanzo tại KCN Vĩnh Lộc (Quận Bình Tân, TP HCM lắp ráp chứ không có sản xuất. Quy trình lắp ráp vô cùng đơn giản với 6 bước để "sản xuất" một chiếc tivi.
Trong đó, một quy trình quan trọng không thể không làm là bóc tem mác “Made in China” trên panel LCD và dán chồng lên tem ASG và tem có mã vạch. Với cách “sản xuất” này, thời gian hoàn thành một chiếc tivi chỉ mất 30 phút và biến một chiếc tivi “made in China” thành hàng xuất xứ từ Việt Nam với nhãn hiệu Asanzo.
Trước nghi vấn “Asanzo là hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam”, CEO Tập đoàn Asanzo - ông Phạm Văn Tam khi trả lời trên báo chí, cho biết sản phẩm Asanzo không phải “Made in Việt Nam” mà xuất xứ tại Việt Nam.
CEO Asanzo Pham Van Tam lieu co giong Khaisilk Hoang Khai: Kinh doanh la phai gian doi?-Hinh-2
Quy trình ráp màn hình ti vi tại nhà máy Asanzo mà công nhân phải tuân theo bỏ tem “made in China”. Ảnh:  Phụ nữ TPHCM
Ông Phạm Văn Tam cho rằng, việc Asanzo nhập các linh kiện từ Trung Quốc về để lắp ráp thành sản phẩm không có gì là mới. Tuy nhiên khi gắn nhãn, bao bì cũng như trong giấy bảo hành, Asanzo ý thức được việc đó nên chỉ ghi “Xuất xứ Việt Nam” thay vì “Made in Việt Nam” trên sản phẩm của mình.
CEO của Asanzo nói rằng, Asanzo đang nhượng quyền cho một vài công ty khác sử dụng thương hiệu của mình, do vậy, Asanzo không có khiếu nại trước việc những đơn vị này thuê nhà sản xuất Trung Quốc đóng logo Asanzo vào sản phẩm điện gia dụng rồi nhập về bán tại thị trường trong nước. Asanzo đã từng có công văn gửi sang phía công an khẳng định công ty không bảo hộ thương hiệu của mình.
Do vậy, trước vấn đề mà báo chí đặt ra liên quan đến nhãn mác thương hiệu, ông Tam cho rằng trong tập đoàn Asanzo có rất nhiều công ty con khác nhau, bộ phận nào làm sai thì đơn vị đó sẽ chịu trách nhiệm.
Dù ông Phạm Văn Tam đã giải thích như trên, tuy nhiên, nếu quả thật Asanzo nhập hàng Trung Quốc ghi xuất xứ Việt Nam thì hành vi này đã gây tổn thương nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam vào hàng Việt.
Mới đây, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cũng đã tước quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao đối với với các sản phẩm của Tập đoàn Asanzo, nhằm bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Hành động kiên quyết của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam được dư luận đồng tình bởi việc xóa dấu Trung Quốc, ghi “xuất xứ Việt Nam” rõ ràng là không đúng quy định của pháp luật.
Cụ thể, tại khoản 1, điều 3 - Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa nêu rõ: “Xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia quá trình sản xuất ra hàng hóa đó”. Tại khoản 11 điều này cũng nêu rõ: “Công đoạn gia công, chế biến hàng hóa là quá trình sản xuất chính tạo ra đặc điểm cơ bản của hàng hóa”.
Tại khoản 3, điều 7, Nghị định 43/2017/NĐ-CP nêu rõ, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Theo đó, các sản phẩm được Asanzo và các doanh nghiệp nhập khẩu từ Trung Quốc về tiêu thụ tại Việt Nam cũng như xuất khẩu sang nước thứ ba phải ghi rõ là “xuất xứ Trung Quốc”. Như vậy, hành vi hành vi nhập hàng Trung Quốc nguyên chiếc, hoặc về lắp ráp rồi ghi xuất xứ Việt Nam của Asanzo là hành vi lừa dối người tiêu dùng và có dấu hiệu trốn thuế tiêu thụ đặc biệt với những sản phẩm mà nếu nhập khẩu nguyên chiếc phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như máy lạnh…
Từ vụ việc Asanzo của CEO Phạm Văn Tam, nhiều người đã liên tưởng đến vụ Khaisilk của ông Hoàng Khải với tấm vải lụa vừa gắn mác Made in Viet Nam vừa Made in China khiến người tiêu dùng và dư luận lên án, bức xúc và thiệt hại dành cho Khai Silk là một ví dụ nhãn tiền.
Kể từ khi dư luận phản ánh, các cơ quan chức năng vào cuộc phát hiện trong cửa hàng của hệ thống Khải Silk có việc giả mạo xuất xứ, cụ thể là hàng khăn lụa Trung Quốc thay thành mác Khải Silk tức là “Made in Việt Nam”. Ngay sau đó, các cơ quan chức năng như Bộ Công thương đã thành lập một tổ kiểm soát, kiểm tra liên ngành gồm nhiều bộ, ngành cơ quan, mở rộng ra trên phạm vi toàn quốc, kiểm tra trên toàn bộ hệ thống của Khải Silk và phát hiện có rất nhiều sản phẩm vi phạm giả mạo xuất xứ.
Trước những sai phạm trên, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng đã chuyển những hồ sơ này sang Công an TP. Hà Nội và đến nay, Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, hiện nay đang thực hiện các bước điều tra theo đúng quy định hiện hành. Từ chỗ sản phẩm được đông đảo người tiêu dùng biết đến, hàng loạt cửa hàng Khải Silk đã phải đóng cửa trong gần 2 năm qua. Việc làm ăn gian dối đã đẩy Khaisilk đối mặt với khủng hoảng nặng nề kéo dài cho đến ngày nay.
Gian lận trong kinh doanh không chỉ có Khải silk là ví dụ mà trên thế giới đã có nhiều doanh nghiệp là bài học điển hình như vụ gian lận kinh doanh của tập đoàn ô tô Đức Volkswagen. Doanh nghiệp này đã gian lận khi cài phần mềm thể hiện sai thông số phác thải và những chiếc xe được cài phần mềm này sẽ có nhưng thông số thể hiện rằng đạt chuẩn môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế phác thải ra bên ngoài lại vượt chuẩn cho phép. Bê bối bị phanh phui, lập tức cổ phiếu của Volkswagen liên tục lao dốc. Hơn 1/3 giá trị vốn hóa thị trường của họ đã bị cuốn theo gió chỉ sau 2 ngày. CEO Martin Winterkorn đã phải từ chức và bị tiến hành điều tra hình sự, trong khi đó Volkswagen bị điều tra bởi cơ quan chức năng ở nhiều nước. Theo Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse, ước tính tổng thiệt hại mà Volkswagen phải hứng chịu có thể lên đến 87 tỷ USD.
Tưởng rằng vụ việc Khải silk hay nhiều doanh nghiệp khác sẽ là bài học cho nhiều doanh nghiệp Việt khác về việc giữ chứ tín trong kinh doanh bởi đây là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Trong kinh doanh có câu “Mua danh 3 vạn, bán danh 3 đồng” bởi chữ tín rất quan trọng. Bởi nếu không giữ được chữ tín thì đừng làm kinh doanh bởi trước sau, cơ nghiệp cũng tan như bong bóng xà phòng. Mất chữ tín với người tiêu dùng giống như việc đào mồ chôn sản phẩm và chôn chính con đường kinh doanh của mình.
Tuy nhiên, chỉ vì cái lợi trước mắt, chỉ vì muốn gắn mác hàng Việt Nam để người Việt tin dùng, doanh nghiệp khác đã đi theo vết xe đổ của Khải silk khi chọn lựa lối làm ăn gian dối và cái kết bị người tiêu dùng tẩy chay là điều khó tránh khỏi.
Ngay khi thông tin hành vi nhập hàng Trung Quốc về lắp ráp rồi ghi xuất xứ Việt Nam của Asanzo bị báo chí nêu ra, trên mạng xã hội nhiều người tiêu dùng đã lên tiếng phản ứng. Bình luận ngay trong trang cá nhân Tam Pham được cho là của CEO Phạm Văn Tam, tài khoản Nguyen Pham bình luận: “Vấn đề ở đây nằm ở chỗ tại sao link kiện nhập từ Trung Quốc mà lại nói là Nhật, “Thương hiệu Nhật cho người Việt”. Còn để tạo ra một sản phẩm Made in Việt Nam đâu phải chỉ ráp hay gọi đúng hơn là gia công thôi”.
Tài khoản Ben Lee đã có những dòng chia sẻ rất dài: “Mr Tam thân! Câu chuyện chưa biết đúng sai thế nào? Tôi không phải là người thừa hành luật pháp nên tôi không dám phán xét, tôi cũng không phải sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp bạn, nên tôi cũng không dám đánh giá. Nên những gì tôi nói trên cơ sở khách quan và sự hiểu biết ít ỏi của tôi.
Nếu doanh nghiệp của bạn tuân thủ mọi hành lang pháp lý, tôn trọng người tiêu dùng (như những gì bạn đã cam kết) thì bạn chẳng phải lo ngại điều gì cả, Nhưng nếu bạn sai thì bạn phải chịu trách nhiệm trước luật pháp và người tiêu dùng. Là một chủ doanh nghiệp, ai cũng có khát vọng, ai cũng muốn tạo ra giá trị cho xã hội, ai cũng có lòng tự tôn dân tộc. Nhưng ở thế hiện tại của bạn, bắt buộc bạn phải chứng minh? Nếu đúng, người tiêu dùng luôn ủng hộ bạn, xã hội sẽ ghi nhận sự đóng góp của bạn”.
Ben Lee đặt hàng loạt câu hỏi: Asanzo là một tập toàn điện tử tiêu dùng, sản xuất ở nước nào không phải là vấn đề, nhưng Asanzo có sáng chế công nghệ hay không? và được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ hay không? Theo quảng cáo, Asanzo sản xuất theo công nghệ Nhật Bản, vậy công nghệ đó là công nghệ của công ty, tổ chức, tập đoàn điện tử nào của Nhật (Không thể nói chung chung là công nghệ Nhật), bạn có bằng chứng gì để chứng minh là Asanzo sở hữu bản quyền công nghệ hợp pháp hay không? Khi bạn đặt hàng tại các nhà máy sản xuất OEM tại Trung Quốc và gắn nhãn hiệu Asanzo, thì bạn có thể chứng minh được các nhà sản xuất OEM đó có tuân thủ mọi tiêu chuẩn kỹ thuật và cái bạn gọi là công nghệ Nhật bản hay không?
Ben Lee cho rằng, khi nhập khẩu hàng về Việt Nam, Tập đoàn Asazo phải chứng minh được hàng hoá đó là của Asanzo và được nhập một cách hợp pháp. Asanzo phải được đăng ký thương hiệu nếu Asanzo không đăng ký bảo hộ thương hiệu thì đằng sau đó có gì đó không minh bạch.
Nhiều người tiêu dùng cũng cho rằng, các cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra những nghi vấn vi phạm của Asanzo nếu đúng như báo chí phản ánh. Bởi hành vi nhập hàng Trung Quốc, lắp ráp rồi dán nhãn xuất xứ Việt Nam nếu có, là hành vi lừa dối người tiêu dùng, gây tổn thương nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam vào hàng Việt.
Thiên Nga

>> xem thêm

Bình luận(0)