Bệnh nhân Covid-19 thứ 34: Doanh nhân khai dối... hợp tác kinh doanh có “quanh co“?

Google News

(Kiến Thức) - Bệnh nhân Covid-19 thứ 34 khai báo "không trung thực", "nhỏ giọt" về những người tiếp xúc khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn trong chuyện cách ly. Điều này khiến dư luận hoài nghi có nên đặt niềm tin ở đối tác "quanh co" thế này?

Sáng 17/3, tại lễ phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống căn bệnh viêm đường hô hấp từ Covid-19 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, hình ảnh nhiều doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm đã trực tiếp ủng hộ với số tiền lên đến 230 tỷ đồng khiến nhiều người xúc động.
Như lời Thủ tướng đã nói, những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi người chúng ta thể hiện bản sắc của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu", tô điểm cho bản lĩnh, khí chất của con người Việt Nam.
Sự đóng góp ủng hộ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm về nguồn lực tài chính, thời gian, sức lực, kinh nghiệm và những sáng kiến thiết thực không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mà còn xuất phát từ trái tim, lan tỏa những giá trị sống tích cực, nêu cao tinh thần tương thân tương ái vốn sẵn có trong huyết quản của mỗi người dân Việt Nam.
Benh nhan Covid-19 thu 34: Doanh nhan khai doi... hop tac kinh doanh co “quanh co“?
 Bệnh nhân thứ 34. Ảnh: BVCR
Cũng là một chủ một doanh nghiệp, không hiểu thời điểm này, nữ doanh nhân Đặng Thị L. Tr., Giám đốc Công ty TNHH Vật liệu xây dựng M.Tr (51 tuổi, trú tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận - ca nhiễm Covid-19 thứ 34) nghĩ gì khi khai báo "không trung thực", "nhỏ giọt" khiến việc xác định, cách ly những người có liên quan trở lên rất khó khăn, khiến 11 trường hợp khác tiếp xúc và tiếp xúc với người tiếp xúc bị bệnh nhân 'siêu lây nhiễm' này lây bệnh.
Đến thời điểm này, dư luận vẫn đặt câu hỏi, tại sao nữ doanh nhân ca 34 lại khai báo gian dối về việc từ nước ngoài về, xuống sân bay Tân Sơn Nhất đã về thẳng nhà bằng xe riêng nhưng thực tế lại gặp gỡ một số đối tác, một số nhân viên kinh doanh?
Tại sao nữ bệnh nhân lúc đầu khai nhỏ giọt chỉ tiếp xúc 17 người những sau lại khai 21, 31 rồi con số người tiếp xúc sau đó được xác định lên đến 46 người? Tại sao một nữ doanh nhân nhiễm Covid-19 lại có thể có những hành vi thiếu trách nhiệm với cộng đồng như vậy?
Có thể đến giờ, nữ doanh nhân đã nhận ra hậu quả hành vi của mình và có thể hiểu vì sao dư luận lại vô cùng bức xúc và lên án hành vi của mình dù bản thân đang mắc bệnh, lẽ ra sẽ nhận được sự cảm thông, chia sẻ của mọi người.
Chỉ với việc khai báo tình trạng sức khỏe, khai báo người từng tiếp xúc với mình khi biết bản thân nhiễm dịch mà nữ doanh nhân còn gian dối, khai báo không trung thực đã thể hiện sự thiếu trách nhiệm với xã hội, thiếu ý thức với bản thân và coi thường sức khỏe của người khác.
Hậu quả của việc khai báo gian dối, nhỏ giọt dẫn đến việc có thêm một số trường hợp dương tính Covid 19 do tiếp xúc với người tiếp xúc với nữ bệnh nhân này mà không được cách ly kịp thời, ảnh hưởng đến sức khỏe của họ và gây nguy cơ dịch tiếp tục lây lan ra cộng đồng. Việc không chủ động khai báo, khai báo không thành khẩn khiến việc kiểm soát dịch trở nên khó khăn. Đến nay, trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận xác định có 203 người thuộc diện tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh (F1) và hơn 760 người thuộc diện F2.
Ngoài ra hành vi trên còn khiến cuộc sống người dân tỉnh Bình Thuận và một số địa phương bị xáo trộn, khó có thể thống kê chính xác thiệt hại về kinh tế và công sức của hàng nghìn người tại các địa phương này nhưng sẽ là một con số không nhỏ.
Từ việc này, dư luận hoài nghi, một con người thiếu trách nhiệm như vậy thì trong hợp tác kinh doanh có sòng phẳng, thẳng thắn với đối tác, khách hàng? Bởi cái kim trong bọc có ngày sẽ lộ ra...
Hiện nay nữ doanh nhân đang điều trị bệnh, tất nhiên thời điểm này, công tác chữa trị bệnh là quan trọng nhất. Do vậy, hành vi khai báo không trung thực, nhỏ giọt của nữ bệnh nhân này chưa được xử lý về mặt pháp luật. Tuy nhiên, khi chữa khỏi cũng cần phải xác minh, điều tra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để răn đe những trường hợp khác.
Mới đây, Thủ tướng Chính Phủ cũng đã yêu cầu cần phải xử lý nghiêm trường hợp khai báo không trung thực hoặc không khai báo theo pháp luật và giao Bộ Tư pháp cùng Bộ Y tế xem xét những trường hợp cụ thể để xử lý theo đúng pháp luật, cần có thái độ dứt khoát để răn đe chung những cá nhân vi phạm, không trung thực khai báo khi đã biết mình có bệnh.
Việc này được dư luận đồng tình, ủng hộ. Bởi trong bất kỳ "cuộc chiến" nào những người có trách nhiệm, có ý thức, có công lao phải được khen thưởng còn những kẻ "tội đồ" phải bị trừng trị và "cuộc chiến chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2" cũng không ngoại lệ.
Hiện Việt Nam đã bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến chống dịch với mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội”. Do vậy, rất cần sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp cũng như mỗi người dân.
“Mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân, mỗi khu dân cư phải là pháo đài phòng chống dịch”. Đòi hỏi mỗi người dân phải có ý thức, trách nhiệm với bản thân và trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Trước hết cần nhận thức đúng, đầy đủ về dịch bệnh, không chủ quan nhưng cũng không quá hoang mang, tin tưởng vào các giải pháp từ phía chính quyền. Bên cạnh đó, tự nguyện tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu của cơ quan chức năng trong việc khai báo y tế và cách ly khi cần thiết.
Chúng ta hoàn toàn có đủ khả năng đẩy lùi dịch bệnh khi người dân không còn những hành động chủ quan, vô ý thức gây nguy cơ làm lây lan dịch bệnh trong xã hội. Chúng ta hoàn toàn có đủ khả năng để chiến thắng dịch bệnh khi toàn dân cùng tham gia “chống dịch như chống giặc” với tinh thần, ý thức và trách nhiệm cao nhất.
>>> Mời độc giả xem video Bệnh nhân thứ 34 mắc Covid-19 tại Việt Nam:

Nguồn VTC Now.

Bộ Y tế hướng dẫn việc cách ly y tế tại nhà
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cách ly y tế, bao gồm: cách ly tại cơ sở y tế, cách ly tại cơ sở cách ly tập trung và cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Việc cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú được áp dụng đối với những người đã tiếp xúc với người có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân được xác định nhiễm virus SARS-CoV-2 (đối tượng F2), những người tiếp xúc gián tiếp (đối tượng F3, F4). Thời gian cách ly được quy định là 14 ngày kể từ khi tiếp xúc với nguồn nghi ngờ truyền nhiễm.
Người được cách ly cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân sau đây:
- Thường xuyên đeo khẩu trang; thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng có nắp đậy và mang đi xử lý hàng ngày.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn chứa ít nhất 60% cồn.
- Không dùng chung các đồ dùng vật dụng cá nhân như bát, đũa, thìa, cốc, bàn chải đánh răng, khăn mặt... Không ăn chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi ở, nơi lưu trú.
- Đảm bảo ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, vận động cơ thể, tập thể dục nhẹ nhàng tại chỗ. Việc người dân nâng cao ý thức cộng đồng, thực hiện tốt các quy định cách ly, vệ sinh phòng dịch là góp phần chiến thắng giặc dịch Covid-19.
Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)