Hẹp động mạch vành có nguy hiểm?

Google News

(Kiến Thức) - Nếu không có hình ảnh vôi hóa động mạch vành trên phim chụp vi tính cắt lớp thì sai số về mức độ hẹp động mạch vành nhỏ hơn.

Hỏi: Năm nay tôi ngoài 70 tuổi. Khi đi khám ở Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội, chụp mạch vành thì được biết thiểu năng mạch vành có thông số kết luận là: Sơ vỡ mềm gây hẹp 10 - 15% RCA I; sơ vỡ vôi hóa gây hẹp 30 - 35% LAD II; không thấy hẹp tắc ở LMA LCX. Xin tư vấn giúp tôi tình trạng bệnh như vậy có nguy hiểm không? Nên dùng thuốc gì? Triển vọng bệnh tật sẽ diễn biến ra sao? Nếu dùng thuốc có thể khỏi được không và có làm giảm được cái sự hẹp đó không? - Cao Xuân Mong (xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ).
Ảnh minh họa. 
GS Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam: Nếu không có hình ảnh vôi hóa động mạch vành trên phim chụp vi tính cắt lớp thì sai số về mức độ hẹp động mạch vành nhỏ hơn. Trường hợp của ông, không thấy nói có vôi hóa, may ra kết quả chụp này có độ chính xác cao. 
Hẹp động mạch vành dưới 50% là hẹp ít, nếu không đau ngực rõ rệt, thì chỉ cần điều trị nội khoa với thuốc men do bác sĩ chuyên khoa chỉ định. Nhưng nếu vẫn có đau ngực nhiều, khó thở thì phải xét can thiệp mạch vành, vì khi đó, hoặc là xuất hiện huyết khối trên mảng vữa xơ động mạch, hoặc màng vữa xơ đó, tuy không lớn, nhưng bị nứt do có nhiều chất viêm làm giảm độ vững bền, gây tắc mạch. 
Nếu không đau hoặc đau ít, không khó thở, ông cứ yên tâm và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. 
PV (ghi)

Bình luận(0)