Chuyện với Thượng Đế về “làm đâu bỏ đấy“

Google News

Con sông Tô Lịch là đỉnh cao đã hoàn thành của quy trình cống hóa do sở năng "Ladaboda" được triển khai hoàn chỉnh ở con người công nghệ hóa dở dang.


- Với cái cơ chế hoạt động của cái sở năng "Ladaboda" trong mình, "hoạt động bỏ lửng, tiết kiệm năng lượng, kể cả tiết kiệm tư duy", con người đã tống thẳng cái nước thải ở cái cống đó vào con sông, từng bước biến con sông thành cái cống. Con sông Tô Lịch là đỉnh cao đã hoàn thành của quy trình cống hóa do sở năng "Ladaboda" được triển khai hoàn chỉnh ở con người công nghệ hóa dở dang.

Thượng Đế của bạn
 
Đa phần chúng ta thường cho rằng việc chuyện trò với Thượng Đế, cũng gọi là Trời, là rất khó khăn. Ví như thời xưa người ta phải xem ngày đặt tháng, dựng đàn tế lễ. Rồi dăm ngày trước khi tiến hành làm lễ tế thì phải ăn chay tắm gội, nhịn nín làm tình … Chủ lễ tế khi lên đàn cầu phù sẽ phải xõa tóc, phải chân đất, phải ngất ngây… Xem ra rất phức tạp. Vụ này phải rối tinh lên như một màn ảo thuật. Nếu không một ai hiểu gì nữa, kể cả chủ tế, thì cuộc chuyện trò này với Trời được coi như là thành công.

Rút cục sau đó, công việc không được kết thành, thì là do Trời chưa cho, được kết thành, thì là do Trời thuận giúp. Hồi đó khi được việc thì người ta chưa quen nhận tranh hết của Trời, rằng đó chỉ là do riêng cái thiên tài của mình thôi. Điều quan trọng nhất là việc này đã được giao tế với Trời rồi, thôi nhé, đừng ai dám bàn dám cãi gì thêm nữa về nó!

Nhưng thực ra mỗi chúng ta vẫn luôn luôn chuyện trò với Thượng Đế của mình! Khi suy nghĩ, bạn phải vật lộn giữa cái đã biết và cái chưa biết, tuy nhiên ta nên miễn trừ chuyện này cho các nhà tuyên huấn chuyên nghiệp. Với mỗi việc, ở mỗi thời điểm, một khi bạn đã nghĩ kĩ rồi, đã nghĩ hết rồi, không còn nghĩ thêm được gì nữa rồi, lúc đó là lúc bạn tạm bàn giao, ủy thác việc nghĩ đó cho Thượng Đế của bạn nghĩ tiếp hộ bạn. Về tài năng, cái bạn đã biết, là chính bạn, cái bạn chưa biết, ta kí hiệu đó là Thượng Đế của bạn.

Thượng Đế như  vậy sẽ không trừu tượng, mà luôn luôn là Thượng Đế của một người xác định ở một thời điểm xác định. Chuyện trò với Thượng Đế, đơn giản chỉ là thế thôi, là chính quá trình suy nghĩ, đối mặt với làn ranh giữa sự hiểu biết và không hiểu biết của mình, để tìm cách vượt thêm lên. Nhờ chuyện trò siêng năng với Thượng Đế của mình, bạn đẩy thêm lên được các nấc tài năng của bạn.

Bây giờ ta hình dung cái thang đo tài năng về hiểu biết như một dãy số tự nhiên N {0, 1, 2,…n…}, và tài năng của một người ở trong một lĩnh vực ở một thời điểm là n, khi đó (tài năng của) Thượng Đế của người đó ở trong lĩnh vực đó ở thời điểm đó sẽ là n+1. Vậy bạn càng tài năng, Thượng Đế của bạn cũng lại càng tài năng hơn. Và như thế, xem tài năng của Thượng Đế của một người, tức là xem cái mà họ tôn sùng, cái lý tưởng đích thực của họ, thì ta cũng khắc hình dung ra được cái tài năng của chính người ấy.
 
 
Mượn lại chữ nhà Phật hay dùng cho sinh động, ta gọi tài năng của bạn là "ngộ", ngay sau ngộ thì là Thượng Đế của bạn, ta gọi là "nghi". Nghi lớn nhờ ngộ lớn, ngộ lớn thì nghi lớn. Ta có công thức sau (cho oai), nghi = ngộ + 1, hay nghi = siêu (ngộ), với siêu là một toán tử để chỉ nấc tài năng liền sau một nấc của tham số tài năng, ở đây là ngộ.

Về hình ảnh thống kê, ta có thể hình dung mỗi cộng đồng xã hội ở một lĩnh vực và trong một thời điểm cũng có được một cái nấc tài năng xác định và cái Thượng Đế kế đó của mình.

Badakethutanha tự nhiên
 
Vừa xoẳn trước khi có con người, HST («Hệ Sinh Thái») trên trái đất này thực sự đạt tới một chu trình sinh thái hoàn thiện. Trong HST, vật chất, vi khuẩn, thực vật, động vật … nằm trong một chu trình kín tổng thể tự cân bằng được, tự tái sinh được. Tất cả các chất thải hữu cơ đều tự phân giải tự nhiên được trong chu trình này, không có “ô nhiễm chất thải đời sống”, "rác rưởi đời sống" không tái sinh được tự nhiên trong HST.

Xem một bộ  phim tài liệu về đời sống của HST ở Bắc cực, ở Nam cực, hay ở một khu rừng nguyên sinh bát ngát nào đó còn sót lại ở châu Phi hay ở Nam Mỹ, bạn sẽ thấy ngay rằng Thượng Đế thật là vĩ đại, vì bạn chả có thể chê trách được điều gì nữa. Bạn ngồi đó chiêm ngưỡng, và chấm hết. Chu trình này của HST được gọi tên là "Badakethutanha", có bắt đầu, và có kết thúc, và cái kết thúc ở đây cho phép khởi động trở lại cái bắt đầu, tạo nên chu trình sinh thái tự tái sinh hoàn chỉnh.

Ladaboda

Bây giờ bạn bật lại bộ phim đi, và ngắm thật kĩ thêm nhé. Hình như cũng có một chút vấn đề tiềm năng gì đó.

Mấy con sên tham ăn cái búp non cho kì cùng, có khi cả cái cây non chết nẫu.

Mấy con sư tử xẻ thịt được con hươu, ăn một phần, rồi bỏ vương bỏ vất đấy.

Mấy con khỉ  rung cành rụng cả đống quả, ăn được vài quả, rồi bỏ đi.

Chúng hoạt động theo cái sở năng gì vậy?

Cái sở năng này được gọi là “Ladaboda”, một sở năng tự nhiên, sở năng hoạt động bỏ lửng, theo nguyên tắc “tiết kiệm năng lượng” cho mỗi sinh thể. May thay, các hoạt động của các sinh thể này của HST có thể bị bỏ lửng mà không gây ra những nguy hại căn bản nào cho bản thân chu trình sinh thái tổng thể của HST.

Tại sao? Bởi vì HST có công năng "Badakethutanha", chu trình kín tổng thể tự cân bằng, tự tái sinh được. Chính Badakethutanha đã giải quyết mọi hậu quả hộ các sinh thể trong HST một cách rất tự nhiên, mà chính các sinh thể kia không cần phải biết đến. Và do đó "Ladaboda" chưa trở thành một vấn đề thực sự của HST.

Homo sapiens sapiens, Badakethutanha và Ladaboda
 
HST tiếp tục quá trình tiến hóa của mình. Và rồi đến một ngày, HST sản sinh ra homo sapiens sapiens, “con người tinh khôn”. Con người ra đời, có thể rằng đó là niềm tự hào lớn nhất của HST: sản sinh ra được một sinh thể có khả năng ý thức được về chính HST…

Buổi đầu, con người cộng sinh hiền lành trong HST, giống như mọi sinh thể khác, trong một chu trình kín tổng thể tự cân bằng được, tự tái sinh được. Nếu bạn cất công đi vào được những bản làng thật sâu thật xa ở Tây Nguyên chẳng hạn, bạn có lẽ vẫn còn thấy được sự cộng sinh hiền hòa này của đồng bào mình trong HST.

Điều bất ngờ  cho HST là cái sở năng “Ladaboda” đã bộc lộ ra những hiệu ứng rất khác thường một khi con người phát triển đến đời sống công nghệ hiện đại.

Từ vài trăm năm trở lại gần đây, từ khi mà loài người trở nên "tinh vi công nghệ" và đông đúc hơn lên vượt bậc, cái sở năng “Ladaboda”, vốn chỉ như là một vấn đề tiềm tàng ở các sinh thể, đã bộc lộ ra cái sở đoản khủng khiếp của mình.

Vào đời sống công nghệ hiện đại của con người, "Ladaboda" được kích hoạt thành quy trình "hễ có cái gì được bày ra là không biết bao giờ mới thanh toán nổi chúng đi nữa".
 
Xưa kia ông Héraclite từng nổi tiếng với câu nói “người ta không thể tắm được hai lần ở một dòng sông“. Tôi đã tưởng ông này đã đạt đến cái suy tư cùng cực cho bõ cái khổ công phải làm một nhà triết học.
 
Lô cốt rác bên sông Tô Lịch.
Lô cốt rác bên sông Tô Lịch.


Chỉ có hơn một chục năm trở lại đây thôi, vậy mà hầu hết các con sông ở xứ ta đã không thể xuống tắm được nữa rồi, thành ra hầu như “người ta không thể tắm nổi được một lần ở một dòng sông“ xứ ta! Tất nhiên bây giờ nếu ta bỏ ra một khoản tiền thưởng lớn bất ngờ ngất trời ngây đất cho những người tham dự, thì có khi ta vẫn có thể sẽ tổ chức được một hội thi toàn quốc bơi vượt sông Tô Lịch, để cho ông Héraclite thức dậy ngắm xem.

Tại sao vậy? Bởi vì con người ở ta biết bày ra cái cống, cái vốn không tồn tại trong HST, một cái "bắt đầu", mà không đưa đến được một cái "kết thúc" để rồi "tái nhập" trở lại được vào HST. Họ đinh ninh rằng cái cống cũng đã là con sông. Cái này thì rõ ràng là ông Héraclite chưa biết nghĩ tới.

Con người phát minh ra cái cống, tức là họ đã đẻ ra một cái "bắt đầu", để chuyển tải đi cái nước sạch của HST đã bị sử dụng và bị làm bẩn độc về môi sinh, do sinh hoạt của đời sống công nghệ của mình. Với cái cơ chế hoạt động của cái sở năng "Ladaboda" trong mình, "hoạt động bỏ lửng, tiết kiệm năng lượng, kể cả tiết kiệm tư duy", con người đã tống thẳng cái nước thải ở cái cống đó vào con sông, từng bước biến con sông thành cái cống. Con sông Tô Lịch là đỉnh cao đã hoàn thành của quy trình cống hóa do sở năng "Ladaboda" được triển khai hoàn chỉnh ở con người công nghệ hóa dở dang.

Vậy thì con người phải vượt qua được cái hạn chế tự  nhiên của cái sở năng  "Ladaboda" của mình, để cái nước thải ở cái cống phải được giải quyết đến cùng, để nước thải ở đó phải được xử lý lại, sao cho nó phải đạt được tiêu chuẩn sạch của nước sông, và chỉ đến lúc đó thôi, thì cái nước rời cống đó mới được nhập lại vào sông. Có như thế, chúng ta mới hoàn thành được cái công năng "Badakethutanha", chu trình bắt đầu – kết thúc – tái nhập vào HST. Nghĩa là mỗi điểm nối bất kì giữa cái cống và con sông phải là một cơ sở xử lý nước thải đạt chuẩn, trên toàn bộ lãnh thổ của HST mà con người tham dự vào.
 
Chỉ có hơn một chục năm trở lại đây thôi, các con đường ở các thành phố lớn xứ ta hầu như không thể đi dạo nên thơ giữa ban ngày được nữa, như chú nai vàng trên nẻo đường rừng trong thiên nhiên! Tất nhiên nếu bạn có phổi nhân tạo, có tai đút nút bông gòn hoặc bộ headphone nghe máy nhạc, lại có mắt trùm kính bơi, thì ta cũng có thể gắng đi dạo được ở đó… nếu vỉa hè còn chỗ.

Câu chuyện này hôm nay thành quá khó rồi, vì sự siêu quá tải của quá trình đô thị hóa "bứt rào bung ra" mang qui mô ngút trời đã và đang được nổ tung ở xứ ta. Nhưng con đường rồi sẽ phải thôi là cái cống thải khói và thải tiếng ồn vĩ đại, cùng là nơi tưởng niệm đông đảo các liệt sĩ giao thông.
 
Vậy thì con người phải vượt qua được cái hạn chế tự  nhiên của cái sở năng "Ladaboda" của mình, để rồi một ngày nào đó, trong điều kiện bình thường, một con đường chỉ được phép lưu thông nếu nó thỏa mãn các độ ô nhiễm, độ ồn, độ ách tắc dưới mức cho phép.
 
a
 

Hàng loạt các biện pháp phải được suy tính và tổ chức dựng xây. Từ chuyện rất to lớn và dài lâu, như quy hoạch dân số, quy hoạch các thành phố cùng các vệ tinh của nó, qui hoạch hệ thống các trục đường dọc-ngang-vành cùng các hệ thống bãi đỗ, quy hoạch công nghệ và phương thức sử dụng các loại phương tiện giao thông – với ưu tiên cho các phương tiện công cộng… thật muôn vàn việc… Và cho đến những chi tiết, như hệ thống máy đo ô nhiễm và đo tiếng ồn, hệ thống truyền tin trên đường biết hướng dẫn dòng xe, biết áp đặt việc giảm tốc độ xe để giảm độ ô nhiễm khi thời tiết nóng nực và thiếu gió ở các thành phố…

Không thể làm được như thế? Thì miễn bày ra. Thì đi bộ, đi xe đạp không thôi.
 
Chỉ có hơn một chục năm trở lại đây thôi, người ta không thể ăn uống vô tư ở xứ ta được nữa! Rau tẩm thuốc sâu, quả tẩm hóa chất, rượu pha lừa đảo, thuốc giả thuốc hỏng… chỉ có mỗi dạ dày, ruột gan và bệnh tật của chúng ta vẫn là thật. Nghĩa khí Cần Giuộc “liều mình như chẳng có” còn chịu đựng được bao lâu nữa các đồ ăn thức uống này ?

Vậy thì con người phải vượt qua được cái hạn chế tự  nhiên của cái sở năng "Ladaboda" của mình, để rồi một ngày đến, ngay từ đầu mối hàng đưa vào cộng đồng, các thực phẩm đã phải bị kiểm tra chất lượng an toàn, thay vì mỗi người dân phải luyện ngắm từng miếng thịt, lật từng miếng rau, và mặc cả triền miên với Thượng Đế của mình suốt ngày này sang tháng khác xem có nên mua chúng không, có dám tiêu thụ chúng không.
 
Cầm một mớ  thịt, một cây rau, ở bất kì một chợ nào, nhà chức trách phải đủ khả năng truy nguyên rất nhanh chóng, thậm chí tức thời, nhờ hệ thống công nghệ thông tin được thiết kế và vận hành hoàn chỉnh, xem mớ thịt đó, cây rau đó do ai lưu hành, do ai sản xuất, và truy tố được thật nhanh chóng chính xác kẻ ích kỉ hại người. Có như thế chúng ta mới hoàn thành được chu trình "Badakethutanha". Công việc này không dễ, nhưng làm được, và nhiều xã hội khác đã thực hiện được từ khá lâu rồi.
 
Có cần thiết phải kể ra nốt các hiệu ứng “Ladaboda” trong thế giới tinh thần của con người không? Biết bao nhiêu các thuyết lý của nợ đã được bày ra, từ cổ chí kim, chưa thấy cái thuyết lý nào được dẹp đi cả. Cái rổ đựng các mê thuyết chỉ thấy lớn lên mãi. Bói bài ta chán, bói thêm bài Tàu, bói bài Tàu chán, bói nữa bài Tây. Phép bói phải được nhân lên mãi, mở ra mãi, sang bói tóc, bói Kiều, bói lá, bói hột thị…liệu còn chỗ nào để không áp dụng được các phép bói mê?

Badatethutanha của kỉ nguyên công nghệ
 
Tất cả  những thất bại trên đây là do cái sở năng "Ladaboda" sẵn có trong HST được kích hoạt mạnh mẽ ở con người, một khi con người bắt đầu bày ra sự phát triển nền công nghệ nửa chừng, và cái công năng tự nhiên "Badakethutanha" của HST thì bị bất lực trước cái sở năng "Ladaboda" này đã được kích hoạt ở con người thời công nghệ hóa.

Sự bất lực của HST về cái công năng tự nhiên "Badakethutanha" trong thế giới con người công nghệ hóa buộc chính con người phải đối mặt thảo luận nghiêm túc với Thượng Đế của mình, để tìm cách thiết kế và vận hành cho được cái "Badakethutanha" cho đời sống của mình, để hoàn thành cho được chu trình bắt đầu – kết thúc – tái nhập HST trong kỉ nguyên công nghệ hóa của đời sống con người.
 
Thiền án về "Ladaboda" và "Badakethutanha" không phải chỉ là những vấn đề to tát như dòng sông, con đường, thực phẩm công cộng, hay nạn thuyết mê... Nó nằm ở khắp mọi ngõ ngách của  đời sống hôm nay. Thiền định về thiền  án này cho phép chúng ta tiến hóa về một đời sống phát triển bền vững và thông minh. Giản dị  như mở rộng việc sử dụng rộng rãi túi xách bằng giấy tái sinh được, có giải pháp trồng rừng đã sẵn sàng triển khai được trước khi tổ chức khai thác rừng, cho đến sự ra đời của các thế hệ đồ vật thông minh như nồi cơm điện tự tắt khi cơm chín, vòi nước và đèn tự tắt được ở nơi toilet công cộng sau sử dụng. Vân vân.
 
Phải đi  đến xây dựng và thực hành được nguyên lý như  sau cho đời sống, rằng một khi con người muốn bày ra điều gì, thì họ phải chịu trách nhiệm về hệ thống giải pháp để hoàn thành được chu trình bắt đầu – kết thúc – tái nhập vào hệ sinh thái.

Đấy là lời mời gọi mỗi chúng ta, và cả cộng đồng, hãy chuyện trò với Thượng Đế của mình về "Ladaboda" và "Badakethutanha".
 
Để cùng góp phần hóa giải cái sở năng khuyết tật "Ladaboda".
 
Để đẩy lên được cái nền thiết kế và vận hành cái công năng "Badakethutanha" trong các lĩnh vực của đời sống được công nghệ hóa hôm nay.
 
Về cách dịch nghĩa các khái niệm "Ladaboda" và "Badakethutanha", các bạn có kiến giải ra sao ?

Tôi tạm dịch nghĩa cùng các bạn như thế này nhé : "Ladaboda" là "Làm đâu bỏ đấy", và "Badakethutanha" là "chu trình bắt đầu – kết thúc – tái nhập hệ sinh thái".
HOÀNG Hồng-Minh

Bình luận(0)