Không thể đổi đời nhờ chồng

Google News

Vì muốn có tiền mà không lao động vất vả, tôi làm cô dâu xa xứ. Để rồi giờ đây hai con tôi không đứa nào có đủ cha đủ mẹ bên cạnh...

Khi tôi đang học lớp 11, Diễm - hàng xóm của tôi - rủ rê: “Để tao làm mai cho người chồng Trung Quốc. Lấy chồng ăn rồi ngồi chơi, mỗi tháng có 10 triệu gửi về cho má khỏe re”. Tôi nghe Diễm nói nhiều lần cũng ham. Vậy là năm 18 tuổi, khi bạn bè lo ôn thi đại học, tôi đi làm cô dâu xứ người.
Dở dang giấc mộng
Năm 2013, theo sắp xếp của Diễm, tôi từ Vũng Tàu lên Biên Hòa (Đồng Nai) gặp chồng chưa cưới từ Trung Quốc sang. Đám cưới được tổ chức ngay sau đó. Bên nhà trai chỉ có chú rể.
Trước ngày cưới, chồng tôi đưa cho má tôi 30 triệu đồng làm đám. Tôi nghĩ cưới xong chắc cũng dư được mươi triệu đồng cho má lận lưng làm vốn, hóa ra chẳng còn dư đồng nào.
Khong the doi doi nho chong
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần 
Sau đám cưới, tôi từ biệt má theo chồng về xứ người. Đi cùng vợ chồng tôi là cô bé miền Tây và người chồng Trung Quốc (cũng do Diễm làm mối). Nhà chồng cô ấy cách nhà chồng tôi 5km.
Tôi sang đến nơi thì ngày hôm sau mẹ chồng đã bắt vào làm công nhân ở xưởng vàng mã. Lúc mới sang, Diễm dặn tôi nhiều lần: “Đừng mang bầu vội, coi sướng thì ở, khổ thì chuồn”.
Diễm đưa tôi một vỉ thuốc tránh thai nhưng toàn tiếng Trung Quốc nên tôi không biết uống. Vài tháng sau đám cưới, tôi có bầu. Sắp đến ngày sinh, tôi đòi chồng cho má tôi sang chăm. Dù chẳng dư dả gì nhưng chắc vì đứa con trong bụng tôi nên họ cũng đồng ý.
Tôi sinh con trai kháu khỉnh. Nhưng đâu ai ngờ, con tôi mới đầy tháng, ngày hôm sau gia đình chồng bế con đi đâu mất. Đòi con không được, tôi phát điên. Tôi gào khóc, tôi đập phá đồ đạc.
Má tôi ôm tôi khóc, bảo: “Thôi về quê đi con, chắc nó không trả lại con đâu”. Khi má tôi nói vậy, cả gia đình chồng không ai thèm giữ tôi lại. Chồng tôi nhờ người đưa tôi ra tận cửa khẩu. Nhìn thấy tôi sang đất Việt Nam họ mới yên tâm trở về.
Nỗi đau làm mẹ lần 2
Tôi sống trong dằn vặt, chẳng dám bước chân ra khỏi nhà. Hai năm sau, nỗi đau dần nguôi ngoai. Tôi có bạn trai mới. Khi tôi thông báo mình có bầu, bạn trai lạnh lùng bảo: “Em bỏ nó đi”. Tôi chết đứng!
Bỏ bạn trai, tôi tự động viên mình: dẫu sao cũng đã có một đời chồng, giờ tôi nuôi con một mình đâu có sao! Chỉ thương má tôi, chưa ngày nào được an nhàn. Ngày má bán hàng rong trước cổng trường cho lũ trẻ. Đêm về lại xay sinh tố bán để nuôi tôi sắp sinh.
Cô gái lấy chồng cùng đợt với tôi vẫn còn ở lại Trung Quốc. Thỉnh thoảng tôi nhờ cô đạp xe sang nhà, chụp gửi tôi vài tấm hình của con. Có phải do tôi nhớ thương con nhiều hay không mà con trai càng ngày càng giống tôi như đúc?
Mỗi lần nhận được hình con, tôi lại thấy đau như ai mang dao cứa tim mình. Sinh con xong tôi sẽ kiếm tiền sang Trung Quốc chuộc con về. Không biết khi đó con đã lớn, nó có nhận mẹ hay không?
Còn 1 tháng nữa tôi sinh. Tôi chỉ có nguyện vọng đứa con thứ hai được mang họ mẹ. Nhưng không biết điều đó có thành hiện thực, khi tôi đã có một đời chồng và vẫn chưa ly hôn?
Ở độ tuổi thanh xuân, tôi không chồng và là mẹ của hai đứa trẻ. Lòng tôi nghẹn đắng khi nghĩ về quãng đường đã qua và tương lai trước mắt. Tôi sẽ sống để nuôi con và có trách nhiệm hơn với cuộc đời mình.
Tôi biết không thể nhờ vào một “tấm chồng” mà đổi đời. Tôi hiểu ra điều đó dù có 
muộn màng.
Có thể khai sinh theo họ mẹ
Theo quy định, khi xin giấy chứng nhận độc thân để kết hôn có yếu tố nước ngoài thì cô dâu phải đi phỏng vấn ở sở tư pháp địa phương. Nếu đủ điều kiện sẽ được cấp giấy chứng nhận độc thân để sang Trung Quốc đăng ký kết hôn.
Sau khi kết hôn ở nước ngoài, cô dâu phải mang giấy chứng nhận đăng ký kết hôn về sở tư pháp ở Việt Nam làm thủ tục ghi chú thì hôn nhân mới được công nhận ở Việt Nam.
Hiện nay, đa số các cô gái lấy chồng Trung Quốc không làm thủ tục ghi chú ở Việt Nam. Về mặt pháp lý, họ hoàn toàn độc thân.
Trường hợp cô H. trong bài viết, sau khi sinh con, cô chỉ cần mang giấy chứng sinh đến UBND phường, xã để xin khai sinh cho con theo họ mẹ.
Cái khó ở chỗ vì cô H. đã xin giấy chứng nhận độc thân để kết hôn nước ngoài nên UBND phường, xã có thể không cho cô khai sinh cho con theo họ mẹ hoặc không cho để trống tên cha.
Nếu không được khai sinh cho con theo họ mẹ, H. có thể làm đơn khiếu nại.
Trường hợp muốn ly hôn, nếu đã ghi chú hôn nhân, H. có thể làm đơn xin ly hôn ở Việt Nam nhưng phải có sự đồng thuận của người chồng Trung Quốc. H. có thể nhờ chồng gửi đơn ý kiến đồng ý ly hôn và xin xét xử vắng mặt.
Luật sư HÀ HẢI (Đoàn luật sư TP.HCM) - T.L. ghi

Theo Tâm Lụa/Tuổi Trẻ

>> xem thêm

Bình luận(0)