Xót cảnh bà cháu “bám” nhà vệ sinh công cộng để mưu sinh

Google News

Với nhiều người, chỉ cần nghe nói tới nhà vệ sinh công cộng là thấy bẩn. Nhưng với bà Thủy (52 tuổi), đó là diễm phúc. 

Ước mơ của trẻ con rất giản đơn, đó có thể là một chiếc xe đồ chơi mới, được ăn món ưa thích hay sáng cuối tuần đi chơi cùng cha mẹ... Tuy nhiên, 5 năm qua đối với Ly, đó là những ước mơ dường như quá xa xỉ. Cháu chỉ có ước nhỏ nhoi là không phải rời xa bà ngoại của mình.
Có cha mẹ nhưng khác gì mồ côi
Chúng tôi gặp Ly vào một chùa Phổ Quang (phường Quảng Phú, TP.Quảng Ngãi) tổ chức phát quà cho các cháu bé. Sư cô Thích nữ Uyên Liên - Trụ trì chùa Phổ Quang kể lại, vào một buổi sáng khi sư đang quây quần chăm sóc các cháu nhỏ mồ côi ở chùa, bà ngoại của Ly có chở cháu đến chùa. Hình ảnh bà cháu nước mắt dầm dề, cháu níu vạt áo bà đòi về, bà thì vội vàng bước đi trên đôi chân tật nguyền, ai thấy cũng xót.
Xot canh ba chau “bam” nha ve sinh cong cong de muu sinh
Nhà vệ sinh công cộng nơi hai bà cháu Ly ở. 
Bà ngoại của Ly tên Nguyễn Thị Bích Thủy (52 tuổi, quê ở làng Ốp, phường Hoa Lư, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai, hiện đang sống và trông coi nhà vệ sinh công cộng ở ngã ba đường Phan Bội Châu - Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Nghiêm TP.Quảng Ngãi). Đã ngoài 50 tuổi, nhưng nỗi khổ tâm về con cái cứ đeo bám lấy bà.
Ngồi trò chuyện tại nơi đang sống, bà Thủy bảo, mình sinh ra trong một gia đình nghèo có cha bị cụt một chân. Năm 18 tuổi, trong một lần đi làm ruộng, bà trúng phải mìn gãy chân phải.
Dù vậy, ít năm sau, bà cũng có một gia đình với những đứa con ngoan ngoãn, khỏe mạnh. Nhưng, giông bão đã giáng xuống gia đình kể từ khi người chồng đi lấy vợ khác, để bà một mình nuôi hai đứa con thơ. Rồi đứa con gái bỏ học đi bôn ba khắp nơi, lang bạt khắp nơi ở tỉnh Gia Lai, sau bị kẻ xấu lợi dụng, chịu cảnh bụng mang dạ chửa khi mới vừa tròn 16 tuổi - và sinh ra Ly.
Bi kịch hơn, khi không được mẹ Ly chấp nhận tình cảm, sau vài “chén chua cay”, trong cơn nóng giận, chàng rể hờ đến phóng hỏa ngôi nhà mà bà Thủy tích góp cả cuộc đời. Chán nản cuộc sống, mẹ Ly một lần nữa lại bỏ nhà ra đi.
Xot canh ba chau “bam” nha ve sinh cong cong de muu sinh-Hinh-2
 Hai bà cháu của Ly ở trong nhà vệ sinh công cộng.
Thời gian đầu, bà Thủy có liên lạc được, nhưng chỉ nhận lại những phản hồi không có trách nhiệm của người mẹ nhí. Dần dà về sau thì “bặt vô âm tín". Mới đây, bà nghe người thân ở Gia Lai gọi điện bảo, mẹ Ly đang lang bạt kiếm sống ở TP.Pleiku. Bà tìm cách liên lạc lại nhưng đứa con này không chịu gặp lại mẹ và con gái.
“Ngôi nhà” nơi đất khách
Tuổi ngoài 50, sức khỏe không còn như trước, nhưng mỗi khi thấy ánh mắt ngây thơ của cháu, bà Thủy lại động viên mình có cực khổ mấy cũng ráng mà làm lụng nuôi cháu.
“Nhà cửa bị cháy rụi, bám riết với cám cảnh nghèo túng ở quê thì chẳng biết lấy gì để ăn. Vậy nên tôi ẵm cháu đi bôn ba khắp ở Gia lai để kiếm sống, nhưng sức khỏe không có nên đâu làm được việc gì nặng nhọc. Vậy rồi, tôi lang bạt và chọn mảnh đất Quảng Ngãi này để mưu sinh, với công việc rửa chén thuê”, bà Thủy tâm sự.
Bà Thủy buồn tủi: ‘Ở đây, hai bà cháu bữa đói, bữa no nuôi nhau sống qua ngày. Chỗ nào cần, tôi đều đến làm. Chỉ cần có tiền để bà cháu không đói là được. Nhưng căn bệnh đau khớp lại hoành hành, ngồi rửa chén lâu một chút là lại đau”.
May mắn thay, từ cuối năm 2014, thấy hoàn cảnh khó khăn của hai bà cháu của Ly, Công ty Cổ phần Môi trường - Đô thị tỉnh Quảng Ngãi đã tạo điều kiện cho bà Thủy làm việc tại công ty, với nhiệm vụ trông coi, quét dọn nhà vệ sinh công cộng ở ngã ba đường Phan Bội Châu - Trần Hưng Đạo.
Ông Nguyễn Chí Tùng - Trưởng phòng Hành chính - Nhân sự (Công ty Môi trường - Đô thị tỉnh Quảng Ngãi) chia sẻ: “Hoàn cảnh của bà Thủy rất đáng thương. Thấy thế, công ty cũng đã tạo mọi điều kiện để bà được làm việc, nuôi cháu nhỏ. Tuy nhiên, đó chỉ là phần nào. Giờ cháu còn quá bé, hoàn cảnh rất đáng thương, mong mọi người chia sẻ, đùm bọc để bà cháu vượt qua khó khăn”.
Quả thật, với mức lương hơn 2 triệu đồng mỗi tháng cũng chẳng thấm vào đâu. Mỗi tháng, bà Thủy đã trích ra 1,2 triệu đồng cho cháu đi nhà trẻ. Số tiền còn lại, bà chia đều cho 30 ngày trong tháng với tiền thuốc, tiền ăn uống, sinh hoạt…
Bà Thủy bảo, cũng may là còn có cái nhà vệ sinh cũ này. Với nhiều người, chỉ cần nghe nói tới nhà vệ sinh là thấy bẩn. Nhưng với bà, đó là diễm phúc. Đây không chỉ là chỗ làm việc mà còn là “ngôi nhà” trú ngụ của hai bà cháu.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dạo gần đây, khi bệnh tật thường xuyên hành hạ cơ thể bà, chân lại bị tật, nên sự quan tâm của bà Thủy dành cho cháu Ly không được chu đáo như trước. Ly không còn được đến trường. Do vậy, bà mới có ý định gửi cháu vào chùa để nương nhờ cửa Phật.
“Tôi thương cháu đứt ruột nhưng cũng đành nghĩ đến việc gửi cháu vào chùa. Ở đây cháu được các sư cô chăm sóc cẩn thận hơn, được học chữ nữa. Chứ để cháu mãi như thế này, tôi sợ cháu lại trở lại thành “nỗi khổ” của xã hội như cha mẹ nó”, bà Thủy cho biết.
Khi được hỏi “Cháu có muốn vào chùa ở cùng các bạn không?”, Ly vừa ăn, vừa khóc thút thít trả lời: “Cháu chỉ muốn ở với bà ngoại thôi”. Nói rồi, đứa bé ngây ngô quay qua nhìn bà ngoại, năn nỉ bà: “Ngoại đừng bỏ con nha ngoại”.
Xot canh ba chau “bam” nha ve sinh cong cong de muu sinh-Hinh-3
 Bà Thủy chỉ còn một chân, chân còn lại phải dùng chân giả.
Nói về nỗi mong ước hiện tại, bà tâm sự: “Cái chân giả hiện giờ à của cha tôi để lại. Đi bao nhiêu năm bây giờ nó hư, giờ tôi chẳng biết làm sao cả”, bà Thủy lấy tay gạt dòng nước mắt đang lăn dài trên đôi gò má đã nhiều nếp nhăn.
Theo Đình Phùng/Báo Pháp Luật

>> xem thêm

Bình luận(0)