Xóm chài nghèo khó tin giữa lòng thành phố Cảng

Google News

Cả xóm chài này hiện có hơn 30 hộ với khoảng 120 nhân khẩu nhưng không ai có hộ khẩu, cuộc sống khó khăn trăm bề. 

Xom chai ngheo kho tin giua long thanh pho Cang
 Một góc xóm chài nghèo Tam Bạc, TP. Hải Phòng. ảnh: T.Đ
Nỗi cơ cực ở xóm chài nghèo
Tồn tại mưu sinh bám mặt sông Tam Bạc gần 40 năm, những người dân xóm chài thuộc địa phận phường Minh Khai (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) đã quen với cảnh không hộ khẩu, không biết chữ của mình. Đến xóm chài vào ngày con nước xuống thấp, trời nắng nóng, cả xóm chài nằm chơ vơ trên lớp bùn đặc quánh, bốc mùi hôi thối.
Không hộ khẩu, không chứng minh thư, không biết chữ và đương nhiên cũng không BHYT... cái nghèo cái đói cứ quanh quẩn theo người xóm chài này. Đa số dân chài ở đây là người từ nơi khác tới như Thái Bình, Hải Dương, Quảng Ninh... Sau nhiều năm lênh đênh lưu lạc đã quyết định dừng chân tại bến sông Tam Bạc làm nơi sinh sống. Công việc chính của dân xóm chài này là bắt tôm, cá và lượm nhặt sắt vụn dưới sông, mang lên bờ bán để đổi lại các nhu yếu phẩm mà họ cần. Điện, nước sinh hoạt phải mua từ các hộ dân trên bờ với giá đắt gấp đôi. Có hộ vì quá khó khăn, nên chỉ thắp đèn dầu qua đêm và dùng gió trời làm quạt mát. Ban ngày, đàn ông đi chài lưới, phụ nữ thì mò con cua, con ốc bán. Cả xóm chài chỉ có người già và trẻ nhỏ ở lại thuyền nên rất tiêu điều, vắng lặng.
Cô Nguyễn Thị Tuyết, Trưởng xóm chài (47 tuổi) cho biết: “Cả xóm chài Tam Bạc đa phần mọi người đều không biết chữ, không có sổ hộ khẩu, chứng minh thư nên rất khó khăn tìm việc. Người dân không có thẻ BHYT nên khi bị đau ốm, khám chữa bệnh phải trả toàn bộ phí thuốc men, điều trị. Nhiều nhà hoàn cảnh khó khăn không đủ tiền chữa trị đầy đủ nên bệnh tình trầm trọng rồi qua đời trong đau xót. Phụ nữ mang thai cũng thường phải tự đỡ đẻ ngay trên thuyền vì không có tiền vào viện”.
Cũng theo cô Tuyết, bây giờ tôm cá dưới sông ngày càng cạn kiệt. Những người dân chài đành lên bờ, vào phố đi thu gom ve chai hoặc đi làm những công việc phổ thông như phụ xây, phục vụ nhà hàng... ai thuê gì thì làm cái đó.
Hiện cả xóm chài có khoảng 30 cháu đang trong độ tuổi tiểu học được học văn hóa miễn phí tại Nhà thờ Giáo xứ thành phố. Nhưng đa số các cháu chỉ học được hết tiểu học rồi nghỉ vì gia đình không có tiền để chuyển các cháu lên các trường THCS học tiếp.
Khi mùa mưa bão đến, cuộc sống của dân chài càng vất vả hơn: Chỗ ăn, chỗ ngủ bị dột ướt nhẹp. Người già và trẻ nhỏ phải lên bờ trú tạm, thanh niên trai tráng thì phải ở lại giữ thuyền, thức trắng cả đêm, khi nào trời tạnh mưa mới mong có chỗ nhóm lửa nấu ăn.
Nỗi lo mất chỗ trú ngụ… chưa biết đi đâu
Xom chai ngheo kho tin giua long thanh pho Cang-Hinh-2
Tuy đã ngoài 80 tuổi nhưng vợ chồng ông Sinh vẫn phải bươn trải nghề chài lưới. 
Chia sẻ về cuộc sống của người dân xóm chài Tam Bạc, ông Đoàn Hồng Thắng, Chủ tịch phường Minh Khai, quận Hồng Bàng cho biết: Mọi người tại xóm chài chấp hành tốt các quy định pháp luật, không gây mất trật tự xã hội. Địa phương và cảnh sát khu vực thường xuyên tuyên truyền pháp luật, phòng chống bão, cháy nổ đối với những hộ dân này. Vào các dịp lễ, Tết, chính quyền phường và các đoàn thể xuống thăm, tặng quà cho các gia đình. Khi bão gió, địa phương vận động các hộ dân lên bờ tránh trú bão tại tầng 2 Trường THPT Lương Thế Vinh. Cuối năm 2016, phường đã làm việc với điện lực quận Hồng Bàng và thực hiện việc kéo điện về xóm chài giúp dân.
Người dân ở đây đang lo lắng không còn chỗ trú ngụ vì theo kế hoạch sau khi cầu Tam Bạc và cầu Hoàng Văn Thụ hoàn thiện, chính quyền sẽ chỉnh trang và xây dựng lại khu vực đó thành phố đi bộ, kiểu mẫu, văn minh… Vì vậy một xóm chài nghèo ọp ẹp, nhếch nhác ven bờ sông sẽ không thể tồn tại, cuộc sống của người dân xóm chài tới đây sẽ chưa biết đi đâu về đâu. Mong rằng trong quá trình thực hiện, cơ quan chức năng nên quan tâm tới vấn đề an sinh, cuộc sống của hàng trăm con người nơi xóm chài nghèo để cuộc sống của họ bớt cơ cực.
Theo Trung Đức/Gia đình & xã hội

>> xem thêm

Bình luận(0)