Xét xử bác sĩ Lương: Thiên Sơn lấy cớ gì chối bỏ trách nhiệm?

Google News

(Kiến Thức) - Đại diện Công ty Thiên Sơn cho rằng, trước ngày tai biến chạy thận, Thiên Sơn vẫn chưa bàn giao hệ thống máy RO2 vì còn phải chờ kết quả xét nghiệm. Việc chưa có đầy đủ kết quả mà đưa vào sử dụng là "rất vô trách nhiệm".

Sáng nay (22/5), phiên tòa xét xử sơ thẩm bác sĩ Hoàng Công Lương và hai bị cáo trong vụ tai biến chạy thận xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình tiếp tục với phần xét hỏi của Hội đồng Xét xử (HĐXX) với các cá nhân, đơn vị liên quan.
Trả lời HĐXX, luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương - đại diện theo ủy quyền của Công ty Thiên Sơn một lần nữa khẳng định đơn vị này không chấp nhận bồi thường trong vụ việc này vì Thiên Sơn không có trách nhiệm.
 Các bị cáo tại phiên tòa.
Lý giải về việc này, bà Hương trình bày về quá trình ký kết cũng như thực thi hợp đồng và "vô tình" tiết lộ nhiều tình tiết đáng chú ý. Cụ thể, theo bà Hương, hợp đồng sửa chữa giữa Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn là hợp đồng trọn gói. Tháng 4/2017, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã mời Thiên Sơn lên khảo sát, báo giá về việc sửa chữa hệ thống RO2. Tiếp đó, hai bên chính thức ký kết hợp đồng vào ngày 25/5/2017.
Cùng ngày, Thiên Sơn ký hợp đồng bảo dưỡng hệ thống RO2 với Công ty Trâm Anh do bị cáo Bùi mạnh Quốc làm giám đốc. Quốc cũng là người trực tiếp đến BV đa khoa tỉnh Hòa Bình để sửa chửa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2.
Nhấn mạnh điều này, bà Hương cho hay, hợp đồng sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc RO giữa Công ty Thiên Sơn và Công ty Trâm Anh được ký vào tối 25/5/2017 (4 ngày trước khi xảy ra sự cố). Trong khi đó, bị cáo Bùi Mạnh Quốc - Giám đốc Công ty Trâm Anh vẫn khẳng định hợp đồng được ký vào tối 29/5 sau khi xảy ra sự cố chết người để hợp thức hóa thủ tục.
Ngày 28/5/2017 (trước ngày xảy ra sự cố 1 ngày), theo bà Hương, Thiên Sơn chưa bàn giao hệ thống máy RO2 cho BVĐK Hòa Bình vì còn phải chờ xét nghiệm AAMI từ 7 đến 10 ngày. Cho nên, việc chưa có xét nghiệm mà đưa vào sử dụng là “rất vô trách nhiệm”.
Thế nên luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương khẳng định, công ty Thiên Sơn không chấp nhận bồi thường trong vụ việc này vì công ty Thiên Sơn không có trách nhiệm nên chỉ hỗ trợ về tình cảm.
“Công ty Thiên Sơn không chấp nhận bất cứ yêu cầu bồi thường nào mà chỉ tự nguyện hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân khi sự việc xảy ra”, bà Hương nói.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, công ty Thiên Sơn đã nhanh chóng xuống bệnh viện để hỗ trợ xử lý vụ việc, kịp thời hỗ trợ các nạn nhân trong vụ án. “Công ty Thiên Sơn đã bàn bạc với Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình để hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân tổng số tiền 370 triệu đồng. Tuy nhiên, do không đạt được thỏa thuận với Bệnh viện nên số tiền 370 triệu đồng đã được nộp vào tài khoản cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình”, bà Hương nói.
Trước đó, trao đổi với báo chí, luật sư Lê Văn Thiệp – người bào chữa cho bác sỹ Hoàng Công Lương cho rằng, để xảy ra hậu quả sự việc là do sai sót của Công ty Thiên Sơn. Việc bồi thường cho các gia đình nạn nhân, rõ ràng thuộc về trách nhiệm của Công ty Thiên Sơn.
Được biết, Thiên Sơn là Công ty ký hợp đồng với Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình về hợp đồng sửa chữa hệ thống lọc RO, sau đó chuyển nhượng cho Công ty Trâm Anh để Bùi Anh Quốc thực hiện việc xử lý nước dẫn đến hậu quả 9 người tử vong trong vụ án chạy thận xảy ra tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Hải Ninh

Bình luận(0)