Vụ cháy khiến 3 mẹ con tử vong ở Nam Định: Có dấu hiệu phạm tội?

Google News

(Kiến Thức) -Vụ hỏa hoạn xảy ra tại xã Yên Tiến, huyện Ý Yên vào rạng sáng 22/4/2018 đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến 3 mẹ con tử vong và thiệt hại về tài sản.

Thông tin mới liên quan vụ cháy khiến 3 mẹ con tử vong thương tâm, Công an tỉnh Nam Định cho biết, đơn vị sẽ xem xét khởi tố điều tra, xác định nguyên nhân vụ hỏa hoạn.
Trước đó, vào khoảng 2h sáng 22/4, người dân nghe tiếng kêu cứu rồi phát hiện lửa chát tại ngôi nhà của gia đình chị Phạm Thị Th. (36 tuổi, trú tại xã Yên Tiến, huyện Ý Yên). Lực lượng chức năng cơ sở và người dân xung quanh nỗ lực phá cửa, nhưng lúc này, ngọn lửa đã bùng phát dữ dội. Cho đến khi ngọn lửa được khống chế, cơ quan chức năng ghi nhận hậu quả đau lòng: chị Th. cùng 2 con là cháu Đỗ Thanh X. (10 tuổi) và cháu Đỗ Tấn D. (6 tuổi) đã tử vong. Được biết, gia đình chị Th. có 4 người. Thời điểm xảy ra hỏa hoạn, chồng chị Th. vắng nhà.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) nhận định, vụ hỏa hoạn xảy ra tại xã Yên Tiến, huyện Ý Yên vào rạng sáng 22/4/2018 đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến 3 mẹ con tử vong và thiệt hại về tài sản.
 Hiện trường vụ cháy.
Luật sư Thơm cho rằng, để có căn cứ xác định vụ hỏa hoạn là do sự cố chập điện hay hành vi có chủ ý gây ra, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân cháy dựa trên các chứng cứ thu thập như kết quả khám nghiệm, các mẫu vật chứng thu giữ tại hiện trường từ nơi bắt đầu phát hỏa, lời khai nhân chứng, lời khai của người chồng có mâu thuẫn với ai không,…
Kết quả giám định sơ bộ của Cơ quan chuyên môn nếu xác định có chất dẫn cháy xăng tác động gây cháy và qua các chứng cứ thu giữ là công cụ, dụng cụ phạm tội để lại hiện trường (nếu có) như can nhựa đựng xăng, ống dẫn đổ xăng vào nhà,.. là vụ việc có dấu hiệu tội phạm và cần thiết phải khởi tố điều tra làm rõ xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015: Căn cứ khởi tố vụ án hình sự
“Chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ:
1. Tố giác của cá nhân;
2. Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
3. Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng;
4. Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước;
5. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm;
6. Người phạm tội tự thú.”
Theo tâm lý tội phạm, nếu là hành vi cố ý phóng hỏa đốt nhà thì đối tượng thường thực hiện tội phạm vào lúc rạng sáng khi gia đình và người dân đã ngủ say, đường sá vắng người để tránh phát hiện.
Cháy nhà, gia đình 3 người tử vong thương tâm. Nguồn: VTC
Trong vụ việc này, nếu có căn cứ xác định đây là hành vi cố ý phóng hỏa đốt nhà, đối tượng phạm tội sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng với hậu quả xảy ra. Trong cùng một thời điểm, hành vi phạm tội của Bị can đã xâm phạm đến 02 khách thể Bộ luật hình sự điều chỉnh đó là tính mạng của con người và quyền sở hữu về tài sản. Đối tượng buộc phải nhận thức xăng là loại chất dẫn cháy cực kỳ nguy hiểm, bắt lửa mạnh, tốc độ lan rất nhanh và gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Nếu chỉ vì mâu thuẫn trong cuộc sống mà đối tượng đang tâm phóng hỏa đốt nhà có các thành viên đang ở bên trong thì đối tượng phải chịu trách nhiệm về Tội giết người và Tội hủy hoại tài sản. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a, b, n Khoản 1 Điều 123 và Điều 178 BLHS 2015.
Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
n) Có tính chất côn đồ;
Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, tài sản là di vật, cổ hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
c) Gây thiệt hại tài sản là bảo vật quốc gia;
d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Để che giấu tội phạm khác;
e) Vì lý do công vụ của người bị hại;
g) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm:
a) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)