Vì sao Dương Chí Dũng ở tù vẫn được nhận lương?

Google News

(Kiến Thức) -  Liên quan đến việc Dương Chí Dũng ngồi tù vẫn nhận lương, luật sư cho rằng, Bộ GTVT đã hiểu quá máy móc, không đúng tinh thần của điều luật.

Mới đây, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ Bộ GTVT xác nhận, từ khi bị khởi tố (tháng 5/2012), bắt giam (tháng 9/2012) đến khi bị TAND Tối cao kết án tử hình, ông Dương Chí Dũng, cựu Chủ tịch Vinalines, cựu Cục trưởng Cục Hàng hải vẫn được trả lương, ít nhất là trên 5 triệu đồng/tháng.
Việc trả lương cho cựu Cục trưởng Cục Hàng hải vẫn duy trì được giải thích là căn cứ theo khoản 1 Điều 24 Nghị định 34 năm 2011 quy định, trong thời gian tạm giữ tạm giam để thực hiện công tác điều tra truy tố xét xử hoặc tạm đình chỉ công tác để xét kỷ luật thì cán bộ được hưởng 50% lương theo ngạch, bậc cộng với phụ cấp lãnh đạo, phụ cấp thâm niên (nếu có).
Ngoài ra, sau khi bị buộc thôi việc, chế độ bảo hiểm của cựu Cục trưởng Cục Hàng hải cũng vẫn được cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết theo quy định.
Đến ngày 10/6, Bộ GTVT mới ban hành Quyết định số 2191/QĐ-BGTVT có hiệu lực từ ngày 10/6 buộc thôi việc đối với Dương Chí Dũng do vi phạm pháp luật và bị tòa án kết án bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Theo nhận định của luật sư Đỗ Toàn Thắng, công ty Luật TNHH Tâm Chính (đoàn LS TP Hà Nội), ngay từ đầu, nếu Bộ GTVT căn cứ vào thực tế, quyết liệt và đánh giá được mức độ sai phạm đặc biệt nghiêm trọng của hành vi thì đã có thể xử lý kỷ luật Dương Chí Dũng. Đằng này Bộ lại chọn một giải pháp an toàn để "chắc ăn" nên mới dẫn đến hệ quả "vô duyên" như vậy. Theo LS Thắng, cơ quan quản lý đã hiểu quá máy móc, không đúng tinh thần của điều luật.
 LS Đỗ Toàn Thắng.
Ông nghĩ sao khi quyết định buộc thôi việc đối với Dương Chí Dũng chỉ được đưa ra sau hơn hai năm kể từ khi có quyết định khởi tố của cơ quan điều tra?
Tôi cho rằng, quyết định trên không sai nhưng chưa phải là phương án tối ưu. Khi đã có quyết định khởi tố vụ án, cơ quan chủ quản cần có các quyết định kèm theo như: Tạm đình chỉ công tác, tước sinh hoạt Đảng và các thủ tục khác để phục vụ công tác điều tra. Đến khi ra tòa, nếu bị cáo đó bị oan, được tuyên bố vô tội thì được phục hồi lại toàn bộ. Và cơ quan chịu trách nhiệm là cơ quan tư pháp chứ không phải bộ GTVT. Còn nếu tòa tuyên có tội, lúc đó bị cáo sẽ mất hết cả biên chế lẫn chức danh.
Biết tin bị khởi tố, Dương Chí Dũng đã chạy trốn và bị truy nã. Vậy sau thời điểm cơ quan điều tra phát lệnh truy nã, bộ GTVT có thể buộc thôi việc đối với Dương Chí Dũng, thưa ông?
Căn cứ hành vi bỏ trốn đủ thấy Dương Chí Dũng vi phạm nghiêm trọng đạo đức công vụ của một cán bộ, công chức. ông ta đã tự ý bỏ nhiệm sở, khi biết bị khởi tố thì cố tình bỏ trốn, cản trở quá trình điều tra vụ án. Đạo đức công chức có nghĩa vụ bắt buộc, có tính tự nguyện rất cao, đòi hỏi người cán bộ, công chức khi đã dấn thân vào sự nghiệp thì phải tuân thủ. Thế nhưng, Dương Chí Dũng đã vi phạm kỷ luật, do đó ông ta có thể bị buộc thôi việc ngay tại thời điểm tự ý bỏ việc để trốn lệnh truy nã của cơ quan điều tra.
Bộ GTVT viện đủ điều nọ khoản kia để chứng minh cho quyết định của mình không sai trên giấy tờ sổ sách, thế nhưng việc áp dụng luật của họ dường như quá máy móc, thưa ông?
Tôi hoàn toàn đồng tình với nhận định này. Nếu họ vận dụng uyển chuyển hơn, có lý, có tình thì Dương Chí Dũng phải bị đình chỉ công tác và không được hưởng bất kỳ chế độ nào ngay từ thời điểm bỏ trốn. Theo tôi, có thể bộ GTVT quá "thận trọng" hoặc áp dụng chưa đúng quy định pháp luật. Ngay từ đầu, nếu bộ GTVT căn cứ vào thực tế, quyết liệt và đánh giá được mức độ sai phạm đặc biệt nghiêm trọng của hành vi thì đã có thể xử lý kỷ luật ông Dũng. Đằng này Bộ lại chọn một giải pháp an toàn là chờ sau khi có một bản án có hiệu lực pháp luật mới chính thức ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc vào ngày 10/6 vừa qua là thận trọng quá mức và không cần thiết. Đây cũng thể hiện cách hiểu quá máy móc, không đúng tinh thần của Nghị định 34.
Phải chăng do quy định không rõ ràng nên mới dẫn đến cách áp dụng luật trái khoáy như vậy, thưa ông?
Đúng là quy định của pháp luật về vấn đề này chưa cụ thể nên mới dẫn đến lỗ hổng. Nếu quy định khi khởi tố vụ án bắt buộc phải đình chỉ mọi chức vụ để phục vụ điều tra thì đã khác. Đằng này luật không quy định rõ, trong khi Hiến pháp quy định một người được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh bằng trình tự do pháp luật quy định và bản án kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật. Thế nên mới có cách áp dụng luật máy móc, thiếu thực tiễn như vậy.
Trân trọng cảm ơn ông!
Phải thu hồi tiền lương trong hai năm ngồi tù
Theo lời ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng viện Nghiên cứu Lập pháp Quốc hội, về nguyên tắc đối tượng bị khởi tố là đã bị tạm đình chỉ các chức vụ và việc giải quyết chế độ chính sách cần phải tạm ngừng. Rõ ràng người phạm tội, trốn tránh pháp luật, bị khởi tố, truy tố thì làm sao được hưởng chế độ như vậy được. Trước ý kiến cho rằng, nên thu hồi lại số lương đã trả cho Dương Chí Dũng trong hai năm ngồi tù, ông Thảo nhận định: "Đúng ra là phải thu hồi bởi vì kể từ lúc đó anh đã rời bỏ nhiệm sở. Thời gian đó anh không làm việc, lao động nữa, cái này do anh phạm tội chứ không phải do bị đình chỉ oan sai mà phải trả lương, phục hồi cho anh".
Theo Anh Văn/ĐSPL

Bình luận(0)