Vì sao Cao Toàn Mỹ bị ghét, hoa hậu Phương Nga được bênh vực?

Google News

Vụ án Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung cùng bị truy tố tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vừa đưa ra xét xử lần thứ hai vào ngày 22/6. 

Hiện vẫn chưa có kết luận cuối cùng của tòa, song dư luận có chiều hướng bênh vực cho người đẹp Trương Hồ Phương Nga. Bênh vực ai là quyền của mỗi người bởi nó phụ thuộc vào yếu tố cảm xúc, định kiến, số đông…Là một người khách quan đứng ngoài và không bênh vực ai trong hai người, xin được chia sẻ một góc nhìn về vụ án này từ tinh thần thượng tôn pháp luật.
Không thượng tôn pháp luật nhưng khi vỡ lở thì bấu víu vào pháp luật
Theo dõi sự việc từ năm ngoái đến năm nay trên các phương tiện thông tin cho thấy, điều đầu tiên để dẫn đến vụ kiện tụng kéo dài với diễn biến phức tạp là bởi cả hai bên đều sống không có tinh thần thượng tôn pháp luật. Một người là nhà kinh doanh bất động sản lâu năm và có vị trí lại có thể chi ra số tiền lớn đến 16,5 tỷ đồng nhờ người đẹp mua nhà chỉ bằng một “bản hợp đồng miệng” để rồi phải tìm đến nhờ pháp luật can thiệp.
Một người đường đường là hoa hậu, có trình độ học vấn cao lại có thể thực hiện một bản hợp đồng tình dục trị giá 16,5 tỷ đồng cũng chỉ bằng một “bản hợp đồng miệng” để khi bị kiện về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì mới đưa ra.
Bên nào đúng bên nào sai chưa thể biết và tôi cũng không bàn gì về vấn đề này. Điều khiến chúng ta suy nghĩ là tại sao những người trong vụ án trên, bình thường thì không có tinh thần thượng tôn pháp luật mà khi gặp sự cố thì lại bấu víu vào pháp luật, gây phiền toái, lãng phí quá nhiều thời gian và công sức của cơ quan pháp luật.
Nếu họ là người dân bình thường thì có thể thông cảm được, nhưng đây là hoa hậu, là nhà kinh doanh bất động sản, những người có vị trí, có uy tín trong xã hội, những người lẽ ra phải đi đầu về tinh thần thượng tôn pháp luật mới phải.
Hãy phán xét dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật
Phần lớn dư luận đang ủng hộ cho hoa hậu Phương Nga và lên án ông Cao Toàn Mỹ chủ yếu bởi người đẹp là phái yếu mà đang "yếu” – bị buộc tội. Vì sao trước đây, những chuyện lùm xùm kiểu kiều nữ và đại gia, kiểu người thứ ba bị lên án kịch liệt như thế, mà giờ lại bênh vực. Dễ hiểu thôi bởi trước đây “em đẹp em có quyền”, còn trường hợp này thì em đẹp nhưng không có quyền, thậm chí đang có khả năng bị mất quyền và một người đẹp yếu thế sẽ có được nhiều đồng cảm hơn là người đẹp đầy quyền năng!
Cao Toàn Mỹ vì sao bị ghét, mặc dù khách quan mà nói ông ta vẫn có khả năng mắc bẫy người đẹp, hay thậm chí bản “hợp đồng tình dục” là có thật đi nữa thì ông vẫn có quyền “đòi quà” khi bên kia phá vỡ hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn? Số tiền 16,5 tỷ đồng đâu phải là “chuyện nhỏ” như nhiều mạnh thường quân đang mạnh miệng chửi anh Cao không "fairplay".
Vì thế, sự phán xét của dư luận về vụ án này cũng rất cần tinh thần thượng tôn pháp luật. Trước hết là phán xét tinh thần thượng tôn pháp luật của mỗi cá nhân trong vụ án và sau nữa chúng ta cũng rất cần đứng trên tinh thần ấy để phán xét về họ.
Mỗi cá nhân, nếu là người có vị trí trong xã hội thì càng cần phải tôn trọng pháp luật. Đừng sống theo kiểu coi thường pháp luật, khi có sự cố là tìm đến pháp luật để bấu víu sẽ gây ra nhiều khó khăn cho những người thực thi luật pháp, mà trường hợp hoa hậu Trương Hồ Phương Nga và “đại gia” Cao Toàn Mỹ là một bằng chứng.
Theo Thuỳ Lâm/Laodong

>> xem thêm

Bình luận(0)