Tuyệt kĩ đánh thắng quân thù của chiến binh Tây Nguyên

Google News

Chỉ với chiếc nỏ gỗ thô sơ, những chiến binh Tây Nguyên gây nên nỗi khiếp đảm cho kè thù.

Từ bao đời nay, chiếc nỏ gỗ như một vật dụng thân thuộc, gần gũi theo người Ca Dong lên núi, băng rừng săn bắn chim muông. Trong những năm tháng bom, đạn rực lửa, những chiến binh Tây Nguyên với cây nỏ trong tay thoắt ẩn, thoắt hiện khiến kẻ thù bao phen khiếp vía kinh hồn.

Đối với đồng bào người Ca Dong (xã Ngọc Tem, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum), chiếc nỏ gỗ như “vị thần” hộ mệnh luôn kề vai sát cánh bảo vệ họ nơi đại ngàn.
 Dù đã già nhưng ông A. Lược vẫn đam mê làm nỏ.

Men theo con đường đất đỏ uốn mình quanh sườn đồi chúng tôi tìm gặp già A. Lược (82 tuổi, ở thôn Điek Not) - pho sử sống của làng. Già A. Lược ngồi trầm ngâm trong góc nhà, đôi chân yếu ớt, mắt đã mờ run lên theo hồi gió thổi bần bận vì lạnh.

Tuy nhiên, khi chúng tôi nhắc đến chiếc nỏ gỗ huyền thoại đôi mắt già bỗng sáng rực, tinh anh lạ thường. Già nhổm dậy, lom khom, đôi tay run rẩy với lấy chiếc nỏ treo ở góc nhà. Khẽ đưa tay vuốt nhẹ kỉ vật, già trầm ngâm nhớ về kí ức một thời chiến tranh đau thương, mất mát.

Già kể: “Ngày trước, kẻ thù tràn đến Tây Nguyên với vũ khí hủy diệt hung hãn đốt làng, giết người không ghê tay. Để chống chọi với kẻ thù xâm lăng các bậc tiền bối người Ca Dong chế ra chiếc nỏ gỗ đứng lên giữ đất, giữ làng. Để hạ gục được những tên địch to lớn, người Ca Dong đã lấy thứ chất độc từ lá ngón tẩm vào đầu mũi tên một phát hạ gục kẻ thù.

Ngày đó, cái nỏ quý lắm, không chỉ diệt giặc chiếc nỏ còn giúp bà con mình không bị đói, xua đuổi thú dữ. Chính vì vậy, bao đời nay người Ca Dong làng mình coi chiếc nỏ như vị thần hộ mệnh thể hiện sự thị uy, sức mạnh và lòng dũng cảm bất khuất của người Ca Dong”.
 Ông A Đa duy người dân trì nghề làm nỏ hơn 20 năm nay.

May mắn chúng tôi được tiếp cận với anh A. Mươi (47 tuổi ở thôn Điek Kua), một xạ thủ cao tay “bách phát bách trúng” và là “bậc thầy” cao tay chế nỏ.

Trong căn chòi nhỏ lợp bằng tán lá nằm giữa rừng, đứng từ xa chúng tôi nghe thấy những tiếng đục đẽo lách cách vang vọng.

Dưới tán cây cổ thụ Anh A. Mươi cặm cụi để hoàn chỉnh một cây nỏ chuẩn bị chuyến đi săn dài ngày: “Đối với người Ca Dong, ngoài cái rựa, cái cuốc thì nỏ như một vậy dụng không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày.

Chiếc nỏ vừa để phòng vệ, vừa giúp mình bắn những con thú, con vật phá hoại mùa màng và cải thiện đời sống. Chính vì vậy, từ bao đời nay, chiếc nỏ ăn sâu vào tiềm thức của người dân.

Do đó, đối với người Ca Dong nhà nào cũng có từ 1-2 chiếc nỏ và hầu như đàn ông, thanh niên trong làng, trong xã ai cũng sử dụng nỏ rất thành thạo”.
Anh A. Mươi và con trai A. Phăng đang dùng nỏ bắn chuột phá hoại mùa màng. 

A. Mươi tâm sự: “Để làm được chiếc nỏ đạt chuẩn là điều không hề đơn giản. Để làm được chiếc nỏ tốt ngắm đâu trúng đó, đòi hỏi ở người thợ sự khéo léo, tỉ mỉ qua nhiều công đoạn: làm cánh nỏ, thân nỏ, dây nỏ và cung tên.

Cái khó nằm ngay công đoạn đầu tiên tìm nguyên liệu. Thân nỏ phải lấy từ cây gỗ lâu năm nằm tận rừng trong rừng sâu 2- 3 ngày đường.

Sau khi tìm được nguyên liệu đem về hơ nóng uốn tạo hình theo yêu cầu. Nếu người thợ không chuyên dễ mắc thiếu sót khiến khung uốn bị gãy, hoặc bắn sẽ không chính xác. Một điều bất di bất dịch cánh nỏ phải chọn loại cây Long Rỡi.

“Cây Long Rỡi chắc, bền, dẻo… đàn hồi tốt, dễ dàng uốn cong. Khi bắn nỏ mình dùng lực mạnh, nếu cây khác sau vài lần sử dụng, phơi sương, gió rừng nhanh hỏng”, anh A. Mươi giải thích.

“Thông thường cánh nỏ có sải khoảng 1,2m nhưng tùy theo yêu cầu của người dùng có thể làm những cánh nỏ có sải lên đến 1,4m hoặc hơn. Đặc biệt, hai bên cánh nỏ phải được đẽo thật đều, có độ nặng bằng nhau và nằm cân đối so với thân nỏ thì mới chuẩn.

Cách làm phổ biến của người thợ thường dùng mực làm dấu khi căng dây ra mà dấu mực ở chính giữa thân nỏ chứng tỏ cánh nỏ đã cân bằng. Sau khi công đoạn làm thân và cánh nỏ hoàn thành người thợ tiếp tục công đoạn vào rừng hái dây mây già để làm dây nỏ. Dây mây lấy về được ngâm vào nước để tạo độ dẻo sau đó vót cho thật nhẵn, hai đầu chẻ ra, bện dây vào nhau như bện tóc đuôi sam, rồi cột chắc vào cánh nỏ”, anh Mươi cho biết thêm.

Trong mỗi gia đình người Ca Dong lúc nào cũng có từ 5-10 dây nỏ để phòng, nếu dây này mòn sẽ có dây khác thay thế ngay. Mũi tên được làm từ cây lồ ô, chúng có độ đàn hồi cao, mềm dẻo nhất định.

Sau khi vuốt được những mũi tên nhọn, người dân lại ra bìa rừng cắt lá dứa dại về phơi khô, khi dùng đem ép phẳng, cắt vát hình thoi rồi lấy mũi dao tách nhẹ một khe gần cuối thân mũi tên, lựa đưa mảnh lá vào cho cân đối. Các mũi tên vót xong phải thẳng nhẵn, cân đối và đồng đều về kích thước cùng trọng lượng của tên. Trong suốt quá trình làm nỏ đòi hỏi người thợ cần phải có sự kiên nhẫn, chịu khó và khéo léo trong các khâu”, anh Mươi cho biết thêm.

Lưu giữ nét đẹp truyền thống của người Tây Nguyên

Liên quan đến văn hóa truyền thống làm nỏ gỗ của người Ca Dong, trò chuyện với PV, anh Nguyễn Văn Bảy (cán bộ văn hóa thông tin xã Ngọc Tem) cho biết, bắn nỏ là một môn thể thao truyền thống vừa giúp gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc, vừa giáo dục con cháu tự hào về cội nguồn dân tộc.

Hằng năm, xã thường tổ chức những đợt hội thi, hội thu hút được sự tham gia đông đảo của người dân. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức nhiều hội thi bắn nỏ hơn nữa để lưu giữ và phát huy truyền thống văn hóa đặc sắc của dân tộc Ca Dong nói riêng và người dân Tây Nguyên nói chung.
Theo Người Đưa Tin

Bình luận(0)