Trâu chọi húc người tử vong: Giật mình nhìn lại việc đảm bảo an toàn

Google News

(Kiến Thức) - Vụ việc trâu chọi húc người tử vong vừa xảy ra khiến các cơ quan quản lý giật mình nhìn nhận lại công tác đảm bảo an toàn trong lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.

Lo ngại sự an toàn sau vụ trâu chọi húc người tử vong
Vụ việc ông Đinh Xuân Hướng (chủ trâu 18, tham gia vòng loại Lễ hội chọi trâu quận Đồ Sơn năm 2017) bị chính con trâu chọi mình huấn luyện tấn công, húc trọng thương và tử vong sau khi đi cấp cứu đã khiến những người chứng kiến bàng hoàng, những người thân đau đớn và các cơ quan chức năng giật mình nhìn lại công tác đảm bảo các yếu tố về an toàn khi diễn ra lễ hội chọi trâu.
Trong bản thông tin báo chí về vụ việc trâu chọi húc người tử vong, Ban tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã phải thốt lên rằng: “Đây là sự cố xảy ra đột ngột, bất khả kháng tại lễ hội”.
Trau choi huc nguoi tu vong: Giat minh nhin lai viec dam bao an toan
 Dù nhiều vụ việc trâu chọi húc người đã xảy ra trong các mùa lễ hội nhưng đến khi sự cố hi hữu trâu húc khiến chủ trâu tử vong mới khiến các cơ quan quản lý giật mình nhìn nhận lại công tác đảm bảo an toàn trong lễ hội này.
Có thể ban tổ chức đã nói đúng khi nói rằng vụ việc trâu 18 húc chủ trâu là sự cố xảy ra đột ngột, bất khả kháng. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, nếu Ban tổ chức cẩn thận kiểm tra các yếu tố đảm bảo an toàn và các chủ trâu thực hiện tốt những yếu tố đảm bảo an toàn đó thì sự cố đột ngột, bất khả kháng này sẽ khó có thể xảy ra.
Khi trao đổi với báo chí, anh Lưu Đình Vũ, chủ trâu số 23 (trâu số 23 chính là trâu đấu với trâu 18 trong kháp đấu thứ 14 – cũng là người bị trâu số 18 tấn công trước khi con trâu này tấn công anh Đinh Xuân Hướng, rất may mắn anh Vũ đã tiên đoán được và né tránh kịp thời nên thoát mạng) cho biết: “Trước khi diễn ra kháp đấu, tôi đã nghe nhiều người kể lại sự bất bình thường của trâu số 18 như trâu số 18 không thích màu sắc rực rỡ, nhất là màu đỏ, có biểu hiện hung hãn, thấy người cầm cờ là đuổi”. Điều này có thể lý giải khi chính ông Đinh Xuân Hướng là chủ trâu 18 đã không mặc bộ trang phục do Ban tổ chức quy định để tránh gây kích thích với trâu.
Nhiều người từng huấn luyện trâu chọi cũng cho biết, trâu chọi thường được tập luyện để thích nghi và làm quen dần với môi trường thi đấu như nghe các hiệu lệnh trống, làm quen với màu sắc, âm thanh chỗ đông người. Nhưng với những biểu hiện như của trâu 18 tại kháp đấu hôm đó có thể thấy con trâu này chưa được tập luyện kỹ càng để xung trận.
Tuy nhiên, có một điều có thể nhận thấy qua vụ việc trên, đó chính là khả năng tự vệ, kỹ năng thoát hiểm của các chủ trâu có mặt trong sân đấu khi xảy ra sự cố trong kháp đấu. Hình ảnh ghi lại vụ việc cho thấy dù rất hiểu trâu 18 có tính khí thất thường nên ông Hướng đã mặc áo tối màu, nhưng khi bị chính trâu mình huấn luyện tấn công, ông Hướng đã luống cuống bỏ chạy nhưng không thoát khỏi sự truy đuổi hung dữ của con trâu đang nổi máu điên. Trong những lễ hội có tính chất nguy hiểm như lễ hội đấu bò tót ở Tây Ban Nha, các kỵ sĩ đều phải qua trường lớp hẳn hoi và được học các kỹ năng cơ bản để thoát hiểm, còn với các chủ trâu ở Việt Nam, đa phần những kỹ năng ấy lại nằm ở kinh nghiệm mà họ từng trải qua khi ra sân đấu.
Nhìn lại những mùa lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn có thể thấy, sự việc xảy ra với ông Đinh Văn Hướng có hậu quả nặng nề nhất khi ông Hướng thiệt mạng, nhưng trước đó, rất nhiều vụ việc trâu húc người trên sân đấu đã xảy ra. Tại vòng loại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2011, trâu 24 cũng đã nổi điên húc 5 người bị thương. Sau đó một năm, tại vòng chung kết lễ hội truyền thống chọi trâu năm 2012, trâu số 01 trong quá trình bỏ chạy thục mạng đã húc vào du khách đang tan hội ra về, khiến họ giẫm đạp nhau chạy trốn. Hậu quả, bốn người bị thương phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Đồ Sơn. Tưởng rằng đó là những hồi chuông cảnh báo cho công tác đảm bảo an toàn các mùa lễ hội tiếp theo.
Tuy nhiên, những sự cố vẫn xảy ra cho thấy vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Ngay tại mùa lễ hội chọi trâu năm 2017, những hình ảnh về sân đấu chưa được thiết kế phù hợp, tiềm ẩn nguy hiểm khi hàng rào dù đã được làm bằng thép nhưng vẫn rất mong manh, trong khi lượng khách trong sân rất lớn. Hơn nữa, khi trâu thắng thua sau kháp đấu, hình ảnh những người quản trâu hò nhau bắt trâu bằng tay khiến nhiều người giật mình. Ngay cả trong sự cố diễn ra vừa qua, hình ảnh nhiều người bất lực đứng nhìn trâu 18 húc ông Đinh Xuân Hướng mà không có cách nào ngăn cản cũng cho thấy sự phản ứng trong lực lượng bảo vệ sân là rất chậm, ngay cả những người không có nghiệp vụ về y tế chạy vào sân đưa ông Hướng ra ngoài sân đi cấp cứu cũng cho thấy những tồn tại đáng lo ngại…
Siết lại quy trình tổ chức chặt chẽ để giữ chọi trâu Đồ Sơn
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có cách đây gần 1.000 năm vào thời vua Lý Thánh Tông. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, năm 1990, lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn được khôi phục. Đây là một lễ hội mang đậm nét văn hóa tâm linh, tinh thần thượng võ, táo bạo và lòng quả cảm của người dân miền biển Đồ Sơn. Lễ hội đã trở thành tục lệ, tín ngưỡng rất riêng biệt ở vùng đất duyên hải phía Bắc, gắn với tục thờ cúng thủy thần và tục hiến sinh, thể hiện tinh thần thượng võ của người dân miền biển. Bởi vậy, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã công nhận lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia” và là một trong 15 lễ hội lớn của cả nước.
Khi xảy ra sự cố khiến ông Đinh Xuân Hướng tử vong vừa qua, UBND TP. Hải Phòng quyết định tạm dừng Lễ hội chọi trâu 2017, dư luận đã xuất hiện ý kiến băn khoăn bỏ hay giữ lễ hội này. Nhiều người cho rằng, một sự cố không thể làm ảnh hưởng đến cả một lễ hội truyền thống có từ nhiều thế kỷ trước. Những chủ trâu tham gia lễ hội cũng cho rằng, đây là lễ hội truyền thống tâm linh của người dân Đồ Sơn, không nên dừng lại mà nên rà soát, xem xét lại quá trình sao cho đảm bảo an toàn.
>>> Mời độc giả xem video trâu chọi bất ngờ tấn công chủ nhân - Nguồn FB Lưu Trường:
Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thủy cùng đoàn kiểm tra công tác tổ chức vòng loại Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2017 vào sáng 2/7, ông Hoàng Trung Hiếu - Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, Trưởng Ban tổ chức lễ hội - khẳng định: “BTC đã có quy chế chặt chẽ, có phương án đảm bảo an ninh, an toàn. Mong muốn của địa phương là tiếp tục được tổ chức vòng chung kết chọi trâu, sẽ rút kinh nghiệm, kiểm tra sai sót, tăng cường chặt chẽ hơn về khâu mua trâu, huấn luyện, theo dõi trâu, nếu có biểu hiện gì bất bình thường phải triệt để cấm vào tham gia lễ hội”.
Nêu những giải pháp để tăng cường công tác bảo vệ an toàn lễ hội chọi trâu sau sự cố đáng tiếc vừa qua, ông Hiếu cho biết, chú trọng công tác chăm sóc trâu, huấn luyện phải để trâu làm quen với không khí đông đúc của lễ hội; Tăng cường cơ sở vật chất, hàng rào kiên cố, không để trâu phá rào ra khu vực khán giả, ban tổ chức; huấn luyện đội bắt trâu tinh nhuệ và điều hành linh hoạt hơn, khi trâu có biểu hiện bất bình thường phải lập tức thoát ly ra khỏi rào bảo vệ…
Tại buổi làm việc trên, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL) bà Ninh Thị Thu Hương cho rằng, trên hết, cần đảm bảo an ninh, an toàn cho lễ hội.
“Lãnh đạo UBND Quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng phải có cam kết để không lặp lại sự cố, tạo một bước chuyển biến về nhận thức trong nhân dân. Đặc biệt, việc bảo đảm an toàn cho người dân là trách nhiệm của chính quyền địa phương”, bà Hương nêu ý kiến.
Thông tin mới nhất liên quan diễn biến sự cố hi hữu khi trâu 18 húc chủ trâu là ông Đinh Xuân Hướng tử vong, chiều 2/7, trao đổi với báo chí, ông Hoàng Trung Hiếu, Phó chủ tịch UBND quận Đồ Sơn (TP Hải Phòng) cho biết, địa phương vừa phối hợp với PC54 Công an Hải Phòng tiến hành xẻ thịt trâu số 18 để lấy mẫu đi xét nghiệm, kiểm tra chất kích thích tồn dư trong cơ thể trâu này. Sau khi lấy mẫu đi kiểm tra, phần cơ thể còn lại của trâu số 18 sẽ được đem đi tiêu hủy.
Trước đó, UBND TP Hải Phòng có công văn chỉ đạo giao Sở Văn hóa và Thể thao kiểm tra, rà soát công tác quản lý và tổ chức vòng đấu loại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2017 báo cáo UBND thành phố. Giao UBND quận Đồ Sơn chịu trách nhiệm trước lãnh đạo thành phố về việc bảo đảm an toàn và các biện pháp khắc phục hậu quả xảy ra tại vòng đấu loại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2017; tạm dừng việc tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2017; kiểm tra chất kích thích, tăng lực (nếu có) còn tồn dư trong trâu số 18, các trâu khác tham gia vòng đấu loại và công tác bảo đảm an ninh, an toàn trong Lễ hội. UBND thành phố yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao, UBND quận Đồ Sơn cùng các cơ quan liên quan khẩn trương báo cáo kết quả và biện pháp khắc phục hậu quả của sự việc trên về UBND thành phố trước ngày 4/7/2017 để tổng hợp, báo cáo Thường trực Thành ủy, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch theo quy định.
Sửu Nhi

>> xem thêm

Bình luận(0)