Trả lời vòng vo, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng liên tục bị nhắc nhở

Google News

(Kiến Thức) - Khi trả lời chất vấn các đại biểu đặt câu hỏi, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng liên tục bị Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở, do trả lời dài dòng, vòng vo…

Một mặt hàng nhiều Bộ quản lý
Ngày 16/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ngay khi vị “tư lênh ngành” đầu tiên mở màn phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 – Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng – đã có đến 48 đại biểu đăng ký chất vấn.
ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng); Bùi Thu Hằng (Hòa Bình); Vũ Thị Thủy (Hải Dương); Trần Hoàng Ngân (TPHCM); Trương Anh Tuấn (Nam Định); Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đã chất vấn Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng về các vấn đề kiểm tra chuyên ngành với hàng xuất nhập khẩu, xử lý việc kéo dài thời gian thông quan gây tăng chi phí trong vấn đề hải quan; vấn đề trần nợ công đã sát, hơn 60% GDP, kiểm sát nợ công; Giải pháp nào để hạn chế thất thu thuế khi tình trạng không xuất hóa đơn, không xuất biên lai khi bán hàng diễn ra rất phổ biến, tình trạng chỉ xuất hóa đơn chi tiêu Nhà nước; tình trạng nợ thuế; giải pháp hạn chế buôn lậu; tình trạng chuyển giá; cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành tài chính, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng…
Tra loi vong vo, Bo truong Dinh Tien Dung lien tuc bi nhac nho
 ĐBQH đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Dũng.
Trả lời chất vấn các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, về giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả kiểm tra chuyên ngành, bộ đã xây dựng đề án từ năm 2014 trình Chính phủ phê duyệt, trong đó giao trách nhiệm cho 13 bộ ngành phải cải cách hành chính; đến nay các bộ ngành đổi mới sửa đổi 200 danh mục với hàng trăm mặt hàng.
“Việc kiểm tra chuyên ngành có 28% thuộc trách nhiệm của hải quan, còn 72% thuộc trách nhiệm của các bộ ngành. Đây là khâu phải tháo gỡ để thúc đẩy giao lưu thương mại, hàng hóa qua biên giới. Hiện nay vẫn còn một số mặt hàng chịu nhiều hình thức quản lý, một hàng hóa thuộc nhiều đơn vị trong một bộ, hoặc nhiều bộ cùng quản lý, cần tập trung rà soát, chỉnh sửa”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng đưa ra ví dụ như sữa chua, sữa bột khi nhập khẩu phải có 2 giấy phép của Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT. Nghĩa là một sản phẩm phải có 2 giấy phép.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ đã phối hợp với các bộ ngành liên quan thành lập tổ kiểm tra chuyên ngành tập trung ở 10 địa phương có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn, nâng cao hiệu quả kiểm định hải quan để thông quan nhanh; cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác kiểm tra chuyên ngành; rà soát các mặt hàng đang chịu nhiều đầu mối kiểm tra để đơn giản hóa, chuyển mạnh sang quản lý rủi ro, giảm tiền kiểm, tăng hậu kiểm;...
Đồng thời, triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thuế, hải quan, kết nối đồng bộ với các bộ ngành;... Bộ trưởng khẳng định, trong 6 tháng đầu 2018 sẽ tạo chuyển biến căn bản trong thông quan hàng hóa.
Trả lời không đúng trọng tâm, Bộ trưởng Bộ Tài Chính bị nhắc nhở
Khi Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời về việc nhiều bộ quản lý một mặt hàng, Chủ tịch QH đặt câu hỏi cho Bộ trưởng: Vậy giải pháp của bộ trưởng là gì?.Trong những tháng còn lại năm 2017 và 6 tháng đầu 2018 thì ngành tài chính có phối hợp với các bộ để khắc phục được không?
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết khối lượng công việc nhiều.
“Như báo cáo, có 200 danh mục hàng hoá nhưng có đến trăm nghìn hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành nên các bộ phải tập trung. Hải quan chỉ chiếm 28% thôi, 72% là từ yêu cầu, quy định của các bộ, ngành”, Bộ trưởng cho biết.
Tra loi vong vo, Bo truong Dinh Tien Dung lien tuc bi nhac nho-Hinh-2
 Bộ trưởng Bộ Tài Chính - Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn.
Trả lời câu chất vấn của ĐBQH về nợ công, Bộ trưởng thừa nhận nợ công đang tăng rất cao, áp lực trả nợ lớn. Chúng ta phải có lộ trình để tránh bội chi trong áp lực nợ công.
“Bộ Tài chính đã có các báo cáo trình các cơ quan liên quan để kiểm soát tình trạng này, đảm bảo an toàn nợ công, đồng thời triển khai nhiều giải pháp hoàn thiện thể chế, thông qua luật quản lý nợ công sửa đổi, tăng cường quản lý nợ công, vốn ODA, sử dụng nợ công. Cụ thể, đầu tư nguồn vốn vay công chỉ tập trung các dự án quan trọng. Xác định rõ bội chi và lộ trình cắt giảm bội chi ngân sách hướng tới năm 2018 giảm còn 3,7%; năm 2019 là 3,6% và 2020 giảm xuống 3,4%.
Giải ngân vốn ODA ưu đãi trong giới hạn 300.000 tỷ đồng cả giai đoạn đến năm 2020. Có vấn đề phát sinh nhưng đến nay là năm thứ 2, đến năm 2018 vẫn nằm trong kế hoạch.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp tục nhắc Bộ trưởng Tài chính trả lời về nợ công.
“Trong thời gian qua chúng ta đã thực hiện nhiều biện pháp quản lý chặt nợ công như: Rà soát, hoàn thiện thể chế; quản lý sử dụng nợ công; quản lý sử dụng nguồn vốn vay ODA;... đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thuế, hải quan, kết nối đồng bộ với các bộ ngành;... xác định rõ mức bội chi ngân sách hằng năm; siết chặt bảo lãnh chính phủ; kiên quyết bám sát Nghị quyết 5 năm của Quốc hội trong chỉ đạo điều hành; bố trí cân đối nguồn bảo đảm trả nợ đúng hạn; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát;…”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời về vấn đề thuế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc nhở Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời thẳng vào câu hỏi, không vòng vo khi nêu câu chuyện thuế.
Bộ trưởng Dũng thừa nhận thói quen người mua hàng hiện nay là ít lấy hóa đơn, trả bằng tiền mặt... trong thời gian tới cần đẩy mạnh tuyên truyền để khắc phục tình trạng này. Hiện bộ đang xây dựng nghị định về quản lý hóa đơn điện tử, kết nối giữa thuế và ngân hàng để triển khai các giải pháp hạn chế dùng tiền mặt trong mua bán hàng hóa trên thị trường... Bộ trưởng cũng cho biết thời gian qua Bộ Tài chính đã quyết liệt triển khai công tác cải cách hành chính lĩnh vực tài chính, thuế, hải quan gắn với hiện đại hóa và đổi mới phương thức quản lý.
Khi trả lời vấn đề chống chuyển giá, Chủ tịch Quốc hội Kim Ngân tiếp tục nhắc Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng ưu tiên trả lời vấn đề chuyển giá và giải pháp khắc phục chuyển giá, bởi đây là vấn đề bức xúc của xã hội.
Bộ trưởng Dũng cho biết, thời gian qua đây là vấn đề bức xúc của xã hội và cử tri. Về khung khổ pháp lý, từ 1995 Bộ đã có văn bản hướng dẫn về kiểm soát triển giá, gần đây Bộ tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về vấn đề này (năm qua đã ban hành Nghị định, Thông tư); đồng thời Bộ cũng đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có sản xuất liên kết, trong năm 2016 kiểm tra hơn 1.000 doanh nghiệp, truy thu cả ngàn tỷ đồng; năm nay bộ cũng tiến hành hơn 1.000 cuộc thanh tra, kiểm tra, truy thu, truy hoàn thuế hơn 3.000 tỷ đồng...
Khi Bộ trưởng Tài chính trả lời câu hỏi của đại biểu Bùi Thu Hằng, Chủ tịch Kim Ngân nhắc lại câu hỏi của đại biểu không phải về khoán thuế mà là hỏi về câu chuyện giải pháp để xử lý thất thu thuế, ngân sách.
Kiến Thức tiếp tục cập nhật phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng…
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)