Tổng cục Hậu cần vào cuộc vụ tàu thép chục tỷ nằm bờ

Google News

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần (Bộ Công an) Nguyễn Văn Dự cam kết với Bình Định chỉ đạo doanh nghiệp thay vật liệu, máy mới cho tàu thép ngư dân mới bàn giao đã gặp sự cố.

Trước bức xúc của ngư dân Bình Định, thiếu tướng Nguyễn Văn Dự, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần (Bộ Công an) trực tiếp vào Bình Định điều tra vụ việc tàu thép do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng mới bàn giao đã gặp sự cố nằm bờ.
Tong cuc Hau can vao cuoc vu tau thep chuc ty nam bo
 Ngư dân Bình Định khốn khổ vì tàu thép mới bàn giao đã liên tục gặp sự cố nằm bờ. Ảnh: Minh Hoàng.
Cam kết thay vật liệu, máy mới cho tàu thép ngư dân
Trao đổi với Zing.vn trưa 17/6, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, ông Dự thừa nhận đơn vị thuộc Tổng cục Hậu cần đóng mới tàu thép cho ngư dân đã hư hỏng nằm bờ là "sự cố đáng tiếc".
"Ông Dự thống nhất với tỉnh là tháng 6 này Công ty TNHH MTV Nam Triệu khắc phục sự cố tàu thép cho ngư dân. Tàu nào không đúng vật liệu thì gỡ ra đóng lại, máy móc không đúng hợp đồng thì tháo ra thay mới chứ không sửa chữa chắp vá", ông Châu cho hay.
Tổng cục Hậu cần Bộ Công an cam kết chỉ đạo khắc phục khẩn cấp để ngư dân sớm ra khơi. Thời gian tàu nằm bờ thì doanh nghiệp có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ngư dân.
Tuần trước, ông Lê Hoàng Phong, Giám đốc Công ty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát (TP.HCM) cam kết thay máy mới Mitsubishi (Nhật Bản) cho các tàu thép Bình Định gặp sự cố. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Sinh (vợ ông Phong) lại nài nỉ chủ tàu thép huyện Hoài Nhơn xin sửa chữa máy hỏng.
Tong cuc Hau can vao cuoc vu tau thep chuc ty nam bo-Hinh-2
 Trần tàu thép của ông Mai Văn Chương (ngụ huyện Phù Cát) mới bàn giao đã gỉ sắt xuống cấp bong tróc từng mảng lớn. Ảnh: Minh Hoàng.
Chồng cam kết thay máy mới, vợ xin sửa máy cũ
Ông Nguyễn Chí Công, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn xác nhận, bà Sinh đến xin phép địa phương sửa máy tàu thép. "Bà than thở nếu thay toàn bộ 9 máy thủy hãng Mitsubishi thì không đủ khả năng tài chính nên xin được cải hoán. Tuy nhiên tôi yêu cầu họ thay máy mới Mitsubishi đúng theo hợp đồng đã ký với ngư dân", ông Công quả quyết.
Ngư dân huyện Hoài Nhơn phản ánh, bà Sinh xin thỏa thuận với các chủ tàu thép nếu đồng ý sửa máy, công ty sẽ bảo hành thêm một năm và hỗ trợ 100 triệu đồng cho chủ tàu. Chủ tàu thép Lê Hoàng Thanh (ngụ huyện Hoài Nhơn) bức xúc, máy thủy mới trị giá hơn 2,2 tỷ đồng mà bà Sinh yêu cầu sửa chữa, xin hỗ trợ 100 triệu đồng là khó chấp nhận.
"Ông Phong cam kết với tỉnh thay máy mới, giờ vợ của ông lại đi ngược ngõ sau nài nỉ xin sửa chữa. Họ làm như vậy là quá xem thường chúng tôi", ông Thanh ấm ức.
Trong diễn biến khác, ông Bùi Thanh Hải, Công ty TNHH ôtô Đông Hải mang linh kiện động cơ thủy Doosan đến Bình Định để lắp ráp cho tàu ông Trần Đình Sơn (ngụ huyện Phù Mỹ). Tuy nhiên, ông Sơn yêu cầu thay máy mới, kiên quyết không chấp nhận thay thế phụ tùng.
Tong cuc Hau can vao cuoc vu tau thep chuc ty nam bo-Hinh-3
 Đường ống, giàn cẩu trên tàu thép mới bàn giao cho ngư dân Bình Định gỉ sắt trông giống tàu đã qua sử dụng 10 năm. Ảnh: Minh Hoàng.
Ngư dân mệt mỏi đòi trả lại tàu thép
Ông Hải khăng khăng tàu gặp sự cố là do ông Sơn chưa quen vận hành. Không kìm được bức xúc, chủ tàu thép đã mời ông Hải cùng lãnh đạo ngành Nông nghiệp Bình Định xuống tàu kiểm tra thực tế. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng ghi nhận trong số 12 cái piston trong máy tàu, thì có 3 cái piston không đồng bộ, khác hẳn với 9 cái còn lại.
“Buồng máy phải đồng bộ thì máy nổ mới đều được, không đồng bộ thì buộc phải gồng và gãy trục "Nếu đơn vị cung cấp máy vẫn giữ quan điểm không thay máy mới thì tôi buộc trả tàu”, ông Sơn bức xúc.
Về vấn đề này, lãnh đạo Bình Định khẳng định nếu không đúng thiết bị máy thì các đơn vị cung cấp, doanh nghiệp đóng tàu buộc phải thay lại máy mới cho ngư dân. Tỉnh đang áp dụng các biện pháp, cơ quan điều tra cũng đã vào cuộc để bảo vệ quyền lợi chính đáng ngư dân.
Theo Minh Hoàng/Zing.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)