Thực hư bốn gốc kỳ nam được Bà Chúa trấn yểm cho "xứ trầm hương"

Google News

Cho đến nay câu chuyện về Bà Chúa xứ trầm (nữ thần Thiên Y A Na) đem chôn 4 gốc kỳ nam trên 4 ngọn núi theo các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc nhằm trấn yểm cho “xứ trầm hương” đến nay vẫn hư hư thực thực.

Vậy, thực hư câu chuyện trên như thế nào và có ai tìm thấy những gốc kỳ nam này chưa, chúng tôi đã gặp những cựu phu trầm và lên núi Hoàng Ngưu, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa), 1 trong 4 dãy núi được Bà Chúa xứ trầm trấn yểm, và cũng là nơi khởi nguồn về câu chuyện trên.
4 ngọn núi được Bà Chúa trấn yểm
Đến nay câu chuyện về Bà Chúa xứ trầm hương trấn yểm 4 gốc kỳ nam “khủng” được các phu trầm tin là có thật. Theo các phu trầm, 4 dãy núi đó là Hoàng Ngưu phía Đông, Hòn Dữ (Diên Khánh) phía Tây, Đồng Bò (TP Nha Trang) phía Nam và Hòn Bà (Ninh Hòa) phía Bắc…
Dãy núi Hoàng Ngưu, nơi tương truyền có chôn gốc kỳ nam khủng. 
Do đó, suốt mấy chục năm qua hàng ngàn phu trầm đã không quản ngại đường xa, vượt “rừng thiêng nước độc” lên 4 ngọn núi này ngày đêm “săn lùng”, đeo đuổi giấc mơ đổi đời vẫn chưa đến hồi kết thúc.
Một trong những dãy núi được dân "đi địu" thường xuyên lui tới là núi Hoàng Ngưu. Núi này cách trung tâm TP Nha Trang chừng 15km về phía Tây Bắc tựa như một dải lụa mềm uốn lượn vắt ngang chân trời và cũng là nơi khởi nguồn câu chuyện về những gốc kỳ nam.
Tương truyền rằng Thánh mẫu Thiên Y A Na sống với cha mẹ nuôi ở núi Đại An (còn gọi là núi Dưa), thuộc thôn Đại Điền Trung, xã Diên Điền (huyện Diên Khánh), sau này đắc đạo thường xuyên vân du khắp nơi để phổ độ chúng sinh.
Năm 1963, đại dịch hoành hành khắp nơi, nhân dân đói khổ. Bà Chúa mới từ núi Đại An bay sang núi Hoàng Ngưu, sau ba tiếng sấm nổ vang trời, một dòng nước trắng xóa tuôn ra từ lòng núi. Chuyện Bà ban nước thánh chữa bệnh thực hư thế nào không ai kiểm chứng, tuy nhiên tiếng đồn vang xa, người dân đến múc nước về chữa bệnh.
Ban đầu chỉ có người dân trong thành Diên Khánh đến cầu xin nước thiêng. Rồi sau đó nhiều dân ở quận khác trong và ngoài tỉnh cũng tìm tới gây chật đường chật sá. Chính quyền sở tại lúc này ra lệnh cấm không được nên sai lính canh đến giữ trật tự, thế nhưng đành bất lực vì cho lính canh đường này thì người dân lại tìm đường khác vào suối.
Về sau, tại đây để nhớ công đức của Bà, ở nơi hồ thấp nhất trong 3 hồ - nằm ở lưng chừng núi Hoàng Ngưu đã dựng lên ngôi chùa có thờ Bà Thiên Y A Na. Chùa gồm 2 phần Quan Âm Sơn Tự và Phổ Đà Sơn nhưng dân gian hay gọi với cái tên gắn liền với địa chỉ là chùa Suối Đổ (thuộc thôn Suối Đỗ, xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh).
 Chùa Suối Đổ nằm ở lưng chừng núi Hoàng Ngưu.
Trong cuốn “Xứ trầm hương” của nhà văn Quách Tấn có ghi chép lại tại Suối Đổ (trong địa phận làng Phước Trạch, vùng phía tây dãy núi Hoàng Ngưu), có một cây kỳ nam lớn đến bốn người ôm và dài cũng đến chín mười thước, nằm ngang qua suối, thường tỏa hương trầm ngan ngát. Đi ngoài xa thấy phảng phất mùi thơm nhưng lại gần thì không thấy gì cả.
Vì những người “đi địu” tin rằng vì trầm hương là của Bà Thiên Y A Na nên Bà cho ai thì người ấy được. Do đó, dân đi tìm trầm, trước khi vào rừng, đều phải đến nơi thờ Bà cầu khấn để xin Bà ban phước gặp được trầm.
"Bà ở đây linh thiêng lắm nên nhiều người dân đến đây cầu xin rất nhiều để được ban phước lành và sức khỏe tốt. Còn những người đến đây vì mưu lợi cầu xin tìm trầm thì Bà chẳng bao giờ cho ai lộc cả”, một người dân sống ở dưới chùa cho biết.
Những cuộc săn lùng chưa đến hồi kết
Anh Nguyễn Quang Sang (48 tuổi), nhà ở dưới chân núi thuộc thôn Suối Đổ, xã Diên Toàn cho biết, chuyện người dân đi tìm trầm kỳ ở núi Hoàng Ngưu, Suối Đổ là hoàn toàn có thật.
Trước đây vài chục năm về trước anh cũng từng theo các chú, các anh đi săn lùng kỳ nam theo lời đồn đại. Đoàn tìm trầm của anh gần 10 người đi từ ngày này qua tháng nọ, rồi kéo dài từ năm này sang năm khác lùng sục khắp nới không có cánh rừng và ngọn núi nào mà không tìm đến. Nhưng kết quả đều trở về tay không, chẳng tìm thấy kỳ nam.
“Dù đây là đất của Bà xứ trầm hương nhưng chẳng hề ai “ăn” được lộc hết. Tuy nhiên có một lần đoàn chúng tôi tìm thấy được cầy trầm lớn, có gốc đến khoảng 2 - 3 người ôm (không phải kỳ nam) chỉ lấy trầm pha ở phần ngọn, còn gốc vẫn chưa khai thác được. Tôi nhớ vị trí ngay chỗ ngã tư vách đá nằm ở đoạn giữa đường lên chùa hàng trăm mét, bên cạnh đó là một cây gạo lớn, nhưng giờ đây không còn nữa.
Dù chưa ai tìm thấy kỳ nam nhưng mấy chục năm nay dân "đi địu” vẫn không ngừng đến để tìm kiếm. Gần đây cũng có một tốp người tiếp tục lên đây săn kỳ nam. Nhóm này có mang theo cây bông màu trắng giống như hình con chuồn chuồn. Nghe nói bông này rất lợi hại, có thể “đón” được hướng gió đi từ trầm phát ra. Tuy nhiên tất cả những phu trầm đi tìm những năm gần đây đều chẳng tìm thấy được cả trầm lẫn kỳ”, anh Sang kể.
Còn ông Lê Minh Hiệp (56 tuổi) cũng ở thôn Suối Đổ phân trần, có thể gốc kỳ nam Bà trấn yểm chỉ là lời đồn đại nhưng mùi hương kỳ nam thi thoảng quyện trong gió được rất nhiều người cảm nhận thấy.
Cũng theo các cựu phu trầm, sở dĩ đến nay vẫn chưa có ai tìm được những khúc kỳ nam lớn bởi lòng thành, tâm đức vẫn chưa toại lòng Bà. Hơn nữa mục đích của Bà trấn yểm 4 gốc kỳ nam nhằm phổ độ chúng sinh, giúp người sống xung quanh, người đi rừng, làm rẫy không bị trúng độc. Bởi trầm và kỳ có tác dụng đuổi được khí tà độc, ô uế.
Trải qua bao bể dâu, câu chuyện trong dân gian về 4 gốc kỳ nam chôn ở 4 ngọn núi vẫn còn hư hư thực thực...
Và, sở dĩ chúng tôi tin vào câu chuyện này bởi cũng được nói đến trong “Xứ trầm hương” của thi sĩ Quách Tấn: Thời Pháp thuộc, từng có người tìm thấy cây kỳ nam của Bà: “Một viên chánh tổng tìm thấy cây kỳ, đem lễ vật đến cúng kính rồi lấy dây cột nơi gốc cây kéo dài ra cho đến chân núi để làm dấu, đoạn về nhà thuê người đem dây thừng đến khiêng. Khi trở lại, theo sợi dây để lên núi nhưng đến nơi thì thấy mối dây cột ở nơi khác, còn cây kỳ biến đâu mất, tìm mãi vẫn không thấy tăm hơi”.
Theo ông Châu Bá (60 tuổi), một cựu phu trầm quê ở xã Diên An (huyện Diên Khánh), ông cũng tin về chuyện này nên từng tìm đến Suối Đổ nuôi hy vọng “ăn” lộc Bà nhưng chưa được Bà ban cho. Với kinh nghiệm từng "đi địu" hơn 30 năm, ông Bá khẳng định chắc nịch chẳng bao giờ dân “đi địu” tìm được gốc kỳ nam “khủng” được Bà trấn yểm. Bởi nếu có đi chăng nữa thì nó cũng nằm sâu dưới lòng đất đá bất khả xâm phạm nên đừng tìm vô ích...
Khánh Hòa được mệnh danh là xứ sở của trầm hương, bởi ở vùng đất này có rất nhiều trầm hương thuộc loại tốt nhất trên thế giới. Theo các phu trầm hiện một ký kỳ nam có giá lên đến hàng chục tỷ đồng.
Cách phân biệt giữa trầm hương và kỳ nam: Trầm hương ít thơm, cứng, nặng, sắc nhạt, vị đắng; còn kỳ nam thì mềm, nhẹ, có hơi dầu, thơm mát, vị gồm đủ cay, chua, ngọt, đắng. Khi đốt trầm hương thì khói hết xoáy rồi sau mới tan, đốt kỳ nam thì hơi khói lên thẳng mà dài…

Theo Kim Sơ /Báo Nông Nghiệp

>> xem thêm

Bình luận(0)