Thú vị chuyện "ông Tây" 20 năm chăn ngựa, "mê" ngựa hơn... vợ

Google News

Về Hóc Môn nghe “ông Tây” kể về 20 năm đi chăn ngựa mới thấy nổi đam mê lấm lem bùn đất của ông không đến mức “rồ dại”.

Ông Tây đi chăn ngựa ở Hóc Môn, TPHCM tên là Jean Yves Baudron, có cha là một người lính Pháp và mẹ ông là người Việt Nam, do vậy ông là công dân Pháp nhưng gốc Việt. Năm nay 68, ông thuộc tuýp người “ưa tiếm lâm” và nói tiếng miền Nam đặc sệt. Hiện ông Baudron sống một mình ở ấp 1, xã Xuân Thới Sơn, Hóc Môn, người dân quanh xóm gọi ông là ông Ba Đồng, ông Tây chăn ngựa.
Ông Ba Đồng kể, ông sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn rồi làm rể ông Trần Ngọc Sơn. Ông Sơn là người “có chân” trong ban tổ chức trường đua ngựa Phú Thọ, chủ của con ngựa mang danh Thần mã Thoại Lang nổi tiếng. Sở dĩ người ta phong thần cho Thoại Lang vì từ năm 1967-1974 con ngựa này đã dành được 114 giải nhất, 6 lần vô địch đại hội (giải cao nhất về đua ngựa), cho đến nay thì chưa có con ngựa nào vượt qua được thành tích này.
Khi còn nhỏ Ba Đồng đã tham gia đua ngựa, năm 1968 thì tổ chức nuôi ngựa đua. Sau năm 1975, Ba Đồng đem vợ và ba con trai về Pháp. Tại Pháp, Ba Đồng “đổ mồ hôi hột” gầy dựng được một ga-ra chuyên sửa chữa, buôn bán xe hơi và thuê 10 người thợ phụ việc, gia cảnh của ông coi như đủ lực để “vi vu” với thiên hạ.
Cuộc đời ông chủ ga-ra xe hơi tưởng chừng yên vị ở nước Pháp đô hội song ông lại thực hiện một quyết định lạ đời là về lại Việt Nam làm nông dân đi chăn ngựa. Ông Trần Văn Hiệp (Bảy Hiệp, ngụ ấp Mỹ Hòa 3, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn là bạn thân của Ba Đồng, người đang sở hữu tới 16 chiếc cúp vô địch về đua ngựa sau 15 năm) cho biết: “Cha Ba Đồng là một người mê ngựa hiếm thấy, thậm chí mê ngựa hơn cả vợ. Một năm lão về Pháp chừng ba tháng còn đâu thời gian ở lại Việt Nam ăn cơm bụi và thức ngủ với ngựa”.
Ba Đồng thì giải thích niềm đam mê ngựa của mình rằng, ở bên Tây mười “đại gia” mới sở hữu được một con ngựa đua (vì giá cả trăm triệu đô), tui là “tiểu gia” nhưng sở hữu tới chục con ngựa chạy nhanh như gió là một cái thú mấy ai có được. Cái thú thứ hai khi mình bỏ công sức ra chăm sóc, thuần dưỡng ngựa mà nó cán đích đầu tiên trên đường đua khiến mình như lên tiên..
Thu vi chuyen ong Tay 20 nam chan ngua me ngua hon... vo
Ông Ba Đồng với một trong những con ngựa đua nổi tiếng của mình. 
Năm 1992, Ba Đồng sang Việt Nam và tổ chức nuôi ngựa đua với hình thức chuyên nghiệp. Đoàn ngựa đua của ông có hàng chục con, trong đó có những con nhập khẩu từ Pháp, Anh Quốc rất đắt như con Mã Trường Chi Bảo giá tới gần 70 triệu đồng thời đó (tương đương 70 cây vàng). Sau hơn 20 năm ông Ba Đồng đã đầu tư nhiều tỷ đồng vào việc chọn giống ngựa, nhập khẩu, nhân giống, nuôi, huấn luyện ngựa và tham gia các cuộc đua tại Việt Nam.
Trường đua Phú Thọ (quận 11, TP.HCM) xây năm 1932, tháng 5/2011 thì đóng cửa để thực hiện dự án thể thao phức hợp bậc cao. Khi còn trường đua,ông Ba Đồng còn có đồng vô đồng ra , từ khi trường đua đóng cửa thì hoạt động kinh doanh ngựa đua của ông xẹp dần. Hiện nay, trại nuôi ngựa đua của ông Ba Đồng ở Hóc Môn còn 9 con, trong đó cón những con như Nobel, Ansaphire (đều là dòng dõi của con ngựa tên Vang và Khứu - hai con ngựa Hoàng gia Anh Quốc tặng Việt Nam truóc đây và đang giữ chức vô địch ở Việt Nam) trước đây giá 500-600 triệu đồng/ con, nay chỉ còn 100-200 triệu đồng/con.
Nuôi ngụa đua là một nghề tốn kém, vất vả và rủi ro cao. Để duy trì trại ngựa, ông Ba Đồng thuê ba người giúp việc, hàng ngày ông cùng họ đi cắt cỏ, cho ăn, tắm rửa, dắc ngựa đi tập thể dục, lội nước và chăm sóc ngựa. Mỗi tháng, chi phí dành cho đàn ngựa ông Ba Đồng tiêu tốn gần 50 triệu đồng, xấp xỉ tiền lương hưu của ông.
Hơn 20 năm sống mái với đàn ngựa ở Việt Nam, nhiều điều bị hài ông Ba Đồng đã trải qua, trong đó có những chuyện khiến ông không thể “tiêu hóa” được. Ba Đồng kể, để không bị gian dối, mua chuộc khi ngựa tham gia đua, ông đưa về một thằng bé nuôi nấng và dạy cho nó làm nài (cưỡi ngựa lúc đưa ) khi nó mới lên 5 tuổi. Ông tự tay cho thằng bé ăn, tắm gội, đưa nó đi học, ngủ chung giường với ông như cha với con. Khi thằng bé trở thành một nài ngựa giỏi, đâu ngờ nó đã bán đứng ông.
“Ở Việt Nam giải thưởng đua ngựa thấp (giải nhất chỉ 6-10 triệu đồng), nài hưởng 10% giải thưởng, trong khi đám xã hội đen đặt cược hàng tỷ bạc một lần đua và chia cho nài 10% thì đã có cả trăm triệu đồng, vì thế nài ngựa không phản chủ mình mới là lạ” - ông Ba Đồng chua cay nói.
Tại khu vực miền Đông Nam bộ (TP.HCM, Bình Dương, Long An) trước đây có khoảng 4.000 con, trong đó có 1.200 con ngựa đua nhưng nay chỉ còn chưa đến 300 con, lý do trường đua Phú Thọ ngừng hoạt động, nghề nuôi ngựa đua thui chột do giá ngựa giảm mạnh, chủ ngựa đành bán rẻ cho người ta giết thịt nấu lẩu.
Trường đua Phú Thọ đóng cửa, dự án trường đua ngựa mang tầm quốc tế sẽ xây dựng tại TP.HCM, tại Đà Nẵng, Hưng Yên, Hà Nội, Lâm Đồng nhưng các dự án này đang ở thì tương lai. Trường đua cũ đóng cửa, trường đua mới chưa xây làm cho hàng nghìn con ngựa đua giống quý bị giết thịt và hàng nghìn người nuôi ngựa truyền thống thất nghiệp khiến cho ông Ba Đồng mất ăn mất ngủ vì thương tiếc.
Ông Bà Đồng nói với tôi, ở Pháp hiện có 20 trường đua ngựa, mỗi năm doanh thu hàng tỷ đô, các nước phương tây cũng rất phát triển ngành công nghiệp này. Ở Việt Nam, trường đua Phú Thọ nộp ngân sách cho thành phố hơn 20 tỷ và giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 5.000 người, bây giờ chỉ còn khoảng 800 người. Ngành công nghiệp ngựa đua rất có tiền lực để phát triển ở Việt Nam vì vậy chúng ta cần xúc tiến nhanh các dự án đua ngựa để làm giàu cho đất nước.
>>> Mời quý độc giả xem video Người đàn ông tuyển vợ kỳ lạ (nguồn Youtube):
Theo GĐVN

Bình luận(0)