Thủ tướng: "Trước khi gieo hạt cần biết thị trường tiêu thụ ở đâu?"

Google News

(Kiến Thức) - "Việc tìm thị trường là vai trò và trách nhiệm của Nhà nước, nhưng doanh nghiệp và người nông dân cũng phải tích cực chủ động. Trước khi gieo hạt cần biết thị trường tiêu thụ ở đâu", Thủ tướng nhấn mạnh trong cuộc đối thoại với nông dân.

Tại cuộc đối thoại được tổ chức sáng 9/4 tại TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các cơ quan khối Đảng, Quốc hội, các bộ, ngành và 500 nông dân có mặt tại hội nghị để cùng trao đổi, cùng giải quyết những vướng mắc, khó khăn đang đặt ra trong sản xuất nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay.
Vì sao 70% người dân sống ở nông thôn nhưng sản xuất nông nghiệp chỉ đóng 15-16% GDP?
Thu tuong:
 Quang cảnh cuộc đối thoại giữa Thủ tướng và nông dân.
Tại cuộc họp, Thủ tướng cho biết, ông rất trăn trở tại sao với 70% người dân sống ở nông thôn như hiện nay nhưng sản xuất nông nghiệp chỉ đóng góp cho GDP của đất nước 15-16%?
Điều này đặt ra cho sản xuất nông nghiệp nhiều vấn đề về: thị trường, đất đai, công nghệ, đầu ra cho nông nghiệp, nông thôn mới… Thủ tướng nhấn mạnh xây dựng nông thôn mới phải bao gồm cả hạ tầng và đời sống tinh thần của nhân dân.
Thu tuong:
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi đối thoại.
“Văn hóa tinh thần, tình làng nghĩa xóm là rất quan trọng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Thủ tướng khẳng định lợi thế nông nghiệp của chúng ta lớn. Chưa bao giờ nông thôn Việt Nam phát triển như hiện nay, nhưng vẫn có một bộ phận nông dân khó khăn, nghèo túng. Do đó, Chính phủ luôn sẵn sàng trao đổi, tạo điều kiện về pháp lý, cơ chế chính sách tốt nhất để nâng cao đời sống nhân dân.
Thủ tướng cũng thừa nhuận hiện nay vẫn có tình trạng được mùa rớt giá trong sản xuất nông sản. Thủ tướng yêu cầu phải tìm thị trường cho nông sản.
Việc tìm thị trường là vai trò và trách nhiệm của Nhà nước sẽ làm nhưng doanh nghiệp và người nông dân cũng phải tích cực chủ động. Trước khi gieo hạt cần biết thị trường tiêu thụ ở đâu”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Vấn đề khắc phục bất cập thị trường tiêu thụ, Thủ tướng yêu cầu phải đẩy mạnh quy hoạch, không thể sản xuất ào ào. Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của việc phát triển các nhà máy chế biến và kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhảy vào đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản.
Bên cạnh đó phải thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và xây dựng HTX để giúp nông dân tiêu thụ nông sản. Cần hình thành 6 nhà liên kết với nhau sẽ giúp tiêu thụ nông sản thành công gồm nhà nước, nhà khoa học, nhà băng, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà phân phối.
8 nội dung lớn cần triển khai
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh 8 nội dung lớn cần triển khai để phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nông thôn mới.
Về tầm nhìn phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thủ tướng chia sẻ một số nội hàm như xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài.
Hướng tới nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ.
Tập trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn; xây dựng lực lượng nông dân có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực.
Thu tuong:
 Các đại biểu tại cuộc đối thoại.
Thủ tướng cho rằng, các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Theo Thủ tướng, cần tập trung quyết liệt triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh phát triển chế biến sâu, sản phẩm mới, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm.
Cùng với đó, đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển doanh nghiệp ở khu vực nông thôn. Đồng thời, có giải pháp giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tối đa tình trạng bị động, dư thừa sản phẩm, phải giải cứu như thời gian qua.
Tăng cường dân chủ cơ sở, thường xuyên đối thoại với nông dân, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, nhất là Hội nông dân các cấp để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, nắm bắt khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ bà con, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng cho rằng, các Bộ, ngành, địa phương tăng cường cải cách hành chính, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp, phải sát cơ sở hơn. Khuyến khích các doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh rõ nét, tập trung xây dựng các chuỗi giá trị nông nghiệp, thực tâm thiết lập quan hệ đối tác với nông dân.
Lối đi nào cho các hộ nông dân riêng lẻ thời đại cách mạng 4.0:
Chúng ta là nước đang phát triển vì vậy phải lựa chọn cách làm phù hợp với cách mạng công nghệ 4.0; nhiều vùng nông thôn đã có kết nối điện thoại, internet, đây là một thành quả đáng ghi nhận, là nỗ lực của Chính phủ và nhiều bộ ngành. Cách mạng 4.0 thực chất là một cuộc cách mạng mới trên nền công nghệ thông tin, ở đó mọi người được kết nối được thông tin với nhau. Tới đây, Chính phủ có chủ trương xây dựng Hệ trí thức Việt số hóa.
Theo đó, tất cả các cách thức làm ăn hiệu quả sẽ được đưa lên đây, tất cả nông dân sẽ được kết nối với nhau thông qua hệ thống này. Đây sẽ là lối đi cho các hộ nông dân riêng lẻ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Vướng mắc nào trong việc cho vay vốn để phát triển nông nghiệp?
Hiện nay, cho vay phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp CNC, chúng tôi cũng đã triển khai trước gói cho vay 100.000 tỷ của Chính phủ. Nhưng việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn. Ngân hàng hiện không thiếu vốn, còn dư nợ vốn để cho vay. Tuy nhiên đầu tư vào nông nghiệp CNC đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, trong khi đó đầu ra chưa đảm bảo. Đây là rào cản khiến cho việc cho vay bị vướng mắc.
Để tháo gỡ những khó khăn, ngân hàng cũng sẽ cố gắng linh hoạt. Với những nông dân cho rằng không tiếp cận được nguồn vốn, theo tôi cũng chỉ là một vài cá biệt.
Ông Phạm Toàn Vượng- Phó Tổng GĐ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam.
Làm sao để không bị lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc?
Trung Quốc đang là thị trường lớn nhất, có sức tiêu thụ mạnh nhất. Lợi thế của chúng ta là nước láng giềng, lại có những mặt hàng nông sản mà nước bạn cần. Dẫn chứng cho thấy riêng mặt hàng nông sản tăng trưởng cao nhất, đạt 61%.
Việc một số sản phẩm của chúng ta bị ù ứ là do chủ yếu tiêu thụ qua kên không chính thống, đặc biệt là đường tiểu ngạch, đây là kênh mà cả ta và nước bạn đều không kiểm soát được chất lượng sản phẩm, không ký kết hợp tác giao thương nên khi nước bạn xiết chặt chúng ta lập tức gặp khó khăn.
Để không bị lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, cách duy nhất là chúng ta phải tích cực tìm kiếm, khai thác nhiều thị trường mới. Để xuất khẩu nông sản bền vững, ổn định, hiệu quả và tránh phụ thuộc vào một thị trường nhất định, Chính phủ đã và đang nỗ lực, kiên trì để mở rộng thị trường cho hàng hóa của Việt Nam, trong đó có nông thủy sản và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Bộ trưởng Bộ Công Thương – ông Trần Tuấn Anh.
Phải liên kết chặt chẽ thành chuỗi để đưa nông sản Việt đi xa:
Hiện tại, chúng ta đang thực hiện tái cơ cấu phấn đấu có thứ hạng trên bản đồ xuất khẩu nông sản. Việt Nam đang đứng thứ 18 trên thế giới về tổng thể. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Để phát triển hơn nữa, đưa nông sản Việt đi xa hơn nữa cần phải liên kết chặt chẽ với nhau, các chủ thể phải liên kết thành chuỗi. Đồng thời, liên kết chặt chẽ với người nông dân, đặt hàng cho nông dân với sản phẩm giống đầu vào hữu cơ, chế biến đi xuất khẩu.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT – Nguyễn Xuân Cường.
Thí điểm mô hình cho vay lưu động đến cấp xã, hạn chế tín dụng đen:
Riêng về vấn đề tín dụng đen, không phải các ngân hàng không đủ vốn cho người dân, thậm chí hệ thống ngân hàng có chi nhánh rải khắp các tỉnh, thành, xuống tận thôn bản. Tính thanh khoản đang rất dồi dào, nếu thiếu vốn NHNN lập tức bơm vốn nên chắc chắn không có tình trạng thiếu vốn.
Cái khó là người dân không tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng, lý do là tính minh bạch thông tin của người dân. Chính vì thông tin không minh bạch rõ ràng nên các ngân hàng không thể cho vay, bởi rất nhiều người vay vốn nhưng không sử dụng hiệu quả đồng vốn, hoặc sử dụng sai mục đích. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu, khiến các ngân hàng xiết chặt quy định cho vay.
Để hạn chế nợ xấu, gần đây Ngân hàng NN&PTNT đang triển khai thí điểm mô hình cho vay lưu động, trực tiếp đến xã. Nếu hiệu quả sẽ triển khai rộng, nhằm hạn chế tối đa tình trạng tín dụng đen.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Làm sao có thể đưa tri thức trẻ về nông thôn?
Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách liên quan để khuyến khích thanh niên, trí thức là con em nông dân về nông thôn làm việc, kể cả thu hút con em đi du học ở nước ngoài về nước làm ăn. Thực tế cho thấy, nhiều em đã trở thành tỷ phú, triệu phú khi còn rất trẻ. Chủ trương chung của chúng ta là khuyến khích trí thức trẻ chủ động tìm về nông thôn, tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp để làm ăn. Những năm gần đây, với nhiều thanh niên trí thức về nông thôn làm ăn hiệu quả và chắc chắn trong thời gian tới, tỷ lệ thanh niên trí thức về làm việc ở khu vực tam nông sẽ tăng lên.
Ông Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ LĐTBXH
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)