Thợ xăm Đắk Nông 5 năm gom 500 bào thai về chôn cất

Google News

Gần 5 năm nay, Ngô Quang Trung cùng nhóm bạn trong lang thang khắp nơi, tìm gom về những bào thai nhi bị vứt bỏ ven đường để đem về chôn cất.

Lần tìm tới tại căn nhà nhỏ khoảng hơn 20m2 ở Thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông), thoạt nhìn ít ai nghĩ rằng Ngô Quang Trung - chàng trai đang miệt mài xăm trổ những đường nét dữ dằn trên thân thể khách hàng lại là người đã ròng rã gần 5 năm nay đi nhặt những bào thai bị bỏ rơi đem về chôn cất.
Trung sinh ra ở tỉnh Thái Bình. Từ nhỏ, Trung đã có niềm đam mê hội họa. Để có được tấm bằng tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Thái Bình, chuyên khoa Mỹ thuật ,Trung đã phải vượt qua không ít những khó khăn.
Ngày cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay, loay hoay mãi mà không tìm được việc làm, Trung quyết định khăn gói tìm vào đất Tây Nguyên. Đất lạ quê người, những khó khăn cuộc sống nhiều lúc tưởng chừng đã quật ngã ý chí lập nghiệp của chàng trai trẻ.
Trong con mắt mọi người, nghề xăm hình không được đón nhận và nhiều người cũng có con mắt ác cảm với những ai xăm hình. Nhưng Trung vẫn quyết định mày mò mở tiệm, mưu sinh bằng cái nghề mà mình yêu thích.
Trong những lần cùng bạn bè dạo chơi, chứng kiến cảnh những bào thai nhi bị vứt bỏ ven đường, điều đó đã ám ảnh chàng trai trẻ.
"Các bào thai đâu có tội. Nhìn các thai nhi bị ruồi, kiến bâu, tôi cảm thấy xót xa....", Trung bộc bạch.
Vì vậy, cứ có thời gian rảnh, Trung lại lang thang trên phố tìm nhặt những bào thai vô tội ấy mang về chôn cất.
Nhìn Trung đi gom nhặt thai nhi, nhiều người bạn khác như cảm nhận được cái đau của những bào thai vô tội nên họ kết lại với nhau.
Năm 2012, nhóm "Hành trình Yêu thương" ra đời. Không chỉ đi nhặt những bào thai, nhóm chia nhau tìm hiểu những phụ nữ lỡ dại, khuyên nhủ họ yêu quý những sinh linh bé bỏng, đồng thời mở rộng thông tin để tìm đến những nơi có bào thai bị vứt bỏ, mang về để lo mai táng.
Tho xam Dak Nong 5 nam gom 500 bao thai ve chon cat
 Anh Trung chia sẻ với phóng viên VTC News. (Ảnh: Thanh Hải)
5 năm hoạt động, Trung cùng các bạn trong nhóm đã tìm được hơn 500 bào thai bị bỏ rơi. "Họ biết chúng tôi làm công việc này, nên nhiều người sau khi phá bỏ thai đã chỉ chúng tôi đến nơi họ vứt bỏ thai nhi để mang về an táng. Thậm chí có người mang đến treo ở cổng nhà để tôi chôn cất ở nghĩa trang cho tử tế. Có nữ sinh sau khi phá bỏ, nhờ bạn trai mang thai nhi đến nhờ tôi chôn cất...", Trung kể.
Bất kể nắng hay mưa, chỉ cần có thông tin bào thai bị vứt bỏ, nhóm lại chia nhau tìm đến tận nơi mang về. Không ít lần, nhiều thành viên của nhóm phải rùng mình trước cảnh thai nhi bị vứt bỏ, nhưng rồi nghĩ tới đứa trẻ xấu số họ lại tiếp tục làm cái công việc đã chọn.
"Không ít lần tôi quyết định rời bỏ mọi chuyện ở đây về quê. Bước ra đường rồi, nhưng lòng cảm thấy khó chịu, cảm giác như có một điều gì đó níu tôi ở lại.... Vậy là chúng tôi đã làm được 5 năm", Trung bồi hồi kể.
Tho xam Dak Nong 5 nam gom 500 bao thai ve chon cat-Hinh-2
 Khu nghĩa trang để chôn cất các thai nhi bị cha mẹ bỏ rơi, vứt bỏ được nhóm 'Hành trình yêu thương' mang về chôn.
Ở nghĩa trang Gia Nghĩa (xã Đắk Nia), men theo sườn đồi vắng, giờ có một nghĩa trang đặc biệt khoảng 30m2. Gọi là nghĩa trang nhưng chỉ có một mộ huyệt duy nhất. Trong mộ huyệt ấy là nơi yên nghỉ của hơn 500 sinh linh nhỏ bé. Những đứa trẻ đáng thương bị vứt bỏ ấy chưa một lần nhìn thấy mặt trời.
Tho xam Dak Nong 5 nam gom 500 bao thai ve chon cat-Hinh-3
 Những thai nhi bị bỏ được nhóm Trung chôn cất.
Trong lúc trò chuyện, Trung nhận được điện thoại từ một người quen biết gọi đến nhặt 1 thai nhi vừa bị bỏ rơi tại bệnh viện. Trung vội vàng chuẩn bị mọi thứ để lên bệnh viện.
"Nhiều người cho rằng mình làm những chuyện điên dại, có người còn nói tụi tôi vì lợi ích riêng mà làm. Mới nghe cũng buồn lắm, nhưng thôi kệ, Nếu ai đó làm bằng cái tâm thì họ sẽ thấu hiểu về chúng tôi hơn", Trung nói.
Đồ nghề của Trung đơn giản chỉ là những hộp nhựa. những chiếc hộp này là nơi yên nghỉ cuối cùng của những thai nhi xấu số. Ở trên nắp chiếc hộp đó, những đứa trẻ không có khai sinh sẽ được những người trong nhóm của Trung viết những dòng khai từ, ghi rõ lại nơi nhận, ngày - tháng - năm.
Những đứa trẻ được quy tập lại, khi nào đủ 10 hộp, sẽ được nhóm của Trung mang ra nghĩa trang để chôn cất. "Hôm Trung Thu vừa qua, có bé bị bỏ rơi chúng tôi đã mang thi thể về và đặt cho bé là Trung Thu để tiện cúng vái", Trung kể vậy.
Việc làm của Trung và các bạn được chính quyền địa phương đánh giá cao. Một lãnh đạo địa phương nhận xét, Trung là người sống hòa thuận, hiền lành, sẵn sàng giúp đỡ mọi người . Trung là người có tâm, được nhiều người yêu mến và làm công tác xã hội tốt.
Theo Thanh Hải/VTC

>> xem thêm

Bình luận(0)