Tạm đình chỉ bác sĩ phẫu thuật bướu cổ làm đứt thực quản

Google News

Bác sĩ phẫu thuật cắt bướu cổ làm đứt thực quản của bệnh nhân để lại di chứng nặng nề ở Đồng Tháp đã bị tạm đình chỉ.

 Chị Phạm Thị Đen tiều tụy và phải đổ thức ăn qua đường ống sau phẫu thuật cắt tuyến giáp nhưng bác sĩ cắt luôn thực quản - Ảnh Ngọc Tài.
Chiều 4/5, ông Trần Văn Lườm, Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp, cho biết đã tạm đình chỉ hoạt động chuyên môn bác sĩ Lê Văn Bé Ba, trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp vì có nhiều lỗi kỹ thuật trong các ca phẫu thuật.
Trong số đó, ca phẫu thuật nội soi cắt tuyết giáp qua đường nách (một kỹ thuật mới và khó thực hiện) của chị Phạm Thị Đen, bác sĩ Bé Ba đã giao cho một bác sĩ khác chưa đủ năng lực, không qua tập huấn của bệnh viện tuyến trên, không đủ pháp nhân thực hiện dẫn đến đứt thực quản của bệnh nhân.
Cắt bướu cổ làm đứt thực quản
Chị Phạm Thị Đen (25 tuổi, ngụ xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) phát hiện trên cổ có khối u lạ bằng đầu đũa ăn.
Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp chẩn đoán là u lành tính và khuyên phẫu thuật cắt khối u bằng kỹ thuật nội soi tuyến giáp qua đường nách để đảm bảo thẩm mỹ.
Gia đình chị Đen cứ nghĩ đây là phẫu thuật đơn giản, tuy nhiên không ngờ được sau khi phẫu thuật để lại di chứng nặng nề.
"Hai ngày sau mổ cơ thể em tôi sưng vù nhất là vùng mặt và cổ. Bác sĩ Bé Ba khám rồi đẩy vô phòng mổ để làm gì đó mà không nói rõ với gia đình. Sau này bác sĩ này mới giải thích là phẫu thuật lần trước thất bại, những ca như vậy ông phải phẫu thuật lại", anh Phạm Duy Khánh, người nhà của chị Đen, cho biết.
Cũng theo lời kể của gia đình sau ca mổ thứ 2 chị Đen vẫn trong tình trạng giảm cân nhanh, xanh xao, vết mổ thường xuyên chảy ra dịch màu vàng, càng về sau dịch chuyển sang màu đen.
Nhiều lần người nhà yêu cầu chuyển lên bệnh viện tuyến trên nhưng bác sĩ Bé Ba không đồng ý và cam đoan sẽ không có vấn đề gì.
"Hôm đó, bác sĩ Bé Ba đi vắng, bác sĩ khác cho đi nội soi rồi tức tốc cho chuyển viện liền. Lên tới Bệnh viện Chợ Rẫy bác sĩ kêu trời nói nếu đi trễ 1 ngày là khỏi cứu rồi", ông Phạm Văn Thương cha của Đen kể lại.
Hiện tại, bệnh nhân Đen vẫn không thể ăn bằng đường miệng mà phải đổ thức ăn xoay nhuyễn qua đường ống.
Ngoài ra, bệnh nhân này còn giảm hơn 13kg so với trước phẫu thuật và trước mắt sẽ phải tiến hành nhiều cuộc phẫu thuật vá thực quản.
"Con tui còn quá trẻ, còn cả tương lai phía trước ai có ngờ đi mổ bướu bằng ngón tay lại bị biến chứng nặng nề như vậy", ông Thương bùi ngùi.
Sử dụng chỉ y khoa không hợp lý
Chiều 4-5, trong hội nghị giao ban báo chí tỉnh Đồng Tháp, Sở Y tế và Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp đã có những thông tin phản hồi về các ca phẫu thuật do bác sĩ Bé Ba thực hiện.
 Ông Nguyễn Văn Hai - giám đốc bệnh viện đa khoa Đồng Tháp (đứng) trả lời thông tin liên quan đến các ca phẫu thuật gây biến chứng nặng ở bệnh viện - Ảnh Ngọc Tài.
Ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, xác nhận phẫu thuật nội soi tuyến giáp qua đường nách của bệnh nhân Đen có lỗi kỹ thuật của phẫu thuật viên làm đứt thực quản.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về việc bác sĩ Bé Ba được giao nhiệm vụ phẫu thuật viên chính nhưng để bác sĩ khác thực hiện, trong khi bác sĩ này chưa đủ năng lực, chưa tham gia tập huấn nội soi tuyến giáp của bác sĩ tuyến trên, ông Hai xác nhận ca phẫu thuật có sự tham gia của bác sĩ Nguyễn Anh Duy là phẫu thuật viên phụ.
"Bác sĩ Bé Ba cho bác sĩ Duy trực tiếp mổ nhiều hơn nhưng trong y học chuyện này là bình thường nếu không được mổ thì biết chừng nào giỏi", bác sĩ Hai phân trần.
Liên quan đến phản hồi của bệnh viện tuyến trên về việc sử dụng chỉ y khoa chưa hợp lý bác sĩ Hai xác nhận chỉ y khoa được sử dụng không phải chuyên dùng cho thực quản nhưng… vẫn có thể dùng được trong trường hợp này.
Thông tin từ Sở Y tế Đồng Tháp, bác sĩ Bé Ba đã bị tạm đình chỉ hoạt động chuyên môn chờ quyết định của hội đồng kỷ luật.
Sau khi phẫu thuật có tai biến, nhận được phản hồi của Bệnh viện Chợ Rẫy, ban giám đốc bệnh viện đều thành lập hội đồng chuyên môn để họp rút kinh nghiệm.
Ngoài ra, đã chỉ đạo tạm ngừng thực hiện các kỹ thuật phẫu thuật tá tụy, nội soi cắt tuyến giáp qua đường nách tại bệnh viện.
Sau đó, sẽ có kế hoạch đào tạo lại theo góp ý của tuyến trên, đồng thời có hình thức xử lý đối với ê-kíp phẫu thuật.

Lỗi kỹ thuật không mong muốn

Ngoài trường hợp của Đen, bệnh nhân Đ.T.X (59 tuổi) được bác sĩ Bé Ba phẫu thuật tá tụy nhưng bị tai biến kỹ thuật sau đó tử vong.

Cụ thể, theo Sở Y tế Đồng Tháp nhận định phẫu thuật cắt tá tụy của bệnh nhân Đ.T.X là phẫu thuật lớn trên bệnh nhân ung thư với tiên lượng nặng.

Theo ghi nhận của y văn tỷ lệ tai biến bục miệng nối chiếm 5-7%. "Đây là tai biến không mong muốn của các nhà phẫu thuật viên. Chúng tôi rất mong được sự thông cảm của gia đình người bệnh", theo Sở Y tế Đồng Tháp.

Ngoài ra, Sở Y tế còn bác bỏ thông tin Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp tự ý triển khai các kỹ thuật chưa được chuyển giao gây chết người.

Các kỹ thuật này đã được chuyển giao, phê duyệt của Sở Y tế cho phép thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp.

Tuy nhiên khi bệnh viện tuyến trên có phản hồi về các tai biến phẫu thuật bệnh viện đã lập tức dừng các kỹ thuật này.

Theo Ngọc Tài/Tuổi Trẻ

>> xem thêm

Bình luận(0)