Săn bắt cướp thời @

Google News

Trong thời đại Internet, tội phạm công nghệ cao thực hiện hành vi của mình và một thế hệ săn bắt cướp qua mạng ra đời với nhiều “dũng sĩ” bắt cướp online.

Tội phạm công nghệ cao ngày nay rất phổ biến và có thể nói là mỗi ngày chúng gây ra số vụ lừa đảo không kém các vụ cướp giật. Bọn tội phạm mạng ngụy trang rất kỹ, có khi chúng giả vờ là kỹ sư tin học, thậm chí doanh nhân, Việt kiều, nghệ sĩ…
Nở rộ tội phạm mạng
Thủ đoạn của bọn tội phạm mạng này là vào các trang mua bán trên mạng, vào các diễn đàn mua bán đồ cũ đồ mới, lập các nick khác nhau, rao bán điện thoại, xe máy, thậm chí ôtô… rồi dụ người mua đến chỗ đông người, lừa khi sơ hở đánh tráo hàng thật sang hàng nhái lừa lấy tiền đặt cọc hoặc bán hàng giả, hàng hư hỏng không có bảo hành rồi nhanh chân trốn biệt.
Theo thống kê của Câu lạc bộ săn bắt cướp online, khoảng 60% các cuộc điện thoại, đơn thư tố giác của người bị hại liên quan đến lừa đảo gửi tới các nhóm săn bắt cướp có liên quan đến mạng xã hội và các diễn đàn mua bán online.
Những tên tội phạm cũng như “người vô hình” vì chúng chỉ vào các tiệm net, các quán cà phê… để vào mạng, tìm cách lừa các nạn nhân, chứ chúng không có địa chỉ và địa bàn cố định.
San bat cuop thoi @
Đối tượng thực hiện hành vị cướp giật bị các hiệp sĩ bắt giữ giao nộp cơ quan chức năng. 
Hầu như ngày nào câu lạc bộ săn bắt cướp cũng nhận được điện thoại và tin nhắn rằng nhiều người khác cũng từng bị đối tượng này lừa lấy tiền cọc mà không giao sim, người bị hại từ Hà Nội vào TP.HCM, chỗ nào cũng có.
Những tháng gần đây, rộ lên hiện tượng lừa đảo tinh vi là bán điện thoại di động đắt tiền rồi lừa đảo. Thủ phạm lên mạng rao bán các điện thoại mới nhất, giá rất cao. Khi người mua tới nơi, chúng cho xem điện thoại, thậm chí có cả giấy bảo hành, nhưng sau đó vờ mượn để xóa dữ liệu cá nhân, rồi tráo điện thoại mô hình vào, bỏ trốn.
Ngoài ra, những cuộc tình qua mạng xã hội cũng kéo theo các vụ lừa đảo các nạn nhân. Một số trường hợp lừa đảo bằng cách lừa tiền, tình, dùng thẻ tín dụng của người tình để rút tiền tiêu xài rồi bỏ trốn.
Săn bắt cướp thời @
Nhóm của Hiếu Long thành lập vào năm 2013 song cách làm việc hoàn toàn khác với các nhóm bắt cướp đường phố, chủ yếu dựa vào tin học. Họ lập facebook, công khai danh tính, điện thoại, địa chỉ chứ không hoạt động âm thầm như săn bắt cướp thế hệ cũ.
Long nói: “Khi hoạt động trên Facebook, chúng em có thể làm được nhiều việc hơn, chẳng hạn tư vấn khuyến cáo mọi người cách phòng trộm cướp ra sao. Hướng dẫn người dân khi bị cướp giật thì nên trình báo như thế nào. Cũng qua internet mà rất nhiều người đã tố giác tội phạm, giúp nhóm triệt phá”.
“Nhờ có Internet, các thiết bị ghi hình hiện đại như camera của người dân, điện thoại người dân quay và chụp hình cung cấp mà các thủ đoạn trộm cướp dù hiện đại tới mấy, cũng sớm bị phát hiện và chia sẻ để mọi người đề phòng, tố giác tội phạm, còn nhóm thì có phương án tìm ra thủ phạm”, Long chia sẻ.
Đầu tháng 6, nhóm của Long vừa hỗ trợ người dân bắt giữ một tên chuyên lừa đảo bán sim số đẹp trên mạng. Tên này rao bán sim số đẹp lên tới hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng. Khi khách hàng tới mua, thủ phạm không giao sim ngay mà biện lý do này nọ, yêu cầu phải đặt cọc trước một số tiền, nhưng sau đó không chịu giao sim cho khách hàng.
Nhờ có nhiều người cùng tố giác lên Facebook của Long, nhóm đã đi cùng khách hàng, giữ tên lừa đảo, đưa lên cho công an xử lý. Long nói: “Với những kẻ lừa đảo, chúng em là săn bắt cướp nên không có quyền bắt giữ người, nhưng có thể hỗ trợ người bị hại đưa bọn lừa đảo lên công an, tránh việc chúng trốn chạy hoặc hãm hại người bị lừa đảo”.
Đối diện với hiểm nguy
Các thành viên câu lạc bộ bắt cướp online TP.HCM cho biết: “Mỗi ngày chúng em nhận 20 -30 cuộc gọi nhờ giúp đỡ. Đa số mất xe, chiếm 40%, bị cướp giật 20%, 40% bị trộm cắp. Họ chia sẻ hình ảnh camera để nhờ mình cố gắng bắt.
Câu lạc bộ chỉ xử lý được 40% các vụ ở các mức độ khác nhau, trong đó có cả việc hướng dẫn người dân trình báo với các cơ quan chức năng, vì nhiều người bị cướp nhưng cũng chưa có thói quen trình báo với cơ quan chức năng”.
Thủ phạm chung quy có ba loại. Trôm do nghiện và ăn trộm vặt, có gì trộm nấy, thậm chí trộm cả ghế bán hủ tiếu, xe đạp. Có đối tượng vào siêu thị ăn trộm đồ ăn. Trộm do mới ra tù, muốn kiếm số vốn làm ăn (chiếm 30% số vụ mà bên săn bắt cướp online bắt được”.
Nguy hiểm nhất vẫn là những băng nhóm cướp giật chuyên nghiệp, hoạt động ở một số địa bàn gần sân bay và các bến xe. Thủ đoạn tàn bạo và khó phát hiện, khó truy đuổi.
Nếu như săn bắt cướp trước đây diễn ra khá âm thầm, các đối tượng không biết ai là người bắt cướp thì săn bắt cướp online ngày nay mọi thứ đều được công khai, như một “ván bài lật ngửa”.
Hiếu Long, người “hiệp sĩ” online tự giới thiệu: “Trong thành phố có một số nhóm săn bắt cướp, riêng nhóm em đã bắt hàng trăm vụ. Có tháng làm 4-5 vụ. Chủ yếu là do người dân tố giác, gửi băng hình”.
Hiếu Long nói: “Chúng em công khai tên tuổi, hình ảnh, số điện thoại trên mạng online để mọi người tin tưởng, tiện liên lạc. Do vậy, các đối tượng xấu cũng biết và nhiều lần dọa dẫm đòi đâm chém. Chúng em cũng lịch sự nói rằng cách tốt nhất là các ông không nên làm những việc sai trái nữa, nên tìm việc tốt để làm giúp ích cho bản thân và cho cuộc đời”.
Trần Nguyễn Anh/Tiền phong

>> xem thêm

Bình luận(0)