Quy định về nổ súng tiêu diệt dễ khiến cảnh vệ lạm dụng

Google News

Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) băn khoăn trước quy định nổ súng áp dụng đối với cảnh vệ.

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Cảnh vệ chiều 21/11, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) băn khoăn trước quy định về nổ súng đối với những trường hợp lực lượng này.
Cụ thể, theo Điều 23 dự thảo, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ được nổ súng: Để cảnh báo kẻ đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ; để gây thương tích cho nghi phạm đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn cảnh báo nhưng không hiệu quả; để tiêu diệt người đang có hành vi tấn công trực tiếp cảnh vệ hoặc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ.
Ngoài ra, lực lượng cảnh vệ còn được nổ súng trong một số trường hợp khác, quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình ý kiến ĐBQH về dự án luật Cảnh vệ. 
Thượng tướng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam Nguyễn Văn Được (ĐBQH Hà Nội) nói: “Quy định tại điểm c khoản 2 Điều 23 cho phép cảnh vệ nổ súng “tiêu diệt người có hành vi tấn công trực tiếp cảnh vệ hoặc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ” rất dễ bị lạm dụng trong thực tế. Nếu hành vi tấn công không thực sự nguy hiểm thì sao? Nếu chỉ cần có hành vi tấn công trực tiếp là được nổ súng tiêu diệt thì không được”.
Thiếu tướng, Phó chính ủy Quân khu I Dương Văn Thông (Bắc Giang) cũng đồng tình với quan điểm này và nói thêm quy định trên “có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc”.
Phát biểu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng những ý kiến góp ý trên của các đại biểu là hợp lý.
“Chính phủ dự kiến sẽ chỉnh lý điểm c khoản 2 Điều 23 theo hướng quy định cụ thể, để vừa đảm bảo quyền công dân đồng thời vẫn tạo điều kiện để lực lượng cảnh vệ hoàn thành nhiệm vụ” - ông Tô Lâm nói.
Theo Đức Minh/Pháp Luật TP.HCM

Bình luận(0)