Phóng viên chiến trường - Nghề không dành cho những kẻ “thích thể hiện“

Google News

Phóng viên chiến trường thường được coi là loại hình báo chí nguy hiểm nhất nhưng mặt khác cũng là lĩnh vực "danh giá" nhất của nghề báo.

Nghề phóng viên chiến trường đã xuất hiện từ rất lâu, cùng với sự ra đời của ngành báo chí. Trước khi báo chí hiện đại ra đời, thông thường các bài báo, câu chuyện dài sẽ được viết ra khi cuộc chiến tranh hoặc xung đột đã kết thúc. Những phóng viên chiến trường đầu tiên xuất hiện từ Chiến tranh La Mã – Ba Tư rồi đến thế kỷ 18 là cuộc Cách mạng Mỹ.
Phóng viên chiến trường theo kiểu hiện đại đầu tiên được cho là họa sĩ người Hà Lan, Willem van de Velde, vào năm 1653 khi ông trực tiếp tới vùng biển để quan sát trận hải chiến giữa người Hà Lan và người Anh. Lĩnh vực báo chí này đã có một sự thay đổi mạnh mẽ và đột biến nhất trong cuộc Chiến tranh tại Việt Nam khi các hãng tin tức trên khắp thế giới không chỉ cử phóng viên tới thực địa mà còn mang theo cả đội ngũ quay phim để ghi lại những video chân thực nhất ở chiến trường.
Những nguyên tắc cơ bản của phóng viên chiến trường
Dù các cuộc chiến tranh xâm lược hay chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đã lùi xa một thời gian, song trên thế giới hiện nay vẫn còn rất nhiều điểm nóng xung đột, nội chiến và vì thế ở đó cũng không thể thiếu sự có mặt của lực lượng phóng viên chiến trường.
Phóng viên chiến trường là nghề đã xuất hiện từ lâu. Nguồn: Newstateman 
Theo Viện An toàn Tin tức Quốc tế (INSI), để làm một phóng viên chiến trường cần phải có kế hoạch và sự chuẩn bị chu đáo cả về mặt thể chất và tinh thần. Hầu hết các vùng xung đột đều yêu cầu người phóng viên phải có khả năng ít nhất là chạy, trốn và chịu đựng những điều kiện khắc nghiệt. Điều cần thiết theo INSI là phóng viên nên tham gia một khóa học trong môi trường thù địch bao gồm những bài học huấn luyện an ninh và cứu thương cơ bản trước khi dấn thân vào thực địa. INSI cũng cung cấp những khóa đào tạo như vậy cho các hãng tin tức.
Ngoài ra, một phóng viên chiến trường cần phải nắm rõ thông tin về khu vực mà mình đến, về người dân cũng như nguồn gốc của cuộc xung đột. INSI đưa ra lời khuyên rằng, cần phải học các cụm từ địa phương hữu dụng, bao gồm cả các từ dành riêng cho “báo chí nước ngoài” hay “nhà báo”. Tìm hiểu các ngôn ngữ cử chỉ địa phương cũng rất quan trọng.
INSI còn khuyên các phóng viên chiến trường nên mang theo những công cụ phòng thân hợp lý cùng một bộ đồ sơ cứu cơ bản. Bên cạnh đó, phóng viên chiến trường nhất thiết phải đeo một chiếc vòng tay nhận diện quốc tế với y hiệu (biểu tượng hai con rắn quấn vào nhau trong y học) cũng như có một số thông tin về tiền sử dị ứng và nhóm máu.
Về trang phục, nên mặc những trang phục dân thường trừ khi bạn được công nhận chính thức là một phóng viên chiến trường và được yêu cầu mặc trang phục đặc biệt. INSI cho biết, các phóng viên nên mặc đồ màu tối, không nên mặc đồ sáng màu và quá nổi bật, không đeo trang sức hay mang theo các vật dụng đắt tiền.
Phóng viên chiến trường phải được trang bị quần áo chống đạn, mũ bảo hiểm và những trang phục thích hợp khác. Nguồn: CJR 
Về trang thiết bị và đồ chống đạn, cần chuẩn bị để mặc áo chống đạn, áo giáp, mũ bảo hiểm, mặt nạ chống độc. Tránh mang những đồ vật lấp lánh hay các gương phản chiếu bởi dưới ánh sáng mặt trời, trông chúng sẽ rất giống vệt súng lóe lên.
Thêm một vấn đề nữa mà INSI cảnh báo, đó là cần phải hợp tác với lực lượng quân đội từ trước khi tác nghiệp. Rất nhiều binh lính ở chiến trường không được huấn luyện tốt, thiếu kinh nghiệm và rất dễ sợ hãi. Họ sẽ bắn ngay khi họ cảm thấy bất an. Đừng cho là họ có thể nhận ra phóng viên chiến trường nhất là trong tình trạng chiến đấu dày đặc. Ngoài ra, nên có sự đồng ý của quân đội trước khi chụp hình hay quay phim và nắm rõ tính nhạy cảm địa phương trong mỗi bức hình của mình.
Luật quốc tế bảo vệ phóng viên chiến trường
Ngày càng nhiều nhà báo chuyên nghiệp đứng trước nguy cơ bị thương, bị giết, bị giam cầm hay bắt cóc khi đang tác nghiệp tại những khu vực chiến sự. Robin Geiss, chuyên gia luật của Hội Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC), đã phân tích những điều luật quốc tế hiện hành để bảo vệ các phóng viên chiến trường.
Công ước Hague (điều 13) và Công ước Geneva (điều 81) đã đề cập đến quyền và nghĩa vụ của “các phóng viên chiến trường”. Theo đó, họ được gửi đến các khu vực chiến sự để đưa tin và phải được đối xử như các tù binh dân sự khác nếu bị một trong các bên tham chiến bắt giữ. Những quy định này có lẽ chỉ phù hợp với thời đại chiến tranh quy ước quốc tế khi các chính phủ còn kiểm soát các nhà báo, còn ngày nay các quy định này khó có thể được chấp nhận, vì đa số các nhà báo làm việc cho các công ty tư nhân độc lập với các chính phủ.
Hai văn kiện được coi là mới nhất về lĩnh vực này là Công ước Geneva cuối thập niên 1960 và hai nghị định thư bổ sung công ước này năm 1977, ghi rõ rằng các phóng viên hoạt động độc lập phải được đối xử như những dân thường. Điều 70, Phụ lục 1, Công thức Geneva thứ ba khẳng định các nhà báo được hưởng đầy đủ quyền lợi và sự bảo vệ giống như dân thường trong các khu vực xung đột vũ trang quốc tế.
Các phóng viên cần làm gì để đảm bảo an toàn khi đưa tin về chiến sự Syria?
Một trong những khu vực nóng nhất thế giới hiện nay là cuộc nội chiến ở Syria. Chính phủ Damascus luôn tìm cách hạn chế tối đa các phóng viên nước ngoài tác nghiệp tại nước mình. Họ chỉ cấp visa cho nhà báo trong những trường hợp đặc biệt và chỉ cho phép các phóng viên nước ngoài đi theo các tour do nhà cầm quyền hướng dẫn.
Vì thế, để có thể đưa tin về cuộc xung đột này, phóng viên nước ngoài chỉ còn có một lựa chọn khác là đi theo quân nổi dậy. Các phóng viên nước ngoài ở Syria cho biết khi đi theo quân nổi dậy, họ có thể đi đâu, làm gì tùy ý. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là họ phải rơi vào thế đối đầu không mong muốn với quân đội chính phủ và hứng chịu mọi vũ khí hạng nặng của quân chính phủ trút xuống, từ tên lửa đến bom sát thương cao. Đó là chưa kể tới việc họ phải sống giữa các nhóm phiến quân vốn đầy bất trắc lẫn điều kiện sống thiếu thốn.
Để chuẩn bị cho các nhà báo tự do có thể đương đầu với những nguy hiểm khi đưa tin từ những khu vực xung đột khốc liệt như Syria, tổ chức Các nhà báo được hướng dẫn để cứu các đồng nghiệp (Reporters Instructed in Saving Colleagues – RISC) ở Mỹ tổ chức một khóa tập huấn cấp cứu miễn phí trong 4 ngày để giúp các phóng viên biết cách tự xử trí những vết thương của mình và chăm sóc các đồng nghiệp trên chiến trường. Cho đến nay, RISC đã tập huấn được hàng trăm nhà báo.
Tuy nhiên, theo như Nenad Sebek, cựu phóng viên chiến trường lão luyện của BBC, nếu hỏi làm thế nào để các phóng viên được an toàn trong vùng chiến sự thì câu trả lời là họ không thể. “Tôi được dạy rằng không bao giờ được nghĩ là bạn sẽ an toàn hay đủ năng lực để nhận diện mọi mối nguy hiểm tiềm tàng”, ông nói.
Nenad Sebek đã tham gia đưa tin ở rất nhiều vùng xung đột như Croatia, Bosnia Herzegovina Kosovo hay Chechnya, để có được kinh nghiệm dày dặn như vậy, ông đã phải chuẩn bị mọi thứ có thể. Ông tham gia huấn luyện đặc biệt với lực lượng Hải quân Hoàng gia Anh, trang bị mọi biện pháp bảo vệ cần thiết. “Không chỉ có vậy, mức lương của tôi còn được đảm bảo. Tôi không phải bán những bài báo của mình như các phóng viên tự do khác, tôi có thể tập trung vào công việc của mình vì vậy cũng giảm bớt được nguy cơ”, ông Sebek chia sẻ.
Sau nhiều vụ thiệt mạng của các phóng viên chiến trường, trong số đó nhiều người là phóng viên tự do, phóng viên trẻ muốn tới khu vực chiến sự để “thể hiện mình” cũng như trải nghiệm cảm giác mạo hiểm, các hãng tin lớn như AFP, BBC, GlobalPost… đã đưa ra những quy định mạnh mẽ để hạn chế sự việc này.
Sau cái chết của một phóng viên, GlobalPost đã tuyên bố: “Mặc dù chúng tôi vẫn tiếp tục cử phóng viên tới Syria, nhưng chúng tôi sẽ không chấp nhận các phóng viên tự do hay đăng tải bài của họ từ vùng chiến sự”.
AFP cũng đưa ra một tuyên bố tương tự, cho biết hãng này sẽ không chấp nhận các bài báo của những phóng viên tự do khi họ chưa học qua một lớp đào tạo hay huấn luyện nào trước khi bước vào khu vực xung đột.
Theo Infonet

Bình luận(0)