Phiên họp đặc biệt Quốc hội: Vẫn nóng chuyện Luật sư tố giác thân chủ

Google News

(Kiến Thức) - Vẫn có hai luồng quan điểm trái chiều về Quy định Người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm trong dự thảo Luật Hình sự. 

Sáng 27/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị tiếp thu thêm ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.
Cuộc họp này tuy không có đủ tất cả đại biểu Quốc hội tham dự cuộc họp này mà chỉ có những đại biểu quan tâm đến dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi lần này để thảo luận thêm nhưng vẫn khá căng thẳng với phần thảo luận thẳng thắn của các đại biểu liên quan đến Điều 19 Dự thảo sửa đổi bổ sung luật Hình sự - khoản 3. Khoản này nêu rõ: “Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này”. Quy định này đang có hai luồng quan điểm ý kiến trái chiều nhau.
Phien hop dac biet Quoc hoi: Van nong chuyen Luat su to giac than chu
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Luật sư tố giác thân chủ: “Niềm tin vào nghề luật sư sẽ mất dần”
Thảo luận tại cuộc họp, ĐBQH - Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) nêu ý kiến: “Điều tra tội phạm là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan điều tra, luật sư với trách nhiệm người bào chữa và trách nhiệm công dân, luật sư phải ứng xử thế nào? Nếu luật sư tố giác tội phạm thì chính thân chủ đó có mời luật sư nữa không? Xã hội có tẩy chay nghề luật sư không? Chưa bảo vệ được gì đã đi tố giác rồi thì không biết nghề luật sư có điều kiện tồn tại hay không? Tôi khẳng định niềm tin của khách hàng và xã hội vào nghề luật sư sẽ mất dần và sẽ bị thui chột”.
Theo Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, nếu luật sư biết thông tin thân chủ chuẩn bị thực hiện tội phạm hoặc liên kết với nhiều người, biết tội phạm này chuẩn bị đặt bom ở nơi nào đó, Luật sư với trách nhiệm công dan bắt buộc phải báo cáo cơp quan có thẩm quyền để ngăn chặn hành vi nguy hiểm đó, trong trường hợp đó, có cơ quan NN rồi thì phải trao đổi lại với thân chủ, trong trường hợp này tôi phải làm việc đó, rất rành mạch và sòng phẳng.
Phien hop dac biet Quoc hoi: Van nong chuyen Luat su to giac than chu-Hinh-2
 Đại biểu - Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh.
“Luật đã miền trừ cho luật sư trong trường hợp bình thường, nhưng tội phạm nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia thì phải báo ngay chứ không thể không báo. Khi chúng tôi rơi vào tình huống này, trao đổi với các chuyên gia của Nhật, Đức, Mỹ, họ nói, ở nước họ, trong trường hợp biết thân chủ của mình chuẩn bị thực hiện tội phạm hoặc lên kế hoạch thực hiện tội phạm thì báo cho cơ quan NN, nhưng họ chỉ khoanh lại trong những tội đặc biệt nghiêm trọng như khủng bố, lật đổ chính quyền. Còn những tội phạm đã thực hiện rồi thì miễn trừ cho luật sư. Trách nhiệm điều tra tội phạm thuộc về cơ quan tố tụng và cơ quan điều tra. Đây là kinh nghiệm quốc tế.
Trên cơ sở như vậy, chúng tôi kiến nghị trong tình hình hiện nay ở Việt Nam, khi tình trạng vi phạm gia tăng, thực tế thấy nghề luật sư đang phát triển và mới phát triển khởi sắc hơn 10 năm trở lại đây, chúng tôi đề xuất với 83 tội được quy định trong BLHS lần này tại Điều 19 là phải tố giác tội phạm thì đề nghị nên khoanh lại khoảng 20-30 tội, nếu không thì chỉ khoảng 15-20 tội.
Tội An ninh quốc gia khoanh lại toàn bộ là 14 điều, tội đặc biệt nghiêm trọng là hơn 10 điều, trong trường hợp đó, theo chúng tôi đề xuất là hợp tình hợp lý, phù hợp thực tiễn phát triển nghề luật sư, còn quy định thế này có thể dễ dẫn đến thui chột nghề luật sư. Các vụ án hình sự không có luật sự tham gia thì không có niềm tin vào công lý, nghề luật sư rất khó phát triển”, Luật sư Thịnh phát biểu
Bộ Luật hình sự gần 500 điều mà liên đoàn luật sư chỉ chăm chăm điều 19
Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Kim Ngân: "Tôi xin hỏi Liên đoàn luật sư, trước khi sửa bộ luật này có điều gì làm thui chột nghề luật sư chưa?
Bộ Luật hình sự gần 500 điều mà liên đoàn luật sư đi bảo vệ 1 điều cho mình? Các anh phải xem lại, phải có trách nhiệm chung? Gần 500 điều mà cứ chăm chăm vào 1 điều 19, ngoài đạo đức luật sư, còn trách nhiệm, đạo đức của một công dân. Biết thân chủ phạm tội rất nghiêm trọng mà không tố giác thì phải xem lại chỗ này. Ở đây tôi hiểu nên giới hạn trong tội nào, chứ đúng là luật sư cứ đi tố giác thân chủ thì không được. Nhưng cũng phải giới hạn tội nào thì anh không thể làm ngơ được. Nếu tôi là luật sư, tôi bào chữa cho thân chủ phạm tội giết người, công tố nói cố ý giết người thì tôi có gắng bảo vệ thành vô ý giết người để giảm nhẹ tội.
Hay như một thân chủ bị ghép tội trốn thuế, trốn thuế là có tội, luật sư cố bảo vệ thành né thuế cho giảm nhẹ tôi, để lách tội, như thế thì được, chứ biết thân chủ phạm tội rất nghiêm trọng mà không tố giác thì hoàn thành nghĩa vụ luật sư của mình, nhưng với rất nhiều người, nó ảnh hưởng tới quốc gia, đất nước, tới nhiều người dân vô tội nữa, làm ngơ là không được”.
Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh phát biểu: “Liên đoàn luật sư đã đóng góp vào Bộ luật hình sự tương đối nhiều điều, chúng tôi có văn bản gửi cho Uỷ ban Tư pháp mấy chục điều, chúng tôi kiến nghị như vậy thôi, mong Chủ tịch Quốc hội thông cảm việc này, chúng tôi hơi đi sâu hơn một chút vào quy định này. Báo cáo thực là đa số các luật sư rất ngại đi bào chữa tội xâm phạm an ninh quốc gia, người ta sợ vướng vào tai nạn rủi ro nghề nghiệp, đó là một thực tế. Ở đây trừ những luật sư mới vào nghề, hoặc luật sư ít việc làm, còn những luật sư uy tín khi mời họ rất khó, đặc biệt với những tội phạm nguy hiểm, đặc biệt nghiêm trọng thì rất cần luật sự uy tín, vì luật sư không những bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho khách hàng mà quan trọng hơn nữa là bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế. Khi quy định này ra không có ngăn cách nào, tất cả luật sư đều có bổn phận trách nhiệm để có thể tham gia bào chữa trong tất cả các vụ án, luật sư tham gia là tốt cho cả xã hội chứ không chỉ tốt cho thân chủ đó”.
Điều 19 phù hợp với trách nhiệm của luật sư
Đại biểu Nguyễn Thái Học nêu ý kiến: “Liên quan đến vai trò của luật sư, bản thân tôi rất suy nghĩ. Tôi cũng có thời gian 8 năm hành nghề luật sư nên rất hiểu và chia sẻ. Quan điểm của tôi rất ủng hộ khoản 3 điều 19, quy định như thế là luật đã ghi nhận vai trò, trách nhiệm của luật sư, cũng ghi nhận mối quan hệ đặc biệt giữa luật sư với thân chủ. Bố mẹ, anh chị em vợ chồng có nghĩa vụ tố giác tội phạm là những người thân thích của mình, thì bản thân luật sư với mối quan hệ đặc biệt với thân chủ thì cũng có trách nhiệm trong việc tố giác tội phạm, nhưng luật ở đây chỉ giới hạn tố giác tội phạm an ninh quốc gia, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Như thế là phù hợp, chứ không phải ràng buộc luật sư tố giác mọi tội phạm.
Tôi nghĩ điều này phù hợp với trách nhiệm của luật sư, vừa bảo vệ quyền lợi thân chủ của mình, đồng thời bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa – đây là một trong những nghĩa vụ của luật sư. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, ở đây có thể các luật sư mong muốn sự chia sẻ của các ĐBQH nhưng chia sẻ cũng phải trên cơ sở pháp luật. Với trách nhiệm người đã làm luật sư, quy định khoản 3 điều 19 là phù hợp với hoạt động của luật sư, không ảnh hưởng đến hoạt động hành nghề luật sư, làm thui chột nghề này hoặc ảnh hưởng sự thu hút đầu tư nước ngoài”.
Đại biểu Lê Thị Nga thì cho rằng, so với điều 22 của BLHS 1999, BLHS 2015 về trách nhiệm của luật sư trong việc không tố giác tội phạm đã giảm đi 70 khung hình phạt, trước đây là 179, giờ còn 109.
ĐB Phạm Minh Phúc (Vũng Tàu) cho biết, đọc kỹ điều 19, khoản 1 đã quy định rõ người nào biết rõ tội phạm, tức là luật sư cũng phải biết rõ tội phạm chứ không phải chỉ nghe nói.
Luật sư đi tố giác người mình bào chữa, sau tòa xử không phạm tội thì tính sao?
Phát biểu tại buổi làm việc, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh): “Khi mà anh Thịnh hay chúng tôi nói về khó khăn áp dụng điều 19 thì không phải là chủ yếu mà quan hệ giữa luật sư và người do mình bào chữa là một trong những vấn đề rất quan trọng của hệ thống tư pháp”.
“Đặc quyền này có từ thời luật La Mã đến thế kỷ 16 thông luật ở nước Anh áp dụng cái này và vừa rồi tôi đã học, đọc rồi. Khi Bộ Tư pháp, các vị đưa vào cũng đã nghiên cứu hết rồi nên chúng ta đọc lại Luật luật sư nói về quyền bảo mật này là chứng tỏ các anh có đọc, học. Khi các anh đưa vào Bộ Luật tố tụng hình sự là đúng rồi. Hiện nay đưa vào Bộ Luật hình sự này cũng trên cơ sở một sự nghiên cứu sâu sắc về những vấn đề nguyên lý, không phải chỉ là khoa học mà là lịch sử pháp lý của nhân loại, thành tựu pháp lý của nhân loại. Bởi vì nó là một trong những thiết kế tạo ra sự cân bằng, những điều kiện bảo đảm công lý, bảo đảm quyền con người chứ không phải chuyện gây khó khăn cho nghề luật sư, chúng tôi năn nỉ, xin thông cảm, mấy anh làm gì rồi... cái đó là cái phụ, có thể xảy ra, có thể không xảy ra nhưng cái kia mới quan trọng.
Phien hop dac biet Quoc hoi: Van nong chuyen Luat su to giac than chu-Hinh-3
 Đại biểu Trương Trọng Nghĩa.
Thứ hai, cái này chỉ có thông luật không? Không phải, các nước dân luật như Anh, Pháp, Thụy Sĩ, Nhật, Nga đều có quyền này, tức là quan hệ giữa người luật sư với người do mình bào chữa. Quan hệ này đặt ra nguyên tắc, người này phải là người luật sư của người ấy mới được quyền miễn trừ, thứ hai chỉ trong quan hệ với người bào chữa mà thôi. Tôi không cần nói nhiều hơn bởi sở dĩ người ta làm cái này có nhiều lý do. Xuất phát từ công ước về quyền con người mà chúng ta ký thì liên hợp quốc ban hành một cái Nghị quyết về quan hệ giữa luật sư và người được bào chữa. Trong nghị quyết này có ghi là các nhà nước phải có trách nhiệm tạo điều kiện để bảo vệ quyền bí mật giữa luật sư và thân chủ. Từ quy định của LHQ mới dẫn đến chỗ là chúng ta phải thiết kế điều đó, quyền miễn trừ. Ở một số nước áp dụng cả quyền miễn trừ với cả tư vấn tâm lý, kể cả bác sỹ...
Trở lại luật của chúng ta, điều 19, thứ nhất ở nhiều nước người ta chỉ yêu cầu luật sư tiết lộ thông tin chứ không dùng từ tố giác đối với những hành vi đang diễn ra, chuẩn bị diễn ra, sẽ diễn ra. Nhiều khi người thân chủ báo sắp tới đây chúng tôi nổ cái cầu đó... thì tất cả tội phạm chuẩn bị diễn ra thì người luật sư có nghĩa vụ”.
“Đối với những tội phạm đã diễn ra thì nhiều nước không buộc luật sư phải tố giác. Thế thì bây giờ, điều 19 của chúng ta không miễn trừ những hành vi đang và sẽ diễn ra. Thế cho nên trong lúc quan hệ với thân chủ mà biết đang có những hành vi nào đó bên ngoài liên quan đến thân chủ này, luật sư có nghĩa vụ tố giác, không được miễn. Những gì đã diễn ra, chúng ta thiết kế có sự hạn chế là an ninh quốc gia và những điều anh Thịnh nêu ra là mong khoanh lại, bớt nhưng chuyện bớt hay hông bớt thì chúng ta bàn với nhau, cơ bản thống nhất chấp nhận quyền miễn trừ này nhưng hạn chế nó. Nhiều nước đã diễn ra không tố giác nhưng chúng ta cho rằng đã diễn ra vẫn phải tố giác. Điểm nữa là chữ tố giác rất rộng, nguy hiểm. Một ông đi tố giác ông hàng xóm, biết cái gì đi tố giác đã nguy hiểm còn một ông luật sư đi tố giác chính người mình bào chữa, sau tòa xử không phạm tội, ông tố giác bậy thì làm sao”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nêu ý kiến.
“Chúng tôi đề nghị 3 câu bổ sung vào, chấp nhận có thể không thu hẹp như anh Thịnh đề nghị nhưng anh phải biết rõ, có chứng cứ và nếu những hành vi đấy không tố giác dẫn đến nguy hiểm cho xã hội bởi có những hành vi hết nguy hiểm cho xã hội rồi. Điều này có logic bởi điều tra, buộc tội là công tố, còn luật sư cùng người ta đi gỡ tội. Chưa biết người ta có phạm tội hay không nhưng tố giác đòi hỏi phải có sự nghiêm khắc.
Theo điều 19, nếu như luật sư có người thân vi phạm đâu có được miễn trừ ở đây chỉ quan hệ với thân chủ được bào chữa thôi. Hành vi đang và sẽ diễn ra không được miễn trừ phải tố giác. Đối với người thân cũng không được miễn trừ mà chỉ được miễn trừ trong những điều kiện nhất định. Sự phân công giữa công tố, luật sư là sự phân công theo nguyên lý của hệ thống tư pháp. Ví dụ như luật sư bào chữa cho Năm Cam, kẻ rất phản động, đặt bom giết chết bao nhiêu người thì đừng suy nghĩ người đó như vậy không có lương tâm, không yêu nước, không phải, cái đó rất là sai. Do đó, nếu như có tư tưởng đang đấu tranh để thiết kế bộ luật hình sự này là có vẻ như là anh "bất trung" hay là đối với tội phạm này kia thiếu trách nhiệm là sai. Hiểu như vậy là sai và không đúng tầm của chúng ta ngồi đây thiết kế luật này.”, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho hay.
ĐB – Luật sư Nguyễn Văn Chiến cho rằng, theo điều luật này thì luật sự phải chịu trách nhiệm khi thân chủ đã hoặc tham gia thực hiện hành vi phạm tội, buộc luật sư tố giác lại thân chủ đã thực hiện hành vi trong quá khứ. Nó xung đột mâu thuẫn không phù hợp với nguyên tắc làm luật. Về mặt lý luận, luật thực tế không được xung đột với các luật khác. Luật sư thì cấm luật sư tiết lộ bí mật trừ pháp luật quy định khác. Luật sư cho người dân, cho khách hàng không được tiết lộ bí mật của họ. Điều 19 đã đi ngược lại với điều này. 
“Thực tế không bao giờ khả thi trong đời sống, theo thống kê 80% tội phạm bị bắt tạm giam kể cả loại tội ít nghiêm trọng. Việc con số bị bắt tạm giam nhiều như thế, các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, đặc biệt nghiêm trọng, thử hỏi có đối tượng nào được tại ngoại ở ngoài để tiếp tục thực hiện phạm tội hoặc nói với luật sư hành vi của mình. Luật sự chỉ được nghe nói khi được gặp thân chủ trong trại tam giam, họ chỉ khai trong trại, dưới sự giám sát của công an. Luật sư chỉ nghe người ta nói thôi, cũng có quy định không được phép sử dụng lời khai của bị can, bị cáo làm chứng cứ buộc tội nếu không phù hợp với những tài liệu liên quan. Đó là nguyên tắc bắt buộc của bộ luật tố tụng. Ví như Luật sư gặp bị can trong trại tạm giam như người kể bệnh với bác sỹ. Vì vậy có căn cứ để tố giác hay không? Tưởng chừng đưa điều 19 vào để nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân nhưng trong thực tiễn không bao giờ thực hiện được”, Luật sư Chiến nêu ý kiến.
Hải Ninh

Bình luận(0)