PGS Văn Như Cương nói về điểm tuyển sinh ngành sư phạm quá thấp

Google News

(Kiến Thức) - Chất lượng của giáo viên trong tương lai khiến dư luận quan ngại khi đầu vào của các trường cao đẳng ở địa phương có mức điểm chuẩn chỉ 9 hoặc 10/3 môn.

Chất lượng của giáo viên trong tương lai - dư luận vô cùng quan ngại về điều này khi đầu vào của các trường cao đẳng ở địa phương có mức điểm chuẩn chỉ 9 hoặc 10/3 môn. Đồng nghĩa học sinh chỉ cần thi 3 điểm/môn là có thể vào học cao đẳng sư phạm nếu có nguyện vọng và sẽ trở thành giáo viên trong tương lai, tiếp tục là thế hệ trồng người.
Dư luận lo lắng điểm đầu vào ngành sư phạm quá thấp sẽ khiến chất lượng giáo viên sau này bị ảnh hưởng là có cơ sở. PGS Văn Như Cương đã dẫn một câu danh ngôn: “Một thầy thuốc tồi có thể giết chết vài bệnh nhân, một vị tướng tồi có thể giết chết một đạo quân, nhưng một thế hệ thầy giáo tồi sẽ làm hỏng cả một dân tộc”, khi bày tỏ nỗi lo lắng về các thầy cô trong tương lại khi việc tuyển sinh viên sư phạm với đầu vào quá thấp.
PGS Van Nhu Cuong noi ve diem tuyen sinh nganh su pham qua thap
 Điểm trúng tuyển của trường Cao đẳng Hải Dương rất thấp.
Trên thực tế, thời gian qua, dư luận đi từ ngạc nhiên đến lo lắng khi các trường cao đẳng sư phạm công bố mức điểm trúng tuyển như trường Cao đẳng Hải Dương có tất cả 16 ngành liên quan đến sư phạm thì điểm trúng tuyển của tất cả các mã ngành chỉ là 10 điểm/3 môn theo kết quả thi THPT quốc gia và 10,5 điểm theo kết quả học bạ.
Choáng hơn, khi trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh đưa ra mức điểm chuẩn 9 điểm theo kết quả thi THPT quốc gia với các ngành Sư phạm Toán, Sư phạm Sinh, Sư phạm Ngữ văn. Điều này đồng nghĩa việc chỉ 3 điểm mỗi môn, thí sinh đã trúng tuyển. Tình trạng thí sinh có điểm thi môn chuyên ngành thấp vẫn trúng tuyển cũng diễn ra ở Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh. Thậm chí, hai thí sinh được 2,75 điểm thi THPT quốc gia môn Ngữ văn vẫn đỗ vào ngành Sư phạm Ngữ văn của trường.
Nhiều trường cao đẳng sư phạm địa phương cũng tuyển sinh viên sư phạm với đầu vào quá thấp như trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai lấy điểm trúng tuyển hệ chính quy là 9,5. CĐ Sư phạm Hà Nam có điểm chuẩn của tất cả ngành học là 10. Ngay cả trường ĐH Hà Tĩnh lấy điểm chuẩn 15,5 cho tất cả ngành học, trừ Sư phạm Mầm non. ĐH Sư phạm Thái Nguyên lấy điểm chuẩn nhiều ngành như Sư phạm Toán học, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Âm nhạc là 15,5.
Trong khi điểm tuyển sinh vào ngành sư phạm khá thấp thì điểm chuẩn vào nhiều ngành khác lại cao kỷ lục. Dư luận đặt ra câu hỏi vì sao có sự chênh lệch đến như vậy?
Để tìm câu trả lời cho việc tuyển sinh đầu vào của ngành sư phạm thấp, PV Kiến Thức đã gọi điện liên hệ với ông Vũ Hoài An, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hải Dương. Tuy nhiên khá bất ngờ, ông An từ chối PV rất tế nhị và lạ lùng: “Bây giờ trường đang ở những bước đầu của tuyển sinh. Kết quả thế nào sẽ mời báo chí về thảo luận câu chuyện phức tạp này”.
>>> Mời độc giả xem video Thi đại học 18 điểm cũng có thể làm bác sỹ đa khoa - Nguồn VTC14:
Trả lời trên báo chí, Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT – cho rằng: "Trong ngành sư phạm, những nơi lấy điểm chuẩn thấp là các trường địa phương, cao đẳng. Còn các trường đại học lớn vẫn có điểm chuẩn rất cao như ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TP HCM. Điều này thuộc về yếu tố ngành và vùng miền buộc chúng ta phải chấp nhận và là bài toán cần nhiều người chung tay để giải quyết cùng ngành giáo dục".
Khác quan điểm của bà Nguyễn Thị Kim Phụng, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, với những ngành có điểm chuẩn quá thấp, chất lượng giáo dục không thể cao. Và nỗi lo lắng của nhiều bậc phụ huynh khi con em mình sau này theo học những thầy cô có đầu vào thấp đến như vậy đã hiện hữu và có cơ sở.
PGS Văn Như Cương là người có nhiều tâm huyết với ngành giáo dục nhiều năm qua, khi trao đổi với PV Kiến Thức về thực trạng trên đã phải nói lên rằng: “Tôi cũng rất lo lắng trước thực trạng trên”.
Thưa PGS Văn Như Cương, thầy có suy nghĩ gì khi nhiều trường tuyển sinh viên sư phạm với đầu vào quá thấp chỉ ở mức 9 đến 10?
PGS Văn Như Cương: Tôi cũng rất lo lắng trước thực trạng trên. Chúng ta đang tích cực chuẩn bị đổi mới cơ bản ngành giáo dục. Người thực hiện thay đổi ấy chính là giáo viên. Giáo viên chính là lực lượng xung kích, không có giáo viên thì thay đổi thế nào được. Khi chúng ta đang làm việc lớn như thế mà lực lượng xung kích chúng ta lại lấy mức độ thấp như thế thì không thể làm được.
Tôi rất lo lắng về chất lượng của các giáo viên với điểm vào thấp như thế, các bậc tiểu học, trung học cơ sở sắp tới với các chương trình mới, những bộ môn mới thì họ sẽ làm như thế nào. Chúng ta cần phải xem xét toàn diện đề án đổi mới cơ bản ngành giáo dục, không chỉ đổi mới chương trình học, đổi mới sách giáo khoa, đổi mới các môn học mà phải bắt đầu từ đổi mới thầy cô giáo. Thầy cô giáo mà không đổi mới được sẽ không đổi mới được toàn bộ, điều đó là rất đáng lo lắng.
PGS Van Nhu Cuong noi ve diem tuyen sinh nganh su pham qua thap-Hinh-2
 PGS Văn Như Cương.
Thưa PGS Văn Như Cương, là một chuyên gia giáo dục, thầy có thể giải thích vì sao ngành sư phạm có nhiều trường lấy điểm đầu vào thấp đến như thế?
PGS Văn Như Cương: Tôi không hiểu tại sao các trường lại lấy điểm đầu vào thấp đến như thế. Tất nhiên nếu lấy điểm cao hơn thì số lượng học sinh sẽ bị thiếu hụt nên các trường lấy thấp xuống để đảm bảo khung số, chỉ tiêu mà mình đề ra. Trường có thể nhận được lực lượng giáo viên của các trường ĐH nào đó, hay trường cao đẳng nào đó có thể dạy được ngần này thì tuyển sinh ngần này. Không chú ý đến chuyện như giáo viên có thừa hay không. Tại vì nếu nhận ít thì không có kinh phí, bởi mỗi đầu học sinh, mỗi đầu sinh viên là được nhà nước cung cấp bao nhiêu ấy. Nếu giờ nhận ít thì giáo viên của anh biết làm gì. Nhưng họ suy nghĩ như thế là thiển cận.
Theo PGS Văn Như Cương, hướng đi nào cho các trường sư phạm dù ít sinh viên vẫn "sống khỏe" mà không phải bất chấp tuyển sinh ồ ạt?
PGS Văn Như Cương: Thực tế các trường đại học, cao đẳng sư phạm có rất nhiều việc để làm. Không chỉ đào tạo thầy cô giáo mới bằng cách tuyển sinh mới mà còn đào tạo các thầy, cô giáo cũ. Việc đào tạo các thầy cô giáo cũ là việc rất cần thiết và tốn rất nhiều thời gian, sức lực. Lớp thầy cô cũ như thế, chúng ta thay đổi chương trình, thay đổi môn học, thì phải đào tạo các giáo viên cũ. Nếu làm chặt chẽ thì đây là cách rất tốt.
Thực tế, những năm trước bằng những khóa tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, lớp này lớp kia nhưng chủ yếu lợi dụng đi chơi là chủ yếu. Bây giờ các trường sư phạm phải có kế hoạch hẳn hoi là triệu tập ngay trong năm học. Ví dụ năm học mới bắt đầu, chúng tôi có một lớp như thế này, đề nghị các tỉnh cử giáo viên về, đào tạo xong kiểm tra lại rồi cấp chứng chỉ, có điểm số. Nếu họ không đạt thì cần có biện pháp chấn chỉnh. Phải dạy lại giáo viên cũ theo kiểu đó thì mới được. Hơn nữa, làm như thế thì các trường sư phạm không hết việc mà hoàn toàn mang lại lợi ích cho công cuộc đổi mới ngành giáo dục sắp tới.
Cảm ơn PGS Văn Như Cương!
Hải Ninh

Bình luận(0)