Ông Đinh La Thăng mời thêm luật sư nào gỡ tội tại phiên xử mới?

Google News

(Kiến Thức) - Số luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng sẽ tăng thêm 2 người trong phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án PVN góp 800 tỷ đồng vào ngân hàng OceanBank dự kiến diễn ra vào ngày 19/3 tới đây.

Dự kiến, ngày 19/3 tới đây, TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm trong vụ án Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) góp 800 tỷ đồng vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank).
Theo TAND TP Hà Nội, trong vụ án này, ông Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐTV/HĐQT PVN sẽ có 5 luật sư bào chữa gồm các ông: Nguyễn Huy Thiệp, Đào Hữu Đăng, Phan Trung Hoài, Nguyễn Ngọc Luận và Lê Văn Thiệp. So với phiên tòa trước (phiên xử PVN-PVC hồi tháng 1/2018) thì tăng thêm 2 người.
HĐXX tại phiên tòa gồm 5 thành viên với 2 thẩm phán và 3 Hội thẩm nhân dân do Thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu làm chủ tọa. Về phía cơ quan công tố sẽ có 2 Kiểm sát viên (VKSND TP.Hà Nội) giữ quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử. Ngoài ra, TAND và VKSND TP.Hà Nội còn bố trí các Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và Kiểm sát viên dự khuyết.
 Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa xét xử vụ án "cố ý làm trái" và "tham ô" xảy ra tại PVN và PVC. Nguồn ảnh: Tiền Phong
Các bị cáo bị đưa ra xét xử ở phiên tòa sơ thẩm tới đây gồm: Đinh La Thăng; Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó Tổng giám đốc PVN; Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng, kiêm Trưởng ban Tài chính - Kế toán và Kiểm toán PVN; Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm và Phan Đình Đức – thuộc HĐTV PVN.
Tất cả 7 bị cáo đều bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, theo quy định tại khoản 3, Điều 165 - Bộ luật Hình sự năm 1999, với khung hình phạt từ 10 đến 20 năm tù.
Riêng bị cáo Ninh Văn Quỳnh còn bị truy tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 280 - Bộ luật Hình sự năm 1999.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, sau khi PVN không được thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt, bị cáo Đinh La Thăng khi đó với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN đã chỉ đạo bị cáo Nguyễn Xuân Sơn làm việc với một số tổ chức tín dụng để thỏa thuận việc góp vốn, trong đó có Oceanbank.
Thực hiện chủ trương góp vốn vào tổ chức tín dụng, tháng 9/2008, Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank) đã trao đổi, bàn bạc và thống nhất về việc PVN góp vốn để trở thành cổ đông chiến lược của Oceanbank.
Và thực hiện thỏa thuận, PVN đã nhiều lần góp vốn với tổng số tiền lên đến 800 tỉ đồng vào Oceanbank. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền 800 tỷ đồng này của PVN đã bị mất hoàn toàn khi OceanBank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước buộc phải mua lại với giá 0 đồng.
P.H

>> xem thêm

Bình luận(0)