Ở nơi trai gái yêu nhau... về chung sống, không có khái niệm đám cưới

Google News

Chỉ cần cha mẹ 2 bên đồng ý là đôi trai gái đã trở thành vợ chồng chứ chẳng cần lễ cưới rình rang. Đó là 1 trong số nhiều tập tục có từ lâu đời trên đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận.

Không có khái niệm "lên xe hoa"
Đảo Phú Quý nằm cách cảng cá của TP Phan Thiết của tỉnh Bình Thuận 56 hải lý (khoảng hơn 100km) về phía Đông, rộng hơn 16km, gồm 10 hòn đảo nhỏ quy tụ.
O noi trai gai yeu nhau... ve chung song, khong co khai niem dam cuoi
Một góc đảo Phú Quý. 
Trên chuyến tàu ra đảo, tôi bắt chuyện và làm quen với anh Biên, ngư dân trên đảo Phú Quý. Nghe tôi hỏi thăm chuyện gia đình, anh cho biết, đã có vợ và 2 con. Khi tôi hỏi: “Anh cưới vợ lâu chưa?”, thì anh cười bẽn lẽn, bảo: “Dân đảo xưa giờ đâu có làm đám cưới đâu, trai gái gặp nhau, mến nhau thì về chung sống thôi. Ông bà già nhà tôi cũng vậy. Đến thời tôi cũng thế thôi”.
Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, anh giải thích: “Dân đảo ngày xưa thứ nhất là nghèo, không có điều kiện tổ chức cưới. Một lý do khác là nhà nào cũng đi biển, chẳng có người dự đâu mà tổ chức cưới. Ai cũng vậy, riết rồi thành tục lệ thôi. Vài năm gần đây, nhiều người ra đảo công tác, nhiều gia đình cũng gửi con về đất liền, ăn học thành tài, làm việc trong đất luôn, nên tổ chức cưới. Nhưng cho dù tổ chức, họ cũng làm nhỏ nhỏ, chủ yếu chụp hình làm kỷ niệm, chứ không tổ chức rình rang. Cho nên, đến giờ Phú Quý vẫn là hòn đảo không có đám cưới”.
Ông Mai Giác, năm nay 72 tuổi, người lo việc coi giữ, cúng bái trong đền Ông, hay còn gọi đền Ông Nam Hải, nơi thờ bộ cốt cá voi ở thôn Triều Dương, xã Tam Thanh, huyện đảo Phú Quý, nói về tục “không cưới” trên đảo: “Chỉ cần cha mẹ 2 bên đồng ý là đôi trai gái đã trở thành vợ chồng chứ chẳng cần cưới xin chi cả”.
O noi trai gai yeu nhau... ve chung song, khong co khai niem dam cuoi-Hinh-2
Cảng cá trên đảo Phú Quý ghe xuồng, người mua kể bán tấp nập, náo nhiệt không thua cảng cá lớn nào ở đất liền. 
Rồi, như để tôi hiểu hơn về tục lạ này, ông Giác nói tiếp: “Hồi xưa đảo làm gì có đường nhựa, xe cộ các kiểu cũng không, nên không có khái niệm “lên xe hoa”. Ngư dân chỉ biết thuyền ghe và bạn ghe. Những thanh niên đến tuổi lấy vợ, được các cô gái “dòm” thành tích về bơi lặn, đánh bắt cá, câu mực giỏi, vượt qua nhiều cơn bão dữ, đối xử tốt với cha mẹ, gia đình, bạn ghe... và sẽ chủ động “chinh phục”. Sau khi đôi trai gái đã yêu nhau, họ về báo cho cha mẹ biết. Sau đó, 2 bên gia đình sẽ hẹn gặp “nói chừng”. Sau thủ tục quan trọng nhất này, nếu suôn sẻ, coi như đôi trẻ đã là vợ chồng. Kể từ đây, chàng trai có thể đến nhà gái để ngủ”.
“Có khi nào cuộc “nói chừng" thất bại không chú?”, tôi hỏi. Ông Giác lắc đầu: “Tôi chưa gặp bao giờ. Vì đây chỉ là thủ tục xác lập hôn nhân, chủ yếu do đôi trẻ chứ cha mẹ không bao giờ ngăn cản”.
Ông Giác cho biết thêm, sau khi “nói chừng”, chàng rể ban ngày làm việc bên nhà mình, tối về ngủ với cô dâu. Nếu hai bên gia đình có công việc to như giỗ chạp, làm nhà... thì sang “mượn” cô dâu, hoặc chú rể về giúp việc. Thời gian “ngủ bên nhà vợ” nếu xảy ra những mâu thuẫn, hay phát hiện sự rạn nứt, bất ổn nào đó trong hạnh phúc, tình yêu chàng trai có thể “chia tay” mà không cần phải hòa giải hoặc ly hôn. Cũng không hiếm những trường hợp sau một thời gian ngắn, khi chàng rể sang nhà vợ ngủ, cô dâu nhận thấy 2 người không hợp, không thể chung sống lâu dài, nên chủ động “sa thải” chồng. “Có vụ nào khi 2 người chung sống nhiều năm, có con cái rồi mà chia tay không?”, tôi hỏi. Ông Giác đáp “tôi chưa thấy”.
Tình người trên đảo
Ở đảo Phú Quý, thủ tục cưới xin gần như không có, tục ma chay cũng đơn giản không kém. Ông Giác cho biết: “Đám tang ở đây rất đơn giản và tình cảm”. Ngừng giây lát, ông nói tiếp: “Mấy năm trước tôi cũng từng có vài lần vào đất (vào đất liền) dự đám tang người quen. Thấy khác hoàn toàn ngoài này”.
Tôi hỏi: “Khác thế nào ạ?”. Ông đáp: “Khi nhà có người mất, chủ nhà phải thông báo cho hầu hết người thân, bạn bè biết. Rồi phải lo chuyện ăn uống cho khách đến viếng. Gia chủ một mặt lo tang lễ, một mặt phải tiếp đón người đến viếng. Đặc biệt, thấy nhiều nơi để người chết trong nhà cả tuần vẫn chưa thấy mang đi chôn. Như vậy không chỉ phiền phức mà còn ô nhiễm cho chủ nhà, cho hàng xóm nữa”.
Tôi hỏi: “Thế còn đám tang ngoài đảo?”. Ông nói: “Ngoài đảo, mỗi khi nhà nào có người mất, chẳng cần chủ nhà thông báo, cả xóm, cả làng làng tự nguyện đến, góp công góp sức, mỗi người một tay, lo chu toàn mọi việc, từ chuyện khâm liệm đến đào hang cho gia chủ. Phía gia đình không phải dọn cơm, không phải giết gà, mổ heo, phục dịch chuyện ăn uống gì cả. Làm xong ai về nhà nấy ăn cơm. Nếu gia đình nào khó khăn, bà con ngoài việc đến giúp làm việc, còn quyên góp kinh phí, giúp gia chủ lo chu toàn xong đám tang”. Tôi hỏi: “Đào hang là làm gì ạ?”, thì ông cười, đáp: “Tôi quên, đó là từ dân đảo quen gọi là đào huyệt”.
Tôi hỏi tiếp: “Vậy là đám tang ngoài đảo không để lâu?”, ông đáp “Chỉ trong vòng 1 ngày 1 đêm là mang đi, trừ những trường hợp đặc biệt như chờ người thân đi biển xa chưa về kịp. Khi ấy họ phải dùng đến tủ cấp đông để bảo quản, đảm bảo môi trường cho người sống, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe gia chủ và cộng đồng”.
Khi câu chuyện về tục tổ chức đám tang đã xong, ông Giác “khoe” thêm: “Đây là khu đền Ông Nam Hải rất linh thiêng, cháu có biết không?”, tôi ngập ngừng không trả lời, ông liền kể: “Tôi nghe cha mẹ kể lại, ngày xưa, có một chiếc ghe đánh cá của ngư dân ở vùng Lý Sơn, đang chạy trên biển thì bất ngờ gặp đàn cá chuồn, đen đặc mặt nước biển, bơi ngược chiều ghe, khi đến gần, chúng thi nhau lao vào.
Sau một hồi, mạn ghe thủng lỗ chỗ, nước tràn vào khoang, chìm dần. Các ngư dân trên ghe tưởng cầm chắc làm mồi cho cá dưới đáy đại dương, nên cùng nhau cầu khẩn ông Nam Hải. Không lâu sau đó, mọi người ngạc nhiên thấy chiếc ghe từ từ được nâng lên, nước không vào khoang nữa. Mọi người nhìn xuống thì thấy dưới đáy ghe là tấm lưng đen bóng, rộng, dài gấp rưỡi chiếc ghe của ông cá voi. Chiếc ghe được đưa dần vào một hòn đảo lạ, nhưng rất đẹp, nằm giữa bốn bề sóng biển. Mọi người mừng rỡ, nhảy xuống, rồi cùng quay lại vái lạy ông cá voi đã cứu mạng”.
Theo lời ông Giác, sau khi người dân định cư trên hòn đảo lạ này, cuộc sống ngày một đi lên, mưa thuận gió hoà, cuộc sống ngày một khá hơn, và họ đặt tên đảo là Phú Quý. Nhớ ơn Ông Nam Hải, người dân đã lập đền thờ. Sau đó, ngư dân còn nhiều lần được cá voi cứu khi gặp nạn giữa khơi xa. Đến khi cá voi chết, trôi dạt vào đảo, người dân trên đảo đã không ngừng thương tiếc.
Theo Phúc Lập/NNVN

>> xem thêm

Bình luận(0)