Nửa đêm săn cá dưới đáy biển

Google News

Ghe lần lượt vớt từng thợ săn cá dưới đáy biển lên. 

Thợ săn cá dưới đáy biển nào cũng đeo đầy chiến lợi phẩm quanh lưng, cá dìa, cá hồng, cá mú, cá bè trang, bè quỵt… con nào cũng béo mập, nặng ký mà rất ít khi thấy bán ngoài chợ.
Từng người lặn sẽ được thả ở từng điểm riêng biệt. 
Trong nhóm thợ săn cá, phần lớn là cán bộ, nhân viên, công nhân… Họ đến với nhau vì niềm vui chung chứ không phải mục đích cơm áo, gạo tiền. Có đi mới thấy, lặn và bắn cá quả là thú chơi thú vị. Biết đâu trong tương lai, đây có thể trở thành một thú vui yêu thích cho những bạn trẻ thích thể thao, ưa mạo hiểm.
Chuyện lặn biển… săn cá
Lâu không gặp, anh bạn thường câu cá gọi làm lai rai vài “ống”. Giữa cuộc vui, bỗng cậu tiếp viên dọn lên món phi lê cá mó. Đang xuýt xoa vì món mù tạt cay nồng, anh bạn vỗ vai nói cá anh bắn đấy, có thích thì hôm nào theo anh cho biết. Và thế là tôi có mặt trong nhóm đi săn cá tại vịnh Vân Phong.
2h sáng, tôi và nhóm săn cá bắt đầu chạy ra Dốc Lết rồi từ đó men theo con đường bê tông đi đến xã Ninh Hải. Đến nơi, đã thấy anh Giang - tài công chờ sẵn và đưa những túi đồ nghề nặng trịch lên thúng chai để ra ghe. Chỉ khối núi đá thẫm màu xa ngút tầm mắt, anh bạn tôi bảo, đó là Hòn Lớn và là điểm bắn. Khi tàu vừa đến phía chân núi, mặt trời đã sáng rõ cũng là lúc mọi người sẵn sàng cho chuyến “đi săn”.
Anh Trung, một người đàn ông trung niên vạm vỡ, là người đầu tiên lao mình xuống nước. Ghe lại chạy tiếp, thấy tôi ngạc nhiên, anh bạn tôi cười: “Bắn không như câu, ghe sẽ thả từng người cách nhau khoảng 100 - 200m, trong phạm vi đó mỗi người sẽ độc lập tác chiến. Khi ghe thả hết người sẽ quay lại chỗ ban đầu nghỉ một chút rồi “vớt” từng người lên. Sau đó sẽ làm tiếp tua khác, khi nào mệt thì về”.
Chiếc ghe chạy chầm chậm cách chân núi khoảng 40m, các thợ lặn đã lao hết xuống nước, lúc này chỉ còn tôi và một chú nhóc phụ tài trên ghe. Tôi hỏi: “Biển rộng vậy, sao biết mấy ổng chỗ nào mà vớt?”. Cậu bé toe toét cười nói: “Có gì đâu, em nhìn quen rồi, chỗ nào có cái ống thở lồi lên hoặc có nước phụt lên là biết liền”. Nói đoạn, nó chỉ tay về phía núi đá: “Đó, ổng đó. Chà! có cá rồi”. Tôi chẳng nhìn thấy gì mãi cho đến khi anh Hùng bơi đến ghe. Hóa ra, mỗi thợ lặn đều có một dây xâu cá thắt ngang thắt lưng, khi họ bơi, cá phơi bụng trắng xóa trên lưng, càng trắng thì càng nhiều cá. Anh Hùng lên ghe, quẳng xâu cá béo mập lên khoang. Một con cá bè trang khoảng 2kg, một con hồng và vài con cá tà ma tươi roi rói nằm phơi mình, làn da óng ánh dưới ánh mặt trời, con nào cũng tầm trên 1kg.
Ghe lần lượt vớt từng thợ lặn lên. Ai cũng đeo đầy chiến lợi phẩm quanh lưng, cá dìa, cá hồng, cá mú, cá bè trang, bè quỵt… con nào cũng béo mập, nặng ký mà rất ít khi thấy bán ngoài chợ.
Quá tò mò, tua thứ 2, tôi đòi thử sức. Anh bạn cho tôi mượn bộ đồ lặn, rồi dạy tôi một vài kỹ thuật cơ bản. Trong niềm háo hức, tôi lao theo anh bạn xuống làn nước xanh thẫm. Đáy biển sâu tít, đen ngòm, lởm chởm những tảng đá đen sì, nhìn vào vách núi là những khe sâu hun hút... đầy bí ẩn. Đang bơi, anh bạn đột ngột dừng lại, hai chân vịt quẫy liên tục tạo lực lặn xuống khoảng 3m. Lúc này, thân hình anh không chúc xuống mà chuyển sang nằm ngang rồi từ từ chìm xuống như hòn đá. Chợt mũi tên lao vọt ra, kéo theo sợi dây trắng mảnh, xuyên qua một thứ gì đó, anh bạn tôi lại vội vã ngoi lên, mặc cho con cá ở đầu mũi tên đang vẫy vùng, kéo băng mũi tên vào những hốc đá. Lên đến mặt nước, anh lấy hơi và bắt đầu ghì dây. Khi kéo đến gần, anh chộp lấy mang cá và đâm chiếc dùi vào đầu con cá mú… Cứ thế, anh tiếp tục chuyến hành trình. Cho đến khi tàu quay lại đón, chiến lợi phẩm trên lưng anh đã gần đầy ắp cá lớn.
Thú chơi công phu, mạo hiểm
Có tìm hiểu mới thấy cái thú chơi này quả là… tốn kém. Một thợ lặn tối thiểu phải sắm được súng, kính lặn, áo lặn và chân vịt. Nhưng quan trọng nhất là súng bắn cá. Lâu nay, thợ lặn thường mua súng ngoại, súng sản xuất trong nước nhưng hiện nay, chỉ tìm đến lò súng “độ” của Khôi (Song Thủy, Nha Trang). Tay này chế súng không chỉ tuyệt hảo mà giá cả phải chăng. Giá một cây súng thường thường cũng từ 4 - 5 triệu đồng, tiếp đến là kính lặn, ống thở. Anh bạn tâm sự: “Kính tốt là phải cho ảnh thật, kính dỏm thì con cá to bằng quả bầu có khi chỉ thấy bằng quả dưa leo. Đeo mấy kính đó, áp lực nước mạnh có thể làm nứt vỡ, rất nguy hiểm”. Vì thế dân lặn phải cố tậu cho mình bộ kính, ống thở cho xịn. Mà khi lặn, kính bị mờ, không có gì rửa tốt hơn bằng… nước miếng. Chả thế mà trong chuyến đi, tôi phát khiếp khi thấy mấy anh cứ lặn xong lại nhổ nước miếng vào kính. Ngoài những đồ nghề đó, các thợ phải có dây chì khoảng 5 - 10kg đeo quanh bụng. Trong trường hợp khẩn cấp, chỉ một thao tác đơn giản là dây chì sẽ bung ra để thợ lặn có thể thoát thân. Mỗi thợ lặn cũng có một con dao cực sắc giắt ở ống chân. Trong trường hợp cơ thể vướng lưới, dây rulô súng, dây neo bè… thợ lặn có thể dùng dao cắt vật cản để thoát thân.
Anh Sáu với chiến lợi phẩm. 
Trong suốt chuyến đi, dân lặn đặc biệt sợ các ghe thuyền tới gần chỗ lặn. Anh bạn tôi giải thích: “Trên vịnh Vân Phong có ghe bắt cá bằng chất nổ. Họ không biết mình lặn ở dưới mà quăng 1 quả thì nát xác”. Quả thật trong chuyến đi, có lần tôi thấy cả nhóm đều nháo nhác ngoi lên mặt nước vì nghe tiếng mìn nổ và dư chấn của nó ở dưới nước. Ngoài ra, dân lặn cũng chú ý về tốc độ khi lên mặt nước. Đối với người có hơi dai, lặn sâu khi lên phải chậm rãi để giảm áp từ từ. Nếu lên quá nhanh, khí nitơ trong máu sẽ nở ra nhanh chèn hoặc làm vỡ mạch máu gây nhiều tai biến cho cơ thể.

Anh Sáu - một người trong nhóm đi săn chia sẻ: “Bắn cá nhìn vậy chứ ghiền lắm! Tui đã hơn 50 tuổi mà tuần nào không đi bắn là chịu không được. Vợ con sợ nguy hiểm nhưng tui vẫn cứ đi”. Anh kể kỷ niệm nhớ đời là lần anh bắn con cá bè trang nặng hơn 15kg. Tuy cố nhắm vào chỗ hiểm nhưng do bắn vội nên con cá vẫn còn khỏe, lôi anh đi băng băng. Lúc đó, vì thiếu kinh nghiệm nên anh cứ giữ chặt súng trong khi dây lô lại quá ngắn. May con cá không bơi xuống mà lồng lên mặt nước. Nhờ đó, anh có thể lấy chút hơi để ghì cho đến khi nó mệt. Lên bờ, anh nôn ra cả một bụng… nước biển.
… và chiến lợi phẩm
Để theo được cái thú này, người chơi hẳn phải có một niềm đam mê rất lớn. Nhưng bù lại, chiến lợi phẩm cũng rất phong phú và có giá trị mà nhiều khi có tiền chưa chắc đã mua được. Cá bắn mang về bảo đảm yên tâm không sợ các chất bảo quản, đặc biệt cá biển tươi có vị rất thơm ngon. Nếu thích thì có thể dùng làm quà tặng, biếu người quen.
Chẳng hạn trong chuyến đi, tôi được ăn loại cá tà ma, tên rất lạ mà thịt cực kỳ ngon. Anh bạn tôi giải thích, cá này chỉ sống ở các vùng đặc biệt nên chợ hiếm khi có, mà có thì cũng ra nhà hàng hết. Nhiều loại cá chỉ sống trong rạn, vùng khe đá nên mới thoát được sự săn bắt bằng lưới cào, thuốc nổ, thuốc độc… Có lẽ nhờ vậy, mà nó hiếm. Đặc biệt, dân lặn rất khoái khi gặp được những con mú hồng (được mệnh danh là vua các loại cá mú), thịt thơm ngon mà bán cũng rất được giá. Cho nên trong những chuyến đi thành công, cá để nhà ăn, mang biếu tặng không hết, ai muốn mua thì cũng có thể bán rẻ. Đó giống như là lộc biển dành cho những người đam mê thú vui này.
Theo Người lao động

Bình luận(0)