Những vấn đề làm nóng hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2017

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều kiến nghị, phản ánh của đại diện các doanh nghiệp đã làm nóng hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017.

Chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4
Báo cáo tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, chi phí kinh doanh cơ bản còn ở mức cao, nhất là chi phí vay vốn, logistic, tiền lương, bảo hiểm, chi phí giao dịch, tuân thủ thủ tục. Đặc biệt, chi phí nộp thuế vẫn cao nhất so với ASEAN 4.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết: “Những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí và khuyến khích khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh là những điểm đáng ghi nhận. Những nỗ lực trên đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Riêng năm 2016 đã có hơn 110.000 doanh nghiệp thành lập, tăng hơn 16% so với năm 2015, đạt mức kỷ lục từ trước đến nay . Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2016 Việt Nam đã tăng 9 bậc (từ vị trí 91 lên 82) về chỉ số môi trường kinh doanh. Các tổ chức như Eurocham, Amcham, Jetro đều đưa ra góc nhìn tích cực về môi trường kinh doanh của Việt Nam”.
Nhung van de lam nong hoi nghi Thu tuong voi doanh nghiep 2017
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Chí Dũng cũng cho hay: “Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh nhưng phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi. Những vấn đề như chưa giải quyết triệt để sự không thống nhất giữa các luật dẫn đến vướng mắc trong thực thi, khó khăn trong tiếp cận vốn và các nguồn lực xã hội hay chi phí kinh doanh cơ bản còn ở mức cao vẫn còn là những điểm nghẽn cần tháo gỡ”.
Ông Nguyễn Chí Dũng đưa ra dẫn chứng: “Những tồn tại như chi phí vận chuyển một container từ cảng Hải Phòng về Hà Nội đắt gấp 3 lần so với từ Hàn Quốc, Trung Quốc về Việt Nam; chi phí tiếp cận điện năng cao gấp 49 lần Philippines hay chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4 (39% lợi nhuận làm ra, cao hơn 2 lần Singapore) là những ví dụ điển hình cho vấn đề này”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày quan điểm: “Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của năm 2017 và những năm còn lại của nhiệm kỳ, tinh thần và nội dung của Nghị quyết 35 cần phải được quán triệt và triển khai mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa”.
Một bộ phận doanh nghiệp chủ động "đi đêm", "chi ngầm" để tạo lợi thế cạnh tranh
Tại hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Nguyễn Văn Thân thẳng thắn phát biểu: “Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp, nhưng khâu thực thi vẫn là khâu yếu nhất, một bộ phận cán bộ, công chức vẫn thể hiện sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không hết mà tìm cách bắt lỗi doanh nghiệp (DN), không coi DN là đối tượng phục vụ. Do đó, DN phải "đi đêm", "chung chi", theo tinh thần “của công chia ba, của nhà chia đôi”. DN hiểu một phần lý do là tiền lương của cán bộ, công chức còn thấp, đạo đức công vụ thấp, nên họ phải tìm nguồn thu nhập thêm. Từ phía DN, một bộ phận DN nhận thức không đúng về kinh tế thị trường, thiếu năng lực cạnh tranh nên cạnh tranh bằng quan hệ, đi đêm, đi ngầm… Một số khác do bị sức ép từ các công chức nên phải chi để được việc mặc dù nhận thức được việc làm này là không đúng, vi phạm pháp luật, nhưng vì sự tồn tại của DN, vì việc làm nên miễn cưỡng thực hiện. Nếu các chi phí không chính thức không được đẩy lùi, sẽ gây muôn vàn khó khăn cho DN, khiến DN mệt mỏi, chán chường, nản chí kinh doanh, bóp méo tư tưởng cạnh tranh, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của quốc gia, làm hỏng bộ máy, giảm niềm tin của nhân dân. Do đó, rất cần sự chung tay và thực tâm từ hai phía là cơ quan nhà nước và doanh nghiệp”.
Ông Nguyễn Văn Thân cũng đề nghị: “Với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành, đề nghị có giải pháp tăng cương kỷ luật, kỷ cương, khen thưởng kịp thời các cán bộ công chức có trách nhiệm, nêu cao tinh thần phục vụ doanh nghiệp. Chỉ đạo các cơ quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trình Quốc hội Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đây là đạo luật quan trọng, trong đó đề nghị Quốc hội giao nhiệm vụ cụ thể cho Hiệp hội. Hiện nước ta đang tồn tại 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó 3,7 triệu hộ có đăng ký và 77% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ của Việt Nam đi lên từ hộ kinh doanh. Nên các hộ kinh doanh cần được đối xử bình đẳng như với DN nhỏ và vừa. Muốn hộ kinh doanh chuyển thành DN, phải có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước để họ thấy việc chuyển đổi có lợi ích lâu dài. Hiêp hội đề nghị Thủ tướng giao Hiệp hội phối hợp với Bộ KH&ĐT xây dựng chương trình hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển thành DN. Trong hai năm qua, Chính phủ đã triển khai hàng chục chương trình hỗ trợ DN, nhưng còn thiếu tính liên kết. Hiệp hội đề nghị cần chuyển giao việc thực hiện một số dịch vụ công cho các hiệp hội, qua đó giảm chi phí cho DN, giảm chi tiêu ngân sách nhà nước và nâng cao năng lực của của các hiệp hội. Cuối cùng, nguồn lực trong dân hiện rất lớn, đề nghị có chính sách, giải pháp đột phá để huy động nguồn lực này, tinh thần là vay dân còn hơn đi vay chỗ khác”.
Trả lời kiến nghị giảm gánh nặng thuế của ông Nguyễn Văn Thân, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng cho biết: “Chi phí thuế của doanh nghiệp Việt Nam ở mức cao nhất khu vực là đúng, nhưng chủ yếu do phần nghĩa vụ này tính cả thuế thu nhập doanh nghiệp và phần đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. So với các nước cùng khu vực, chi phí thuế của Việt Nam thậm chí còn thấp hơn, nhưng tỷ lệ đóng bảo hiểm cao hơn nhiều. Người đừng đầu Bộ Tài chính cũng cho biết, sẽ tiếp tục xây dựng phương án để cắt giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp”.
Một tháng doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra đến 3 lần
Tại hội nghị, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: “Những cải cách về thể chế, xây dựng pháp luật và cơ chế chính sách về hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp là những điểm nhấn trong công tác điều hành năm vừa qua. Trong 2016, tổng số thủ tục hành chính giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 tại các Bộ, ngành là 112 và các địa phương là 8.215. Kể từ khi Hệ thống thông tin phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp đi vào hoạt động (1/10/2016) đến nay, Văn phòng Chính phủ đã tiếp nhận tổng cộng 586 phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, với tỷ lệ giải quyết đạt trên 76%. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hỗ trợ phát triển doanh nghiệp còn những tồn tại, hạn chế. Những quy định pháp luật, cơ chế chính sách chưa thực sự tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, cũng như việc phát sinh những thủ tục hành chính mới không cần thiết, không hợp lý. Nhiều quy định còn can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, vi phạm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dẫn chứng, một doanh nghiệp tại Đồng Nai phản ánh một tháng bị thanh, kiểm tra đến 3 lần, có doanh nghiệp ở địa phương khác bị thanh tra tới 12 lần trong năm. Một số bộ, ngành trung ương không gửi kế hoạch thanh, kiểm tra cho địa phương gây khó khăn cho triển khai thực hiện. Trong khi đó, việc tiếp cận các nguồn lực của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn nhiều hạn chế, từ các thủ tục vay vốn, thủ tục hành chính về đất đai còn rườm rà, kéo dài.
“Việc cải cách, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của bộ phận cán bộ, công chức nên gặp cản trở ngay từ bên trong. Tình trạng chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính còn nhiều”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu.
Một số hộ đã tìm đến đường cùng bằng việc tự tử vì lỗ vốn quá nhiều trong chăn nuôi
Tại hội nghị, ông Phạm Văn Sơn, Ủy viên Ban quản trị Tập đoàn BMG bày tỏ 6 kiến nghị. Cụ thể:
Chính phủ họp để tìm cách tháo gỡ cho các hộ chăn nuôi, các DN sản xuất kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, các đại lý phân phối, hộ kinh doanh, nông dân bằng cách khoanh nợ, gia hạn nợ cho các hộ nông dân. Bởi một số hộ đã tìm đến đường cùng bằng việc tự tử vì lỗ vốn quá nhiều trong chăn nuôi, không còn khả năng trả nợ. Hỗ trợ lãi suất cho DN, hộ kinh doanh, chủ trang trại theo các gói hàng trăm nghìn tỷ đồng để được vay vượt qua thời gian khó khăn này.
Hai là, Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành, Bộ Công Thương, VCCI vào cuộc kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp tìm đầu ra cho các sản phẩm của hộ chăn nuôi tiến đến xuất khẩu thực phẩm.
Ba là, huy động các DN lớn trong nước thu mua, chế biến các sản phẩm từ thịt, trứng để làm thực phẩm thức ăn nhanh giống như KFC, dăm bông, ruốc, xúc xích đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cùng xây dựng thương hiệu quốc gia về nông nghiệp. Việt Nam có nhiều thế mạnh về nông nghiệp, có thể xây dựng thương hiệu quốc gia vì có gần 70% dân số làm nông nghiệp, xây dựng Việt Nam là điểm đến của khách du lịch quốc tế, làm bếp ăn của thế giới, là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư...
Bốn là, xây dựng quy hoạch các vùng nguyên liệu ngô, đậu tương, sắn, dược liệu, nguyên liệu sản xuất thuốc tân dược, thú y... giảm thiểu nhập khẩu. Bởi tính riêng các mặt hàng trên, Việt Nam đang nhập khẩu gần 6 tỷ USD/năm trong khi diện tích đất đồi núi lớn, đất trống còn nhiều, bờ biển dài, thuận lợi trong phát triển và xuất khẩu thủy sản. Chính phủ nên dành nguồn kinh phí cho các dự án khả thi trên, đây là lợi thế của Việt Nam, đặc biệt Chính phủ nên lập các dự án mang tầm cỡ quốc gia cho các DN kết hợp với các trường ĐH Nông nghiệp đảm nhận.
Năm là, có chính sách quy hoạch chăn nuôi cấp phép kiểm soát chất lượng đầu vào-đầu ra của người trồng lúa, ngô, đậu, sắn, rau củ quả... của Việt Nam tránh tình trạng nguyên liệu ngô có thuốc trừ cỏ, sắn bị mốc, lúa nhiễm kim loại nặng, tồn dư thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Kiểm soát và xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia hướng đến thực phẩm siêu sạch, bảo vệ sức khỏe con người Việt Nam, hướng đến xuất khẩu ra thế giới.
Sáu là, hỗ trợ vay vốn và giao đất thời gian dài cho những người làm trang trại vì hiện nay những người làm trang trại được vay vốn rất ít và chỉ được giao trong thời gian ngắn nên dù nhiều DN lớn muốn dầu tư vào ngành chăn nuôi nhưng sợ rủi ro nên họ không đầu tư.
Năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn tương đối thấp so với các nước trong khu vực
Tại hội nghị, Tổng Giám đốc HSBC, ông Phạm Hồng Hải nhìn nhận, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có rất nhiều biến động, nhiều bất ổn về chính trị gần đây, chúng ta nhìn thấy Việt Nam nổi lên như một điểm sáng trong khu vực với lợi thế về giá nhân công cạnh tranh, ổn định về chính trị, kinh tế vĩ mô. Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài hiện nay đã khẳng định họ xác định Việt Nam là điểm đến duy nhất trong khu vực hiện nay và họ vẫn kỳ vọng sẽ mở rộng đầu tư vào Việt Nam.
Ông Phạm Hồng Hải cũng đưa ra 3 kiến nghị dành cho Chính phủ. Thứ nhất là để tận dụng được làn sóng FDI thời gian gần đây, chúng ta cần quan tâm đến yếu tố môi trường, vấn đề liên kết của doanh nghiệp Việt, với doanh nghiệp FDI. Chúng ta cũng thấy rằng một đất nước muốn phát triển, không thể chỉ dựa vào lợi thế của nhân công giá rẻ, chúng ta cần xây dựng chiến lược trọng tâm về những ngành trọng tâm mũi nhọn mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh. Chúng ta cần đầu tư công nghệ để có thể phát triển, cạnh tranh bền vững.
Năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn tương đối thấp so với các nước trong khu vực, chúng ta cần đẩy mạnh cải cách giáo dục, sử dụng nhiều nguồn lực khác nhau để có thể nâng cao chất lượng giáo dục, áp dụng công nghệ vào trong phổ biến giáo dục, cộng thêm với việc đưa tiếng Anh vào một số môn học. Khuyến khích sự phản biện và sáng tạo trong giáo dục. Cải cách giáo dục sẽ nâng năng suất lao động của người Việt Nam lên rất nhanh.
Hiện nay, chúng ta đang rất quyết liệt trong quá trình gia nhập TPP. Hiện nay chúng ta vẫn chưa biết tương lai của TPP như thế nào, tuy nhiên Chính phủ đã có những cam kết về TPP. Chúng tôi vẫn kiến nghị rằng những cải cách này sẽ làm tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam sắp tới.
Nhìn vào Việt Nam hiện nay là một đất nước có sự phát triển tốt cộng thêm những chính sách rất quyết liệt của Chính phủ, cộng thêm làn sóng FDI vào Việt Nam tạo ra cơ hội rất lớn cho cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, thời gian gần đây, chúng ta nhìn thấy một số doanh nghiệp Việt Nam có phần ‘hụt hơi’ trong quá trình cạnh tranh với doanh nghiệp FDI, vậy thì làm sao để chúng ta tăng tính cạnh tranh lên. Một đất nước chỉ có thể phát triển bền vững khi có những doanh nghiệp nội cũng phát triển mạnh mẽ, bền vững. Để có thể phát triển, tồn tại trong tương lai, theo tôi, doanh nghiệp Việt cần thật sự cải cách, nâng cao giá trị cạnh tranh, đầu tư vào công nghệ để phát triển bền vững, nâng cao kỹ năng quản trị, áp dụng khoa học công nghệ, tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI. Đây là những bài toán của doanh nghiệp Việt có thể phát triển bền vững.
Cuối cùng, Việt Nam đang có lợi thế rất lớn so với các nước trong khu vực, dựa vào nhân công giá rẻ, cộng thêm làn sóng FDI vào Việt Nam. Đây chính là “cơ hội vàng” của Việt Nam để có thể tiến hành cải cách đất nước. Tôi rất hy vọng Chính phủ sẽ tiếp tục cải cách để đưa Việt Nam trở thành một con hổ mới của Châu Á.
Hải Ninh

Bình luận(0)