Những đứa trẻ bước qua hủ tục

Google News

Một vài dân tộc thiểu số sống ở dãy Trường Sơn quan niệm người mẹ mới sinh con chẳng may chết đi thì phải làm theo tục chôn con theo mẹ.

Căn nhà anh Hồ Hoàng nằm ở trung tâm bản K’ai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Anh là cha của cháu Hồ Dưỡng, một trong những người thoát chết bởi hủ tục chôn con theo mẹ kể trên. Ông Cao Xuân Xiêm, Trưởng bản K’ai, cùng đến nhà anh Hoàng với chúng tôi và là người nắm tường tận sự việc.
Thề độc trước dân làng
Hôm đó là ngày 4-12-2010, chị Hồ Thị Lon (vợ anh Hoàng) trở dạ rồi sinh ra Dưỡng nhưng tử vong sau đó do băng huyết. Theo phong tục người Mày, nếu mẹ chết thì dân bản sẽ chôn cả mẹ lẫn con. "Lúc đó tôi chưa là trưởng bản, thấy dân làng ra ngoài mua dây thừng, các đồ khâm liệm cho chị Lon và Dưỡng, tôi thương đứa trẻ vô cùng bèn tức tốc chạy tới trạm biên phòng K’ai và UBND xã Dân Hóa cầu cứu" - ông Xiêm nhớ lại.
Từng tham gia cuộc giải cứu này, ông Đinh Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Dân Hóa, cho biết đây là một ca khó. Ông Tiến kể dù được cán bộ xã và bộ đội biên phòng vận động nhưng dân làng và gia đình không chịu giữ lại đứa bé. Sau cùng, bộ đội biên phòng và UBND xã phải làm một bản cam kết sẽ nuôi nấng Hồ Dưỡng và "thề độc" chịu mọi trách nhiệm nếu "ma mẹ" bắt vạ. "Dưỡng được cứu sống, nay đã 7 tuổi, đang sống và học tập ở làng SOS Đồng Hới" - ông Tiến nói.
Nhung dua tre buoc qua hu tuc
Một số nhân chứng ở bản K’ai kể lại những câu chuyện hủ tục rợn người. Ảnh: MINH TUẤN 
Tại bản K’ai, trước Dưỡng còn có bà Hồ Thị Phúc (41 tuổi) thoát chết trong gang tấc vì hủ tục này. Khi chúng tôi tìm đến nhà, bà Phúc đã cùng các con lên rẫy nên chỉ gặp bà Hồ Thị Xa (mẹ nuôi bà Phúc).
Bà Xa kể hơn 40 năm trước, vợ chồng bà lấy nhau hơn 10 năm mà không có con. Khi đó, nghe tin trong bản đang làm lễ cúng để chôn sống một đứa bé có mẹ bị "ma bắt" khi sinh nở, tò mò nên bà đến xem. Tới nơi, thấy đứa trẻ bị buộc chặt cạnh mẹ, khóc ré từng hồi nên bà mủi lòng. "Tôi không có con mà thấy người ta chôn con nên tội. Tôi đứng trước đám đông cầu xin già làng cho đứa bé được sống và nói nếu ma bắt sẽ bắt gia đình tôi chứ không ai can chi nên họ mới đồng ý cho" - bà Xa nhớ lại. Tuy nhiên sau đó, gia đình bà bị buộc phải rời bản K’ai đến sống ở một bản khác cách 13 km để không "vạ lây" cho làng.
Tình phụ tử chiến thắng hủ tục
Ở Mái ấm tình thương Vinh Sơn 1 (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đang nuôi dưỡng 200 trẻ mồ côi, cơ nhỡ. Trong số này, có một số trẻ cũng suýt chết vì hủ tục chôn con theo mẹ.
Năm 2009, vợ A Diệt ở làng Đắk Rế (xã Đắk Na, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) sau khi sinh con đã tử vong, đứa bé không còn người cho bú nên cũng phải theo tục "nao tu mí" (chôn con theo mẹ). Tục "nao tu mí" có từ thời xưa, dân làng không ai dám cãi lại, nếu không sẽ bị thần linh (yàng) phạt làm cho mất mùa, dịch bệnh.
Sáng hôm đó, cả làng đang tập trung bên chiếc quan tài chuẩn bị đặt xác vợ A Diệt và đứa trẻ vào để đưa về với làng ma. Nghe tiếng con gào khóc, lòng A Diệt như muối xát, nhân lúc người làng không để ý, anh lén bồng đứa bé chạy nhanh sang làng bên cạnh gửi cho một người bạn. Người này lập tức ôm đứa bé vào Mái ấm tình thương Vinh Sơn 1. Tại đây, đứa bé được đặt tên là A Long, hiện đã 9 tuổi, đang học lớp 4. "Lúc đưa A Long về tới đây thì đã yếu lắm rồi. Nhưng như một phép màu, A Long lớn dần, đến ngày thứ 10 thì cất được tiếng khóc" - xơ Y Kham nhớ lại.
Nhung dua tre buoc qua hu tuc-Hinh-2
A Long chỉ cho phóng viên Báo Người Lao Động xem vết sẹo sau khi phẫu thuật tim Ảnh: Chí Phong 
Nỗi bất hạnh còn đeo đẳng khi A Long bị bệnh tim bẩm sinh, may mắn sau đó em được phẫu thuật và sức khỏe đã ổn định. "Thỉnh thoảng bố cũng xuống thăm con, đón con về nhà chơi" - A Long kể.
Cùng cảnh ngộ với A Long là A Pianh (10 tuổi); vốn là người dân tộc Bahna ở huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Mẹ A Pianh mang bầu và sinh em trên rẫy vì kiệt sức nên qua đời. Cha A Pianh cuốn em bằng một mảnh vải rồi mang vào rừng treo lên cành cây và bỏ về. May sao, lúc này có một nhóm thợ săn nghe tiếng trẻ con khóc liền tìm tới cứu sống và gửi em vào Mái ấm tình thương Vinh Sơn 1. Năm nay, A Pianh học lớp 5, có năng khiếu đặc biệt về ngoại ngữ.
Chỉ là trường hợp cá biệt
Theo ông A Phương, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, trước đây có việc mẹ chết con phải chôn theo nhưng chỉ là một số trường hợp cá biệt. Hiện nay, nhờ sự tuyên truyền của chính quyền địa phương nên không còn trường hợp đáng tiếc nào xảy ra nữa.
Trong khi đó, theo trung úy Hoàng Quý Hòa, cán bộ Trạm Biên phòng K’Vàng kiêm phụ trách bản K’ai, hủ tục này tồn tại từ bao đời của người Mày, dù không xảy ra nhiều nhưng vẫn sót lại trong thời đại văn minh. "Chúng tôi thường xuyên phối hợp với các cấp chính quyền tăng cường tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ nhiều hủ tục lạc hậu, trong đó có tục mẹ chết thì chôn con theo. Đây không phải là việc một sớm, một chiều có thể giải quyết triệt để nhưng dần dần chúng tôi tin là xóa bỏ được" - trung úy Hòa khẳng định.
Theo Minh Tuấn - Hoàng Thanh/Người Lao Động

>> xem thêm

Bình luận(0)