Những chuyện lạ trong bổ nhiệm cán bộ tại Hải Dương?

Google News

(Kiến Thức) - Một số cán bộ không có bằng cấp 3 vẫn được bổ nhiệm làm bí thư xã, thậm chí có cán bộ từng bị kỷ luật về đánh bạc, sau đó vẫn được bổ nhiệm làm chủ tịch xã…

“Bổ nhiệm cán bộ” luôn là vấn đề gây nóng dư luận tại tỉnh Hải Dương. Điển hình như vụ việc tại Sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương có 44/46 công chức làm lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều mặt tồn tại trong việc bổ nhiệm như không đảm bảo quy định vẫn tuyển dụng công chức, chưa đáp ứng tiêu chuẩn ngạch vẫn được bổ nhiệm phó trưởng phòng… chuyện nhiều cán bộ ở phường Nhị Châu (TP Hải Dương) bị xử lý vì dùng bằng giả và nhiều cán bộ, thậm chí lãnh đạo cũng lùm xùm dư luận liên quan đến chuyện bằng cấp.
Mới đây, tại huyện Bình Giang (tỉnh Hải Dương), dư luận lại tiếp tục xôn xao khi Bí thư Đảng ủy xã Thái Hòa và Bí thư Đảng ủy xã Thái Dương (huyện Bình Giang) không có bằng cấp 3 vẫn được bổ nhiệm chức vụ. Thậm chí có trường hợp như Chủ tịch UBND xã Hồng Khê (Bình Giang) từng bị kỷ luật cảnh cáo vì tội đánh bạc nhưng sau đó vẫn được bổ nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND xã.
Không có bằng cấp 3 vẫn làm bí thư Đảng ủy xã
Qua phản ánh của người dân và tìm hiểu thực tế của PV Kiến Thức, cả Bí thư Đảng ủy xã Thái Hòa – Lê Văn Tĩnh và Bí thư Đảng ủy xã Thái Dương – ông Đặng Văn Thường đều không có bằng cấp 3 nhưng vẫn được bổ nhiệm và hiện nay cả hai ông đều đã có đơn xin… nghỉ việc khi chuyện bằng cấp được phanh phui.
Trao đổi với PV Kiến Thức, ông Lê Văn Tĩnh – Bí thư Đảng ủy xã Thái Hòa thừa nhận bản thân ông không có bằng cấp 3.
“Sau khi tôi học hết cấp 2 thì đi bộ đội sau đó về xã tiếp tục công tác. Khoảng đầu những năm 2000 tôi có học cấp 3 tại trung tâm giáo dục thường xuyên nhưng do bận nhiều việc nên sau đó không đủ điều kiện để thi tốt nghiệp. Họ cấp cho tôi giấy chứng nhận học hết chương trình cấp 3. Sau đó tôi tiếp tục học lớp trung cấp lý luận chính trị và trung cấp nông nghiệp nhưng do không có bằng cấp 3 nên chỉ có giấy chứng nhận học xong hai chương trình trên”, ông Lê Văn Tĩnh cho biết.
 Bí thư Đảng ủy xã Thái Hòa - ông Lê Tĩnh.
Theo Ông Lê Văn Tĩnh, trước khi làm Bí thư Đảng ủy xã Thái Hòa, ông đã từng làm Chủ tịch UBND xã Thái Hòa, sau đó làm Chủ tịch HĐND và đến năm 2015 được chọn làm Bí thư Đảng ủy xã Thái Hòa.
Cũng theo lời ông Lê Văn Tĩnh, mới đây ông đã có đơn xin nghỉ việc thôi chức Bí thư Đảng ủy xã Thái Hòa.
Ông Bùi Văn Quyết – Phó Bí thư Đảng ủy xã Thái Dương cũng xác nhận việc ông Thường không có bằng cấp 3 là thông tin chính xác.
Ông Bùi Văn Quyết – Phó Bí thư Đảng ủy xã Thái Dương 
“Sau khi sự việc xảy ra, huyện ủy đã mời đồng chí Thường lên làm việc và đã có quyết định cho nghỉ từ 1/12/2017. Huyện cũng giao cho tôi đảm nhiệm từ nay cho đến khi kiện toàn chức danh bí thư xã” - Phó Bí thư Đảng ủy xã Thái Dương – Bùi Văn Quyết cho hay.
Từng bị kỷ luật cảnh cáo về việc đánh bạc vẫn được bổ nhiệm làm…Chủ tịch xã
Chủ tịch UBND xã Hồng Khê (huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) – Nguyễn Hữu Tám khi trao đổi với PV Kiến Thức chiều 1/12 cũng thừa nhận, bản thân từng bị kỷ luật cảnh cáo do việc đánh bạc khi làm Chỉ huy trưởng – Ban chỉ huy quân sự xã Hồng Khê.
“Năm 2013, khi tôi làm trưởng ban chỉ huy quân sự xã, sau khi đi tập huấn ở huyện về, hàng xóm có gạn ao cá nên mời sang ăn cơm. Sau khi ăn cơm xong, chúng tôi có ngồi chơi liêng. Sau đó, công an huyện đến bắt. Tôi bị phạt hành chính về việc đánh bạc và bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng” – ông Nguyễn Hữu Tám cho biết.
Chủ tịch UBND xã Hồng Khê – ông Nguyễn Hữu Tám. 
Theo lời Chủ tịch UBND xã Hồng Khê –Nguyễn Hữu Tám, sau khi vi phạm, ông Tám có làm đơn xin chuyển sang làm cán bộ văn hóa xã hội tại xã. Lý do của việc chuyển này được ông Tám giải thích, khi làm chức trưởng ban chỉ huy quân sự thường xuyên phối hợp với công an đảm bảo an ninh trật tự mà vi phạm như thế thì cảm thấy có lỗi.
Ông Nguyễn Hữu Tám cũng cho hay, năm 2015, ông được giới thiệu vào ban chấp hành Đảng bộ nhưng không tham gia. Năm 2016, theo quy trình bầu hội đồng nhân dân, ông tham gia ứng cử đại biểu HĐND của xã. Tháng 7/2016, tại kỳ họp thứ nhất, được giới thiệu ứng cử chức danh Phó chủ tịch UBND xã.
“Tuy nhiên, sau khi bầu Chủ tịch HĐND xã, đồng chí ứng cử chức danh này bị trượt, huyện có đặt vấn đề tôi tham gia. Lúc đó, tôi mới được bổ sung vào Ban chấp hành Đảng ủy xã và phó bí thư. Trước đó, năm 2014, Bí thư và Chủ tịch UBND xã Hồng Khê bị cách chức trong sai phạm đất đai, sau đó, đồng chí Vũ Đăng Chương là Phó Chánh văn phòng huyện ủy Bình Giang được điều động về làm Phó bí thư, sau đó là Bí thư Đảng ủy xã. Sau khi đồng chí Chương rút lên huyện thì xã không còn người nữa do toàn bộ cán bộ đều bị kỷ luật”, ông Nguyễn Hữu Tám cho biết.
 Trong lý lịch ứng cử HĐND xã, ông Tám cũng kê khai bản thân từng bị kỷ luật cảnh cáo.
“Sau đó, huyện có đề nghị tôi là tình hình như thế, trong “bó đũa chọn cột cờ”. Tôi không thiết tha gì cả nên có nói, tôi vừa bị kỷ luật như thế, liệu có thuyết phục được không. Các anh ấy có bảo, việc sai phạm qua rất lâu rồi. Trong kê khai lý lịch tôi đều kê khai việc bị kỷ luật cảnh cáo vào. Bởi việc này có giấu được đâu” - Chủ tịch UBND xã Hồng Khê cho biết.
Việc bổ nhiệm những cán bộ không có bằng cấp 3, thậm chí từng bị kỷ luật giữ những chức danh Bí thư xã, Chủ tịch UBND xã có đúng quy định bổ nhiệm? Có hay không việc “nhắm mắt làm ngơ” khi thẩm tra hồ sơ, lý lịch cán bộ khi chưa đủ tiêu chuẩn vẫn được bổ nhiệm? Trách nhiệm này thuộc về cá nhân tổ chức nào?
PV Kiến Thức sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng huyện Bình Giang và tiếp tục thông tin đến bạn đọc…
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)