Nhiều giáo viên phải ăn ngủ tại trường để chấm thi kịp tiến độ

Google News

406 giáo viên Ngữ văn của Hà Nội đang phải đẩy nhanh tiến độ chấm thi để hoàn thành đúng thời hạn.

Chiều 30/6, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã kiểm tra công tác chấm thi THPT quốc gia của Hà Nội. Theo Thứ trưởng, đây là đơn vị có khối lượng công việc lớn gấp nhiều lần so với các địa phương khác do quy mô thí sinh dự thi đông nhất cả nước.
Mỗi giáo viên chấm 360 bài
Cô Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng ban chấm thi bộ môn Ngữ văn của Hà Nội cho biết, do tổ chấm thi Ngữ văn của Hà Nội là nơi tập trung nhiều bài dự thi nhất cả nước nên công tác chấm thi được đặc biệt chú trọng. Để tiến hành chấm thi đảm bảo quyền lợi của thí sinh, các tổ chấm thi phải tổ chức chấm chung 30 bài thi sau khi được tập huấn về biểu điểm, đáp án chấm.
Nhiều tình huống giả định với mỗi bài làm của thí sinh được đưa ra để các giáo viên cùng bàn cách tháo gỡ, thống nhất biểu điểm cách chấm… bởi bài làm của thí sinh rất đa dạng, cách thức diễn đạt khác nhau. Hội đồng chấm thi môn tự luận của Hà Nội năm nay chốt tại trường THPT Phan Đình Phùng. Hiện các tổ chấm thi đang tiến hành chấm vòng 1. Dự kiến, ngày mai, 1-7 sẽ chuyển sang chấm vòng 2.
Nhieu giao vien phai an ngu tai truong de cham thi kip tien do
 Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga kiểm tra công tác chấm thi ở Hà Nội.
>>> Video: Phát hiện thiết bị siêu tinh vi phục vụ gian lận thi cử:
Ông Chử Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, giáo viên chấm thi đều được các trường giới thiệu, lựa chọn những người có năng lực, trách nhiệm. Tham gia chấm thi môn tự luận, Hà Nội huy động 406 giáo viên, trong đó, có nhiều giáo viên từ các huyện. Có 40 giám khảo phải ở lại điểm chấm thi vì quãng đường di chuyển quá xa và thời gian chấm thi khá gấp. Được biết, Hà Nội có hơn 72.000 bài thi và phải chấm hai vòng độc lập, do vậy, mỗi giáo viên phải chấm 360 bài thi.
Riêng về tranh cãi xung quanh câu hỏi liên quan đến “thấu cảm” khiến nhiều người lo ngại học sinh sẽ khó đạt điểm cao vì chưa thực sự hiểu thấu cảm là gì, cô Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định qua các bài chấm thi chung, thí sinh đều trả lời được câu hỏi này và không bị mất điểm “oan” như nhiều người lo ngại.
Xuất hiện điểm liệt môn Ngữ văn
Trong khi Hà Nội mới chính thức chấm thi môn Ngữ văn từ ngày 29/6, thì tại nhiều tỉnh thành khác, công tác chấm thi đã sắp vào giai đoạn hoàn thành. Tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT ngày 29/6, cô Lê Thị Vân Hường, tổ trưởng tổ chấm thi tự luận, ban chấm thi Sở GD-ĐT tỉnh Hưng Yên cho biết, việc chấm thi môn Ngữ văn tại tỉnh Hưng Yên đã bước sang ngày thứ 3. Tỉnh Hưng Yên huy động 72 cán bộ chấm thi tự luận và 8 cán bộ chấm kiểm tra theo đúng quy chế. Mỗi ngày, mỗi cán bộ chấm thi chấm 30 bài thi tự luận theo quy định 2 vòng độc lập.
Theo nhận định của cô Hường, đã có những bài thí sinh đạt điểm cao, ở mức 8,75. Tuy nhiên, một số thí sinh đã bị điểm liệt (dưới 1). Cô Hường cho biết, số điểm liệt thì không nhiều, chủ yếu là do các em không viết được hoặc chỉ viết vài ba dòng. Cô Lưu Thị Tuyết Minh, tổ trưởng tổ chấm thi tự luận số 4 tại tỉnh này cho hay mức điểm phổ biến của thí sinh trong bài thi môn Ngữ văn những ngày chấm vừa qua phổ biến từ 4-6 điểm. Mức điểm cao nhất tại tổ của cô Minh là 8,75, chưa có thí sinh nào bị điểm liệt nhưng đã có những thí sinh bị điểm 1,25. Những thí sinh bị mức điểm này chủ yếu là do viết ít, ý thức làm bài chưa cao.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho biết, năm nay các địa phương trong cả nước đã chuẩn bị rất chu đáo cho công tác chấm thi, cả trắc nghiệm và tự luận, cũng là năm đầu tiên các sở chủ trì kỳ thi với hai mục đích nên đã có những sự chỉ đạo quyết liệt từ UBND các tỉnh, thành phố.
Các địa phương cũng đã huy động nhiều người có kinh nghiệm chấm thi ở phổ thông của những năm trước. Năm nay, Hội đồng thi tỉnh nào chấm xong trước, sau khi đối chiếu với kết quả của Bộ mà chuẩn xác, sẽ công bố sớm. Được biết tỉnh Hưng Yên dự kiến hoàn thành việc chấm bài thi môn tự luận vào sáng 3/7.
Theo Vinh Hương/ An Ninh Thủ Đô

>> xem thêm

Bình luận(0)