Nhà bị “xóa sổ” sau lũ, dân Xuyên Cỏ ở nhờ đón Tết

Google News

Trận lũ lịch sử cuối năm 2016 xóa sạch hơn 10 ngôi nhà ở xóm Xuyên Cỏ (thôn An Xuyên 3, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, Bình Định), khiến hàng chục hộ dân lâm cảnh “màn trời, chiếu đất”.

Nha bi “xoa so” sau lu, dan Xuyen Co o nho don Tet
Chỉ còn 2 ngày nữa đến Tết thế nhưng nhiều ngôi làng xóm Xuyên Cỏ vẫn chỉ là đống đổ nát. Ảnh: Dũ Tuấn 
Nhà đâu… mà sắm Tết
Trong khi mọi nơi đang rộn ràng, tất bật mua hoa, dọn dẹp nhà cửa đón Tết thì người dân xóm Xuyên Cỏ vẫn đang tá túc nhà người thân, nương nhờ lều tạm. Ông Phan Văn Tiên (57 tuổi, xóm Xuyên Cỏ) buồn bã nói: “Giờ này mọi năm, bà con mua sắm Tết nhộn nhịp, con cái quây quần đông đủ. Nhưng năm nay, nhà cửa sập còn đâu tâm trí mà vui chơi đón xuân. Mới đây, huyện đã bố trí cấp đất ở chỗ mới, nhưng giờ xoay đâu ra tiền để xây dựng nhà mới”.
Nhà đổ sập, vợ chồng chị Trần Thị Liên (31 tuổi) cùng 2 đứa con nhỏ dắt díu “tá túc” nhờ nhà người thân. “Giờ còn đang phải đi ở nhờ, lo ăn từng bữa cho qua ngày. Sống được ngày nào hay ngày đó chứ Tết nhất gì. Dân xóm Xuyên Cỏ, sống chủ yếu vào nuôi tôm, giờ hồ tôm bị lũ tấn công hư hỏng. Khắc phục hơn tháng trời chưa xong, không biết chừng nào mới thả lại tôm, nên người dân còn lo thiếu ăn dài dài”- chị Liên chia sẻ.
Nha bi “xoa so” sau lu, dan Xuyen Co o nho don Tet-Hinh-2
 Đường vào làng bị “xóa sổ”, người dân dựng lại bằng tre. Ảnh: Dũ Tuấn
Chỉ còn 2 ngày nữa là Tết, nhưng người dân xóm Xuyên Cỏ vẫn đang nỗ lực khắc phục hậu quả, sửa sang lại các hồ nuôi tôm, đắp đường đi lại. Nhiều hộ vẫn đang tá túc ở nhà người thân, có gia đình thì liều ở tạm trong phần còn lại của căn nhà chưa sập hẳn. Con đường dẫn đến nhà anh Nguyễn Văn Hùng (44 tuổi) bị “xóa sổ”. Bị lũ giật sập khu nhà dưới nên gần như toàn bộ sinh hoạt gia đình anh được gói gọn trong phòng khách chật hẹp. “Không riêng gì các hộ dân xóm Xuyên Cỏ có nhà sập hoàn toàn mà cả dân thôn An Xuyên 3 cũng không chờ mong gì Tết. Hàng trăm hồ tôm bị cuốn trôi theo lũ, thiệt hại mỗi hộ từ vài chục triệu đến hàng 100 triệu, thì tiền đâu mà mua sắm Tết” - anh Hùng chia sẻ.
Ra Tết… mới dựng nhà
Được chính quyền cấp nhà bạt, gia đình ông Hoàng Văn Nên (62 tuổi) phải căng nhờ trên đất người khác để ở tạm đón Tết. Ông Nên kể: “Tết năm nay chúng tôi chẳng mua sắm gì cả, để dành tiền xây lại nhà mới và làm nhiều việc khác. Trong cơn hoạn nạn, chúng tôi nhận được sự quan tâm rất nhiều từ chính quyền và sự đùm bọc che chở của bà con láng giềng, sự hỗ trợ của đồng bào trong cả nước. Thế nhưng, chắc ra Tết thì người dân mới dành dụm để xây nhà kịp, chứ ở nhờ kiểu này thì sao sống được”.
Không còn nhà cửa vì lũ cuốn nên ngày tiễn ông Táo lên chầu trời của người dân Xuyên Cỏ cũng rất đơn giản. Chỉ một bộ áo giấy mới, ít vàng hương rồi đem đến trước khu nhà bị lũ cuốn, thắp hương báo trước khi tiễn ông về trời. Anh Phan Văn Sơn (33 tuổi) chia sẻ: “Ngày tiễn ông Táo lên chầu trời, gia đình tôi chỉ mua một hộp bánh ngọt, một bộ áo mới, ít vàng hương đem ra trước khu nhà đã san bằng do lũ. Ông Công, ông Táo là thần giữ nhà, giữ đất, nhưng nhà không còn nên vợ chồng làm đơn giản báo ông gọi là. Chứ nhà không còn, mình đi đâu ông theo đó, ăn gì ông ăn nấy”.
Nha bi “xoa so” sau lu, dan Xuyen Co o nho don Tet-Hinh-3
 Người dân Xuyên Cỏ thắp nén nhang ngày cuối năm. Ảnh: Dũ Tuấn
Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho biết: “Xóm Xuyên Cỏ, thôn An Xuyên 3 là địa bàn chịu nhiều thiệt hại nặng nhất do lũ. Riêng 14 hộ dân có nhà sập hoàn toàn, trong đó có 10 hộ đang ở nhờ nhà người thân, còn 4 gia đình không có nhà ở địa phương đã dựng nhà bạt để người dân ở tạm ổn định cuộc sống đón Tết. Chúng tôi đã cấp đất mới cho người dân có nhà sập nhưng phải chờ qua Tết người dân mới xây dựng nhà kịp”.
Theo Dũ Tuấn/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)