Người hành hung nhân viên môi trường có thể bị phạt ra sao?

Google News

(Kiến Thức) - Theo luật sư, hành vi của đối tượng hành hung nữ công nhân môi trường có dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 Bộ luật hình sự.

Hôm 15/6, nữ nhân viên môi trường - chị Trần Thị Thanh (32 tuổi – nhân viên công ty Xí nghiệp môi trường đô thị số 2) đã bị hành hung đến bất tỉnh, phải nhập viện khiến dư luận xôn xao. Sự việc xảy ra vào khoảng 19h30 trên đường Nguyễn Hữu Huân (Hà Nội), khi chị Thanh đi tuyên truyền, nhắc người dân đổ rác đúng quy định thì xảy ra lời qua tiếng lại với một số hộ kinh doanh tại đây. Sau đó, khi nữ công nhân đến trước nhà số 7 đường Nguyễn Hữu Huân, bất ngờ bị một cặp đôi nam nữ đuổi theo hành hung bất tỉnh tại chỗ và được người dân đưa vào Bệnh viện Thanh Nhàn cấp cứu. Theo ông Đào Quang Minh - Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn thông tin, chị Trần Thị Thanh nhập viện với chẩn đoán tổn thương não, tuy vậy kết quả chụp cắt lớp chưa phát hiện tổn thương não, tình trạng bệnh nhân đã ổn định hơn.
Ngày 16/6, lực lượng chức năng đã truy xét đôi nam nữ liên quan đến vụ hành hung nữ công nhân môi trường, xảy ra một ngày trước.
Nguoi hanh hung nhan vien moi truong co the bi phat ra sao?
Chị Trần Thị Thanh bị hành hung đến ngất xỉu. 
Liên quan đến vụ việc nữ công nhân môi trường bị hành hung, luật sư Nguyễn Thành Nam (Văn phòng luật sư Nam Minh – đoàn luật sư TP Hà Nội) bày tỏ quan điểm: “Không thể hành xử coi thường pháp luật như vậy. Cần nghiêm trị những kẻ cố ý hành hung, gây thương tích nặng cho người khác. Hành vi của hai đối tượng nam nữ trên đã có dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 Bộ luật hình sự. Theo luật pháp, người hành vi hành hung nữ nhân viên môi trường có thể bị xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ thương tích của người bị hại. Ngoài trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự, họ còn phải chịu trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho nữ nhân viên môi trường”.
“Tuy nhiên, để xử lý đối tượng thì người bị hại cần phải có đơn yêu cầu khởi tố. Trên cơ sở đó, các cơ quan tố tụng sẽ xem xét ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và ra quyết định trưng cầu giám định tổn hại sức khỏe người bị hại để làm căn cứ khởi tố bị can”, luật sư Nam cho biết.
Về trách nhiệm hình sự: Điều 104 BLHS 1999 sửa đổi bổ sung 2009 quy định:
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người, hoặc từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
Nếu mức độ thương tật của người bị hại từ 11 % trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc vào các trường hợp nêu tại khoản 1 trên thì hai đối tượng này sẽ phạm tội Cố ý gây thương tích, khung hình phạt dành cho họ được quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 của điều luật – tức là tương ứng với mức độ thương tích hai đối tượng này gây ra cho nữ nhân viên môi trường.
Về trách nhiệm hành chính:
Nếu mức độ thương tích của nữ nhân viên môi trường dưới 11% và không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 điều 104 BLHS 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 thì hành vi hành hung của cặp đôi nam nữ đó chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội thì người nào có hành vi đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Về trách nhiệm dân sự: Hành vi hành hung của hai đối tượng dù bị xử phạt hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự đều phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho người bị hại.
Linh Hoàng

>> xem thêm

Bình luận(0)