Ly hôn, chồng có phải bồi thường trinh tiết cho vợ?

Google News

Chị T. cho rằng, sau khi kết hôn và sống với anh thì chị bị mất trinh tiết nên khi ly hôn, anh phải bồi thường danh dự, nhân phẩm cho chị.

Mời độc giả xem clip "Nhật Bản sửa luật cấm lấy chồng sau ly hôn": (Nguồn VTC1)
Cách đây mấy năm trong vụ án ly hôn, chị Nguyễn Thị T. (tên nhân vật đã được thay đổi), cư trú tại quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội đã yêu cầu anh Nguyễn Văn Hùng bồi thường danh dự.
Lý do của chị T. là, khi kết hôn với anh Hùng, chị đang là con gái, sau khi kết hôn và sống với anh thì chị bị mất trinh tiết nên khi ly hôn, anh Hùng phải bồi thường danh dự, nhân phẩm cho chị.
Ảnh minh họa. 
Trinh tiết, tuổi xuân có phải là danh dự, nhân phẩm?
Tuy nhiên, Hội đồng xét xử nhận thấy, việc anh chị kết hôn là tự nguyện và việc quan hệ sinh lý vợ chồng sau khi kết hôn cũng là hợp pháp nên không thể coi việc mất trinh tiết của chị T. là tổn thất danh dự, nhân phẩm.
Nay chị T. yêu cầu bồi thường danh dự, nhân phẩm nhưng ngoài lời khai trên chị không có những lý do chính đáng và không đưa ra được những tổn thất (nếu có) để chứng minh danh dự, nhân phẩm của chị bị xâm phạm, do đó HĐXX Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân không có cơ sở để xem xét yêu cầu đòi bồi thường danh dự, nhân phẩm cho chị.
Lại có vụ án ly hôn, người vợ yêu cầu chồng phải bồi thường tuổi thanh xuân, hao mòn thân thể khi đã chung sống với chồng hơn 10 năm với số tiền cụ thể, dù cho thẩm phán đã giải thích nhiều lần là không có cơ sở để xem xét.
Từ thực tiễn những vụ án trên, có thể nhận thấy danh dự, nhân phẩm của cá nhân được hiểu như thế nào trong thực tiễn, trong nhận thức của mỗi người là rất quan trọng.
Đặc biệt là trong thế giới phẳng, kết nối internet hiện nay thì vấn đề danh dự, nhân phẩm, uy tín lại càng có ý nghĩa và cần được pháp luật bảo vệ. Không hiếm gặp trên các trang mạng xã hội nhiều hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín.
Việc ghép ảnh, chỉnh sửa ảnh, đưa các câu chữ vào những người nổi tiếng, quan chức, chính trị gia đang tràn lan trên mạng. Việc dẫn nguồn từ các trang mạng không chính thống để bình phẩm loạn xạ, chửi bới người này, chê bai người khác đã là “chuyện thường ngày ở huyện” không có hồi kết.
Pháp luật quy định thế nào về bảo vệ danh dự, nhân phẩm
Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 đã có nhiều quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín. Điều 34 BLDS 2015 quy định:
“1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. 2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.
Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.
4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.
5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại”.
Như vậy, có thể khẳng định, quy định pháp luật về bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là rất đầy đủ, được áp dụng cả trong những trường hợp sau khi cá nhân chết.
Như vậy, chết không phải là hết, ít nhất là còn liên quan đến vấn đề về bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, vấn đề thừa kế và quyền được hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác của mình.
Làm thế nào để bảo vệ mình?
Tuy nhiên, trong thực tiễn, việc người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng khi không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình là chưa mang tính khả thi cao.
Người dân vẫn có tâm lý “vô phúc đáo tụng đình”, để được Tòa án thụ lý vụ án là cả một quá trình gian nan đến mức mà người viết bài này thường nói với thân chủ của mình là trong các vụ án phi hình sự được tòa án thụ lý đơn đã là thành công.
Do thời gian, quy trình tố tụng của Tòa án thường kéo dài, phức tạp, do đó, nguyên đơn khi biết mình bị xâm phạm về danh dự, uy tín, nhân phẩm nhưng cũng ngại mang vụ việc đến tòa án giải quyết, đành chấp nhận “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Dù vậy, trong trường hợp nguyên đơn nhất quyết làm cho “ra ngô, ra khoai” thì họ hoàn toàn có thể vận dụng quy định pháp luật để yêu cầu người gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định tại Điều 592 BLDS 2015:
“1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; c) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”.
Không những thế, pháp luật còn quy định những trường hợp mà người có “tì vết” về hành vi xâm phạm sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của người khác không được làm như không được làm người giám hộ hay không được quyền hưởng di sản khi xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người để lại di sản.
Theo Luật sư Hà Huy Từ/Phapluatplus

>> xem thêm

Bình luận(0)