Lương giáo viên tăng cao cũng không thể bằng ngành công an, quân đội

Google News

Theo ông Trịnh Ngọc Thạch, dự thảo đề xuất tăng lương cao nhất trong bảng lương là đúng đắn, nhưng không thể cao bằng ngành công an, quân đội.

Mới đây, Bộ GD&ĐT xin ý kiến các đơn vị liên quan trước khi trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành. Điều khoản quy định về chế độ tiền lương trong Luật Giáo dục năm 2005, sửa đổi năm 2009 đã có nội dung mới.
Cụ thể, Điều 81 về tiền lương trong dự thảo nêu cần sửa đổi: "Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ".
Luong giao vien tang cao cung khong the bang nganh cong an, quan doi
 Ông Trịnh Ngọc Thạch cho rằng đề xuất tăng lương cho giáo viên là đúng đắn. Ảnh: Quyên Quyên.
Ông Trịnh Ngọc Thạch - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội - cho biết tăng lương cho giáo viên là dự thảo lần 2, thuộc một trong ba vấn đề được Bộ GD&ĐT xin ý kiến Chính phủ, nếu được đồng ý mới đưa vào được.
"Đây là dự thảo đúng đắn theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29 đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Vấn đề tăng lương cần có sự phối hợp của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ với nhiều kinh nghiệm và tính toán kỹ", ông Thạch nhận xét.
Theo nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, nếu ngân sách nhà nước không có điều kiện để tăng lương đồng loạt thì có thể tăng ưu tiên mầm non, tiểu học trước giảng viên đại học, tăng lương vùng khó khăn trước đô thị.
"Chẳng hạn vùng này có thể sau 6 tháng nữa phải tăng nhưng ở vùng thành phố chưa khó khăn, vài năm nữa mới tăng. Như vậy, vùng này sẽ bù cho vùng kia. Các chế độ khác như phụ cấp nhà giáo và thâm niên vẫn phải đảm bảo cho đời sống giáo viên", ông Thạch nói.
Trước băn khoăn của dư luận về việc nếu tăng lương cho nhà giáo sẽ kéo theo các ngành nghề khác cùng thuộc ngân sách nhà nước, ông Trịnh Ngọc Thạch cho rằng: "Nghề giáo và nghề thầy thuốc là hai ngành rất quý trọng trong xã hội, nếu tăng được cho cả hai nghề sẽ rất tốt. Chính phủ sẽ phải xem xét để ưu tiên cho ngành nghề nào trước vì 'người thầy' nào cũng cao cả. Tuy nhiên, nếu người thầy giáo mà khổ sẽ dẫn đến nhiều nỗi khổ khác”.
Ông Thạch khẳng định: "Lương nghề giáo nếu được tăng cao cũng không thể cao bằng lương công an, quân đội vì sư phạm là lương hành chính, sự nghiệp, còn lương công an, quân đội có thang bảng lương riêng".
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội thông tin nhiều năm qua, lương giáo viên được xếp tương đối cao so với các ngành nghề khác trong xã hội. Chỉ có điều mức lương ấy so với mức sống còn chênh lệch khiến họ lâm vào tình trạng quá lo lắng cho cuộc sống, ban ngày đi dạy, buổi tối phải dạy thêm, làm thêm.
Với các cấp học khác nhau, có mức lương khác nhau. Do vậy, với mức sống hiện nay, ông nghĩ cần phải tăng lương cho giáo viên.
Ông Thạch cho rằng tăng lương cho giáo viên là chính sách lớn, tăng lương cho một người là con số nhỏ nhưng tính ra sẽ là cả trăm nghìn tỷ. Nhưng nếu thực hiện được, chính sách này sẽ rất tốt và ý nghĩa cho xã hội.
Nói về vấn đề tăng lương cho giáo viên, GS Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội - cho biết Nghị quyết Trung ương 2 khoá XIII từ năm 1996 đã khẳng định điều này nhưng 20 năm qua chúng ta chưa thực hiện được.
Theo GS Đào Trọng Thi, lao động của giáo viên cũng là lao động đặc thù, ngành giáo dục cũng là ngành đặc thù. Lương của công chức, viên chức hiện nay như nhau nhưng thu nhập thì giáo viên thấp nhất, bởi đại đa số họ không có thu nhập nào khác ngoài lương.
GS Đào Trọng Thi cho rằng tăng lương cho giáo viên và giảm học phí là một trong những đề xuất đặc biệt quan trọng. Nếu được Chính phủ đồng ý và trình Quốc hội thông qua thì đây là tiến bộ lớn, là "cách mạng" trong chính sách giáo dục của Đảng và Nhà nước ta.
Theo Quyên Quyên/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)