Luật sư nói gì vụ hai tử tù vượt ngục trại T16?

Google News

(Kiến Thức) - Xoay quanh vụ việc hai tử tù bỏ trốn khỏi trại giam T16 - Bộ Công an, luật sư Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) đã có quan điểm bày tỏ.

Liên quan đến vụ việc hai tử tù bỏ trốn khỏi trại tạm giam T16 – Bộ Công an trong khi chờ thi hành án hôm 10/9, sáng ngày 14/9, PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội).
Luat su noi gi vu hai tu tu vuot nguc trai T16?
 Hai tử tù trốn khỏi trại giam T16 - Bộ Công an: Lê Văn Thọ (tức Thọ sứt, 1980, trú tại xóm 6, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) và Nguyễn Văn Tình (SN 1989, trú tại xã Đông Xuân, Quốc Oai, Hà Nội).
Theo luật sư Thơm, hai tử từ là Nguyễn Văn Tình và Lê Văn Thọ bỏ trốn khỏi trại tạm giam T16 - Bộ Công an (có địa chỉ tại Thanh Oai, Hà Nội) là một sự cố hy hữu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Luật sư Thơm phân tích: Đặc thù của những phạm nhân bị kết án tử hình hình thường có tâm lý tiêu cực và một số cố tìm mọi cách để giành lại sự sống. Đây là bản năng sinh tồn của con người. Các tử tù có nhiều tiền án, tiền sự nên đã có nhiều kinh nghiệm để đối phó và dùng mọi thủ đoạn với các cơ quan pháp luật trong việc giam giữ. Mặc dù những năm gần đây, Nhà nước ta đã trang bị nhiều thiết bị công nghệ cao để quản lý việc giam giữ nhưng vẫn phải lấy con người vẫn là nhân tố chính. Một sơ xuất nhỏ do lơ là, chủ quan là dẫn tới hậu quả khôn lường bởi các mánh khóe thủ đoạn của tội phạm.
Luật sư Thơm cho hay, hành vi bỏ trốn khỏi nơi giam giữ của 2 tử tù đã phạm tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị dẫn giải, đang bị xét xử. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 311 BLHS năm 1999 (*).
Đối với trách nhiệm của Cán bộ trực tiếp quản lý phạm nhân bỏ trốn thì cần căn cứ vào kết quả điều tra làm rõ nội dung sự việc và sai phạm của cán bộ trực tiếp quản lý. Nếu cán bộ trực tiếp quản lý đã làm hết trách nhiệm mà người bị giam, giữ vẫn trốn được thì không phải là thiếu trách nhiệm và không phải là hành vi phạm tội .
“Tùy theo tính chất mức độ sai phạm có thể bị xử lý kỷ luật theo qui định của ngành hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 301 BLHS về Tội thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn. Hành vi thiếu trách nhiệm trong công tác trực tiếp quản lý là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã vi phạm các quy định về chế độ liên quan đến việc giam, giữ nên để cho người bị giam, giữ trốn. Ví dụ như: do lơ là, chủ quan không phân công trực 24/24, không kiểm tra các vật dụng để phạm nhân mang vào sinh hoạt dùng làm công cụ phá khóa,..”, luật sư Thơm nói.
Luật sư Thơm cho biết thêm, lỗi của cán bộ quản lý ở đây được xác định là lỗi vô ý, tức là thấy trước hành vi của mình có thể dẫn đến người bị giam, giữ trốn, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được (vô ý vì quá tự tin) hoặc người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể dẫn đến người bị giam, giữ trốn, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó (vô ý do cẩu thả).
Nếu trường hợp có sự thông đồng từ các đối tượng đang bị giam giữ, hoặc giữa các đối tượng thân quen bên ngoài với các cán bộ quản lý trại giam để cho phạm nhân bỏ trốn, thì sẽ phải chịu trách nhiệm đồng phạm về Tội trốn khỏi nơi giam giữ theo Điều 311 BLHS.
Ngoài ra, nếu các đối tượng bên ngoài có sự thông đồng bằng lợi ích vật chất với các cán bộ quản lý giam giữ, để cho các đối tượng bỏ trốn thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hối lộ theo Điều 289 BLHS và Tội nhận hối lộ theo Điều 279 BLHS.
Điều 301. Tội thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn
1. Người nào trực tiếp quản lý, canh gác, dẫn giải người bị giam, giữ mà thiếu trách nhiệm để người đó trốn gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội để người bị giam, giữ về một tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng trốn hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, thì bị phạt tù hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.
(*) Điều 311. Tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị dẫn giải, đang bị xét xử
1. Người nào đang bị giam, giữ, đang bị dẫn giải hoặc đang bị xét xử mà bỏ trốn, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a ) Có tổ chức;
b ) Dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người dẫn giải.
Bảo Ngân

>> xem thêm

Bình luận(0)