Lỗ hổng thất thoát ngân sách từ khai thác khoáng sản tràn lan

Google News

(Kiến Thức) - Theo ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng Cục trưởng TC Địa chất Khoáng sản, đến lúc nhà nước phải lấp những lỗ hổng thất thoát ngân sách từ cấp phép khai thác khoáng sản tràn lan.

Doanh nghiệp báo cáo bao nhiêu biết bấy nhiêu!
- Mới đây, một tổ chức có uy tín ở Mỹ đã đưa ra đánh giá Việt Nam là một trong những nước xếp cuối cùng trong nhóm các quốc gia quản lý yếu kém nguồn thu từ khoáng sản. Nghĩa là ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam đang nằm chót bảng, ông đánh giá thế nào?
Luật Khoáng sản năm 1996 rõ ràng có những bất cập trong việc quản lý khai thác khoáng sản. Khai thác một cách tràn lan mà nguồn thu cho ngân sách thì không đáng kể. Sau đó chúng ta tiến hành tổng kết và sửa đổi luật vào năm 2010 thì Quốc hội đã thông qua luật khoáng sản sửa đổi với rất nhiều điểm mới. Trong đó có những điểm đột phá để quản lý tốt hơn. 
Nhưng từ lúc có luật đến lúc luật đi vào cuộc sống phải mất bao lâu thì cả xã hội phải điều chỉnh, phải từ từ. Không thể hôm trước hôm sau là tốt lên được. Từ khi luật có hiệu lực đến giờ, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản đã có dấu hiệu tích cực. Còn thế giới họ có quyền đánh giá theo những thông tin mà họ có, tôi không bình luận.
- Bước tiến cụ thể như ông nói là thế nào?
Công tác khai thác khoáng sản đã chặt chẽ hơn, thanh tra kiểm tra mạnh hơn, nguồn thu từ khai thác khoáng sản đã tăng lên rõ rệt. Ví dụ như từ khi Nghị định về việc khai thác khoáng sản phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản có hiệu lực đầu năm 2014, đến giờ đã thu được cho ngân sách 500 tỷ đồng. Dự tính đến hết năm sẽ thu được khoảng 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Rõ ràng nguồn thu đã tốt hơn. Việc khai thác bừa bãi giờ đã giảm đi rất nhiều.
- Vậy trước đây chúng ta quản lý nguồn thu đó bằng phương pháp nào mà ngân sách lại không thu về được? Có phải bằng sổ sách và tất cả con số phụ thuộc vào số liệu doanh nghiệp cung cấp?
Lâu nay việc này thuộc trách nhiệm của cơ quan thuế nhưng tôi biết rằng có rất nhiều bất cập. Thu thuế tài nguyên dựa vào giá địa phương đưa ra, sau đó thì doanh nghiệp tự kê khai. Rõ ràng với nền kinh tế sử dụng tiền mặt như chúng ta thì độ tin cậy của việc kê khai đó là rất thấp.
- Và phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp khai báo?
Đúng thế!
Ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Địa chất Khoáng sản, Bộ TN&MT. 
Nếu biết, tôi đã xử lý!
- Luật Khoáng sản 2010 chúng ta có đưa ra tiêu chí đấu giá quyền khai thác, đến nay chúng ta đã thực hiện như thế nào thưa ông?
Doanh nghiệp phải có đầy đủ các tiêu chí về vốn, năng lực tài chính, công nghệ thì mới nhảy được vào phiên đấu giá. Trong đó, ai trả tiền cao hơn thì người đó được quyền khai thác. Luật cũng buộc doanh nghiệp phải có bản đồ hiện trạng, kiểm kê hằng năm để kiểm soát kê khai nộp thuế tài nguyên. Nếu không thì sẽ bị phạt rất nặng. Luật trước đây chúng ta chưa quy định cụ thể như thế. Điều này sẽ khắc phục tình trạng doanh nghiệp "tay không bắt giặc" như trước đây.
- Nhiều ý kiến lo ngại rằng, công tác thăm dò của chúng ta gần như giao cho doanh nghiệp làm, doanh nghiệp tự bỏ tiền ra thăm dò, vậy thì đấu giá quyền khai thác khoáng sản về bản chất là đấu giá thứ ta không biết nó là cái gì, có hay không, nhiều hay ít?
Có hai loại đấu giá là đấu giá đã có kết quả thăm dò và đấu giá khi chưa có kết quả thăm dò. Đấu giá có kết quả thăm dò thì có thể cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp đã tiến hành, dựa trên cơ sở đó sẽ có kiểm tra lại phần kết quả này, đưa thông tin đấu giá công khai. Các doanh nghiệp khác đều có thể tự xem xét. Còn đấu giá mỏ chưa thăm dò thì lúc đó đấu giá bằng tỉ lệ nộp cho nhà nước bao nhiêu. Sau khi trúng đấu giá thì doanh nghiệp mới thăm dò dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước. Sau khi thăm dò rồi thì mới bắt đầu tính tiền.
- Một bất cập khác là phân cấp khai thác tài nguyên khoáng sản, ở góc độ quản lý, ngành Tài nguyên môi trường sẽ làm gì để hạn chế tình trạng cấp phép bừa bãi?
Khi giao cho các địa phương quyền cấp phép khai thác, trong 2 năm mà có tới 4.300 giấy phép được cấp, trong khi đó Bộ TN&MT trong 30 năm mới cấp khoảng 400 giấy phép. Chúng tôi sẽ siết lại việc phân cấp này, công khai các thông tin, đấu giá... để tình trạng thất thu ngân sách trong khai thác khoáng sản sẽ được ngăn chặn.
- Khi điều tra về tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp khai khoáng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra kết luận, số doanh nghiệp thừa nhận phải tạo lập quan hệ với các cán bộ nhà nước nhiều hơn so với khối doanh nghiệp khác, ông có đồng tình?
Tôi không thể biết được thực hư thế nào, vì nếu biết thì tôi đã xử lý kỷ luật rồi chứ. Thống kê đó là do bên VCCI làm nên tôi cũng không rõ lắm.
Thuế biết thuế, tài nguyên biết tài nguyên
- Một trong những vấn đề dư luận rất quan tâm trong thời gian vừa rồi về trữ lượng vàng ở hai mỏ vàng Phước Sơn và Bồng Miêu. Trong khi cơ quan quản lý nhà nước cấp phép khai thác là 7 tấn vàng thì các chuyên gia nhận định trữ lượng này phải lên tới trên 20 tấn, ý kiến của ông thế nào?
Các chuyên gia cũng chỉ nói trên giấy. Muốn biết bao nhiêu tấn vàng thì phải khoan thăm dò lấy mẫu, phân tích mẫu, trên cơ sở đó mới tập hợp tài liệu. Còn chuyên gia mà không làm thế, chỉ ngồi trên bàn nói thì tôi cho rằng nói không chuẩn. 
- Vậy ông có tin vào trữ lượng mà doanh nghiệp báo cáo?
Tôi cũng không khẳng định trữ lượng mà doanh nghiệp thăm dò và chúng ta phê duyệt là chính xác. Tới đây chúng tôi sẽ kiểm tra bằng cách yêu cầu thống kê kiểm kê trữ lượng, kiểm soát chặt đầu ra thì sẽ biết được.
- Vụ việc trốn thuế của đơn vị khai thác vàng Bồng Miêu và Phước Sơn khiến người ta đặt câu hỏi với các doanh nghiệp khai khoáng khác, nếu cũng tái diễn tương tự thì ngân sách nhà nước thất thoát không biết bao nhiêu mà kể?
Để quản lý tốt thì phải có sự kiểm soát phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế và cơ quan quản lý tài nguyên. Trước đây hai đơn vị này không phối hợp với nhau nên mới dẫn đến những hệ quả như hiện nay. Tôi quản lý khoáng sản đã nhiều năm nhưng chưa bao giờ có ý kiến phản hồi của cơ quan thuế đối với cơ quan chúng tôi rằng doanh nghiệp này nộp thuế như thế là đúng hay không đúng. Tài nguyên làm việc của tài nguyên, thuế làm việc của thuế nên mới có những kẻ hở. Nếu ngành thuế kiểm soát việc thu thuế dựa trên số liệu từ ngành tài nguyên thì doanh nghiệp đã không thể "lách" được rồi.
- Với các quy định mới thì khả năng doanh nghiệp có thể lách là bao nhiêu phần trăm?
Tôi tin là với bản đồ trữ lượng khoáng sản, với những thông tin công khai, doanh nghiệp có thể không khai báo đúng 100% nhưng cũng phải đúng đến 80 - 90%. Từ đó, nguồn thu chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều. Qua kiểm tra thấy có tỉnh cấp phép khai thác tài nguyên hàng loạt mà tổng thuế tài nguyên thu chưa được 4 tỷ đồng. Con số đó quá ít so với thực tế. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ, kiểm tra thanh tra không phải là ít. Rõ ràng, thuế tài nguyên đang bị thất thoát rất lớn.
- Bộ trưởng Bộ TN&MT từng cam kết trước Quốc hội rằng đến hết năm 2013 sẽ xử lý những trường hợp địa phương cấp phép không đúng quy định, xử lý dứt điểm các mỏ vi phạm, lời hứa đó được làm đến đâu thưa ông?
Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương chấp hành nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, khắc phục sai phạm. Đa phần các địa phương đã chấp hành nhưng chỉ có Điện Biên là chưa chấp hành tốt. Chúng tôi sẽ xử nghiêm, đúng pháp luật, có thể kỷ luật xử lý hành chính các cán bộ liên quan.
- Xin cảm ơn ông!
Trước đây, doanh nghiệp khai thác khoáng sản lập hồ sơ khai thác khoáng sản để được cấp phép, nhưng không ai kiểm soát được trữ lượng khoáng sản thực tế. Không ai biết mỏ đó to nhỏ lớn bé, trữ lượng ra làm sao. Chính vì thế mà khi lên bờ, không ai kiểm soát được, cơ quan thuế không biết như thế nào mà tính thuế. Trong khi cơ quan nhà nước không thể ngồi trên bờ để gác 24/24 được. Chúng ta thu thuế theo công thức nào để tăng thu cho ngân sách, không gây thất thoát là vấn đề cần phải nghiên cứu giải quyết kỹ lưỡng. 

Bình luận(0)